- Thị trường
- Tài chính
- Bất động sản
- Thời trang
- Làm đẹp
- Sức khoẻ
- Ẩm thực
- Du lịch
- Đời sống
- Công nghệ
- Giáo dục
- Xe 360
Vì sao phải “thửa” vợt riêng?
Đôi khi sẽ có ai đó thắc mắc: Nếu hai tay vợt hàng đầu thế giới như Roger Federer và Rafael Nadal đổi vợt cho nhau rồi thi đấu thì kết quả sẽ thế nào? Câu trả lời: Federer sẽ không còn là FedEx huyền thoại và Nadal cũng chẳng còn là Rafa xuất chúng. Một tay vợt gần như sẽ gắn bó trọn đời với một loại vợt cùng nhãn hiệu vợt và bần cùng bất đắc dĩ mới cho chuyện ai đó từ bỏ “cây kiếm” đã cùng họ tập luyện hàng chục năm trời.
Đấy là chúng ta đang nói về quần vợt chuyên nghiệp, khi nói tới Federer là nhắc tới nhãn hiệu vợt Wilson với cây Wilson 6.1 Tour BLX tạo nên những cú quả biến ảo, với Nadal là nhãn hiệu vợt Babolat với cây Babolat AeroPro Drive có khả năng tạo ra những vòng xoáy topspin khó cưỡng. Còn quần vợt nghiệp dư phong trào, có khi một tay vợt lại sở hữu cùng lúc vài ba cây vợt của vài hãng khác nhau, thi thoảng vừa tay cây vợt nào thì lấy đại ra để “chiến”.
Federer và "cây kiếm" tuyệt đỉnh Wilson 6.1 Tour BLX
Nhưng rõ ràng, nếu chọn được một cây vợt “chuẩn” cho hình thế, lối chơi ưa thích của mỗi người thì chắc chắn sẽ phát huy toàn bộ những điểm mạnh nhất của tay vợt đó. Và để bắt đầu với tennis, điều đầu tiên bạn cần làm là chọn một cây vợt vừa ý và sau đó mới tiếp tục đến những công đoạn tiếp theo.
Hãy nhớ bạn bao nhiêu tuổi!
Xin đừng chạy theo “mốt” sử dụng vợt theo nhãn hiệu của các sao như Wilson, Head, Babolat, Yonex…, mà hãy chú ý tới vấn đề sức khỏe bởi một cây vợt không phù hợp với độ tuổi sẽ khiến tình yêu với tennis của bạn sẽ có tuổi thọ ngắn đi trông thấy do những chấn thương và sự khó chịu khi thực hiện các cú đánh.
Những người lớn tuổi và muốn chơi tennis như thú vui tao nhã kiểu dưỡng sinh, chị em liễu yếu đào tơ trót mang mối tình với tennis nên chọn những cây vợt có trọng lượng nhẹ từ 220 – 270g và có thêm cả trợ lực. Một cây vợt có trợ lực sẽ có phần đầu nặng, cán nhẹ (được xác định bằng cách “cân” vợt bằng tay theo kiểu đòn gánh) giúp người chơi không có nhiều sức khỏe được “mượn” thêm sức trong những cú đánh.
Chọn vợt cũng phải theo tuổi và sức
Thêm nữa, cây vợt có diện tích mặt vợt lớn là thích hợp với những người chơi cần độ chính xác và không nhăm nhăm tung ra cú đánh kết liễu đối thủ.
Với những thanh niên trai tráng, thậm chí những bậc cha chú vẫn còn sức mạnh đáng nể thì nên cầm những cây vợt có trợ lực ít, trọng lượng từ 270 – 310g, diện tích mặt vợt ở mức trung trung. Đây sẽ là những cây vợt giúp bạn vừa tấn công, vừa phòng thủ để tạo ra một trận đấu hấp dẫn và căng thẳng như mong đợi!
Còn với những người mơ ước được tung hoành trên sân như những tay vợt chuyên nghiệp, hãy chọn những cây vợt không có trợ lực, trọng lượng lớn hơn 310g và diện tích mặt vợt nhỏ.
Toàn diện như Federer
Tuy nhiên đó mới chỉ là bước dạo đầu của chọn vợt chứ chưa hoàn toàn là những điều then chốt để chọn “cây kiếm” sẽ bên bạn xuyên năm tháng. Vẫn còn đó nhiều yếu tố khác để bạn tự quyết định nên đem theo cây vợt nào bên mình.
Chọn vợt để làm gì?
Tất nhiên vợt tennis là để chơi tennis, nhưng bạn cầm cây vợt đó để chơi như thế nào lại là chuyện khác. Cũng như những tay vợt chuyên nghiệp, người chơi nghiệp dư sau một thời gian học hỏi và đi “bay” sẽ xác định mình phù hợp với lối chơi nào nhất.
Anh nào có cú giao bóng sấm sét thì hay chơi kiểu giao bóng – lên lưới vô lê (serve and volley), vậy hãy chọn những cây vợt dài hơn bình thường. Qui định chỉ cho phép một cây vợt dài tối đa 29 inches (khoảng hơn 73,6 cm) và các hãng vợt thường sản xuất những cây vợt dài 27 inches (gần 69 cm). Vì thế nếu bạn có cú giao bóng tốt, hãy chọn vợt lớn hơn 27 inches.
