Như phản ánh của báo điện tử Một thế giới và các cơ quan báo chí khác, đoạn đường Ung Văn Khiêm (phường 25, quận Bình Thạnh) chỉ dài chưa đến 2km nhưng có tới hàng chục chung cư, nhà cao tầng. Thời gian qua, đoạn đường này trở thành 'điểm đen' về ùn tắc xe, ngập nước dù những tòa nhà nói trên mới đang triển khai, chưa đưa vào sử dụng hoặc sử dụng chưa hết công suất.
Vậy đâu là lý do khiến những con đường như Ung Văn Khiêm với hàng loạt chung cư, nhà cao tầng và nhiều đoạn đường khác không đồng bộ về quy hoạch kiến trúc và cơ sở hạ tầng?
TS Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng Tp.HCM cho rằng, trước đây, người Pháp đã quy hoạch khu vực trung tâm TP như quận 1, quận 3 và khu Chợ Lớn ở quận 5, quận 10 rất bài bản và hoàn chỉnh. Theo đó, các khu vực này được định hướng phát triển thành các đô thị đa trung tâm, mỗi trung tâm sẽ là một khu ở hoàn chỉnh về hạ tầng xã hội, đồng thời nối kết với nhau bằng hệ thống giao thông chính là các trục đường chính đô thị.
Tuy nhiên, trong thời gian chiến tranh, người dân tứ xứ đổ về Sài Gòn di tản đã khiến đô thị phình to một cách tự phát. Mặc dù có quy hoạch nhưng do ảnh hưởng của chiến tranh nên không thực hiện được nhiều. Khi chiến tranh kết thúc, hầu hết diện tích các quận ngoại thành lại tiếp tục phát triển tự phát. Trong khi đó, chính quyền thành phố lại không chú trọng đến quy hoạch nên dẫn đến cấu trúc đô thị méo mó như hiện nay.
Rất nhiều chung cự sau đó đã mọc lên 'như nấm' tại các con đường vốn đã chịu áp lực giao thông lớn.
Cũng theo TS Võ Kim Cương, tình trạng kẹt xe của Tp.HCM thời gian qua một phần là do TP xây dựng theo quy hoạch tương lai, tức là cho phép xây dựng các công trình cao ốc, khu chung cư khi chưa làm hạ tầng giao thông, đây là quyết sách sai lầm... Giao thông đang phải chịu áp lực lớn trước tình trạng các con đường ở TP.HCM phải 'gánh' quá nhiều cao ốc.
Đối với khu vực trung tâm, dù đường sá đầy đủ nhưng do có quá nhiều cao ốc nên hạ tầng trở nên bức bối, vì theo quy hoạch, hạ tầng chỉ đáp ứng cho riêng khu vực trung tâm thì nay lại phải gánh giao thông cho toàn TP. Trước kia, khu vực trung tâm TP được quy hoạch bài bản, đường sá ô bàn cờ rất đẹp, đầy đủ, thậm chí rất rộng rãi nhưng nay phải 'gánh' lượng giao thông của toàn TP nên không tránh khỏi tình trạng kẹt xe.
Không chỉ riêng Hà Nội, Tp.HCM, mà hầu hết các đô thị lớn ở Việt Nam, việc mở rộng đường chưa bao giờ là dễ dàng. Nguyên nhân chủ yếu do chi phí mở rộng, đền bù, bảo trì vô cùng tốn kém.
Về vấn đề này, theo lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải Tp.HCM, trong những năm qua Sở không được tham gia góp ý về quy hoạch dự án nhà ở, cao ốc. Theo đó, trong thủ tục hành chính đều không cần lấy ý kiến của Sở vì sẽ kéo dài thời gian, gây ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án của doanh nghiệp, nhà đầu tư. Nhưng rõ ràng, việc tham mưu, ý kiến của Sở Giao thông Vận tải Tp.HCM là cần thiết trong khâu quy hoạch chung cư, cao ốc để đồng bộ với cơ sở hạ tầng.
Dẫn lại lời phát biểu của TS Võ Kim Cương thì việc cho phép xây dựng theo quy hoạch tương lai nhưng không rõ 'tương lai' là thời điểm nào và có đúng thời gian hay không, điều này khó có thể khẳng định được. Vậy khi mà quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng còn đang triển khai thực hiện thì giao thông sẽ ra sao?
Có thể thấy, động thái dừng cấp phép cho xây cao ốc, chung cư ở những nơi kẹt xe, ngập nước của Tp.HCM mới đây tạm thời sẽ giúp giảm tải áp lực giao thông cho một số địa điểm tại vùng 'lõi' của trung tâm.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]