Roddick mạnh về giao bóng và cây vợt Babolat cũng dài tới 28,27 cm
Cây vợt dài và nhẹ cũng thích hợp với những tay vợt nữ thích chơi cả cú thuận và cú trái bằng 2 tay (thần tượng Monica Seles). Độ dài vợt vừa đủ cho kiểu cầm 2 tay và trên hết là tốc độ ra vợt sẽ nhanh hơn thường lệ.
Hâm mộ Federer với những pha đánh chuẩn mực của tennis, hãy chọn cây vợt có đầu nhẹ nhưng trọng lượng nặng và đặc biệt diện tích mặt vợt nhỏ tầm 90 inch2 (hơn 580 cm2) so với những cây vợt khác có diện tích mặt vợt tầm 95-110 inch2.
Giải mã những thông số trên vợt
Cầm một cây vợt trên tay sẽ khối người “hoa mắt chóng mặt” khi thấy trên thân vợt là một loạt những tên thông số bằng tiếng Anh. Sẽ nhiều người bỏ qua yếu tố này nhưng đó cũng là một trong những tiêu chí để lựa chọn cây vợt ưng ý.
Weight: Dĩ nhiên là trọng lượng vợt để bạn xác định cây vợt nặng hay nhẹ.
Balance: Độ cân bằng của vợt, đo sức nặng phân bổ trên cây vợt bằng chiều dài từ chuôi vợt (butt cap), đơn vị thường dùng là mm. Tương ứng là số điểm (points – pts), tương đương 1 pts = 1/8 inch = 0,3175 cm. Từ đó xác định đầu vợt nhẹ (head light – HL) hay nặng (head heavy – HH).
Thông số của mỗi loại vợt khác nhau
Head size: Kích cỡ đầu vợt. Càng lớn thì càng thêm sức mạnh và “điểm ngọt” (sweetspot) trên mặt vợt, nhưng nhỏ hơn lại giúp ta kiểm soát cú đánh tốt hơn.
16 mains – 19 crosses: Cây vợt căng dây mật độ dây dọc – dây ngang như thế nào. Thông thường là 16 dây dọc, 19 dây ngang nhưng cũng có cây vợt là 18 dọc, 20 ngang như chiếc Head YouTek IG Speed MP 18/20 của Novak Djokovic vừa mới trình làng tại Australian Open và từ đó đến nay là “cây quyền trượng” giúp Nole thống trị thế giới.
Tay cầm vợt 41/2
Grip: Tay cầm vợt (cán vợt). Thường có một con số đi kèm là 41/8 cho tới 45/8 inch để đo kích cỡ cán vợt phù hợp với bàn tay bạn hay không. Cách đo dễ nhất là cầm vợt theo kiểu miền đông – Eastern – số 3 để đánh cú thuận. Thông thường các cây vợt tại Việt Nam phù hợp với những người châu Á có bàn tay bé ở mức 41/4. Nếu với những người tay to hơn thì để cầm chắc có thể tự quấn thêm lớp ngoài cán vợt để tạo độ chắc khi thực hiện cú đánh.
Chọn vợt ưng ý cần hội tụ nhiều yếu tố
Recommended tension: Độ căng mặt lưới. Các cây vợt thường có độ căng dao động khoảng vài kg tùy theo cách đánh và loại vợt từng tay vợt. Như Federer, độ căng chiếc Wilson 6.1 Tour BLX là 21 kg cho dây dọc và 22,5 kg cho dây ngang, phù hợp lối chơi tạo cảm giác bóng tốt, Nadal căng 25 kg cho cả dây dọc và dây ngang tạo những đường bóng xoáy hơn, còn Djokovic căng tới 28 kg cho cả dây dọc và ngang, ít topspin nhưng uy lực và khó lường hơn.
Khuyến cáo:
Đây là một số cách cơ bản khi chọn vợt, còn để tìm cây vợt thích hợp với chính bạn cũng cần một thời gian làm quen, giống như khi ta bắt đầu sử dụng một chiếc điện thoại mới, cần khám phá và tự biến chúng thành vật quen thuộc với chính mình. Thường các cửa hàng có chính sách “mượn vợt dùng thử”, hãy cầm và cảm nhận cây vợt trong một thời gian để quyết định đầu tư cho “cây kiếm” nào.
Tâm lý của những fan hay đi tìm những cây vợt của thần tượng nhưng những cây vợt Wilson của Federer, Babolat của Nadal hay Head của Djokovic là những hàng thửa… của riêng từng tay vợt, đã được các chuyên gia “độ” vợt phù hợp tiêu chuẩn và theo đúng sở trường của từng tay vợt. Vì vậy những cây vợt “made in China” trên thị trường có cấu tạo và hình dáng giống như vậy, nhưng chắc chắn không thể giống hệt của Roger, Rafa và Nole!
Hãy cẩn thận với hàng kém chất lượng và “nhái”. Chú ý kỹ những thông số ghi trên vợt, hàng nhái hay khiến mọi người bị đánh lừa khi ghi sai một chữ cái (ví dụ head size thành head zise…). Tốt nhất “đắt xắt ra miếng”, hãy đầu tư có đảm bảo vào những cửa hàng lớn có uy tín, đắt hơn một chút nhưng trên 90% là hàng thật (còn lại là chút rủi ro cho người mua!)
Một cây vợt “đỉnh” còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như mặt lưới căng loại dây nào, những phụ kiện kèm theo… Tổng hòa những yếu tố đó mới có thể giúp bạn có cây vợt hoàn hảo, nhưng thường thường người chơi nghiệp dư chỉ cần cảm thấy “thích” khi cầm cây vợt nào thì hãy chọn nó.
Theo Zingnews
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]