- Thị trường
- Tài chính
- Bất động sản
- Thời trang
- Làm đẹp
- Sức khoẻ
- Ẩm thực
- Du lịch
- Đời sống
- Công nghệ
- Giáo dục
- Xe 360
Tập luyện bài bản cú đánh thuận tay (forehand) sẽ giúp người chơi tennis trang bị vũ khí chủ đạo trong mọi cuộc chơi.
Với người mới làm quen với tennis hạng phong trào, sau bài học đầu tiên làm quen với cây vợt và cách cầm vợt sẽ là những chỉ dẫn đầu tiên về cách đánh cú thuận tay (forehand), một trong những kỹ thuật cơ bản mà bất kỳ tay vợt nào cũng cần phải “nằm lòng”. Thống kê đã chỉ ra hơn 70% số điểm trong trận đấu đều đến từ những cú forehand và đó là lý do vì sao đây là kỹ thuật số 1 trong danh sách hàng loạt những kỹ thuật mà người chơi tennis cần biết.
Đánh như thế nào cho đúng là một chuyện, nhưng đánh như thế nào để đem lại sự hiệu quả và biến forehand trở thành vũ khí hữu hiệu giúp tay vợt giành chiến thắng thì là cả một câu chuyện dài. Hãy bắt đầu từ những điểm cơ bản và nâng cao dần theo thời gian bởi chúng ta cần nhớ những cú forehand của các tay vợt không phải ai cũng giống ai nhưng tất cả đều dựa trên một nền tảng cơ bản.
Cầm vợt như thế nào để đánh forehand?
Như đã giới thiệu ở bài cách cầm vợt, để thực hiện cú forehand thì người chơi sẽ có 3 cách lựa chọn: cầm kiểu Eastern số 3, cầm kiểu Western số 4 và cầm kiểu Semi-Western (số 3,5). Hiện tại đa số những tay vợt chuyên nghiệp thường cầm số 3,5 để phát huy lối đánh đa dạng trong nhiều thời điểm.
Federer là tay vợt có những cú forehand siêu hạng
Với tennis phong trào, lời khuyên của đa số các “thầy” là người chơi nên cầm số 3 khi bắt đầu tập kỹ thuật forehand, vừa dễ tạo cảm giác khi đánh bóng vừa dễ kiểm soát đường đi của bóng. Sau một thời gian tập luyện có thể tự điều chỉnh về số 3,5 hoặc 4 tùy theo sự cảm nhận của tay vợt.
Thời xưa, các tay vợt còn cầm kiểu Continental số 2 (dùng để đánh cú trái hai tay, giao bóng, cắt bóng, volley…) để đánh forehand nhưng ở thời tennis hiện đại, cách cầm vợt như đó đã không còn so sự linh hoạt kém và không tạo nên nhiều độ xoáy để làm khó đối phương.
Người mới chơi tennis thường được dặn dò cầm chắc tay vợt khi đánh forehand nhưng nên hiểu “chắc” ở đây không có nghĩa là cầm chặt hết cỡ kiểu mắm môi mắm lợi, mà là cầm ôm sát vào cây vợt (đúng theo số) làm sao có cảm nhận làm chủ cây vợt nhưng vẫn đủ sự thanh thoát của cánh tay để đánh forehand.
Để giúp người chơi dễ thuộc lòng cách cầm vợt đánh forehand, có một lời khuyên là hãy nghĩ đến những cái “bắt tay”. Bạn hãy cầm vợt như thể đang bắt tay ai đó, vừa siết nhưng vẫn thoải mái.
Bắt đầu tập forehand
Cách tốt nhất để miêu tả cú forehand hoàn chỉnh là thông qua hình ảnh.
Mở vợt
Động tác xoay vai đưa vợt về phía sau gọi là mở vợt. Có một điều chú ý đặc biệt với người mới tập tennis, luôn nhớ “MỞ VỢT SỚM”. Mở vợt sớm nghĩa là luôn chủ động chuẩn bị cho cú đánh tiếp theo, điều này không hề đơn giản với nhiều người chơi trong một thời gian dài. Bởi nó phụ thuộc vào cảm giác bóng, khả năng phán đoán cú đánh trả của đối thủ, kỹ năng chỉ có được theo thời gian, khi tay vợt dần tích lũy được kinh nghiệm bằng những giờ “bay” trên sân quần vợt.
Mở vợt cũng có nhiều kiểu, tùy theo từng tay vợt, tựu trung được gọi là mở vợt theo hình chữ C. Đầu vợt được kéo về phía sau như vẽ nên một hình chữ C trên không, làm sao sau đó hai vai tạo độ vuông góc với vạch baseline (đường cuối sân). Điều này giúp cho lực cú đánh sẽ được tăng lên và cũng đỡ hao tổn thể lực sau khi thực hiện cú forehand.
Bước chân di chuyển
Tất nhiên với bộ động tác như vậy, thường khi đánh forehand phải bước chân trái (với những người thuận tay phải) để tạo thế xoay vai và hông, mở vợt và thực hiện forehand. Ban đầu người chơi cần liên tục tập bước chân lên phía trước, mở vợt để đánh forehand nhằm tạo thói quen và phản xạ trước những lần thực hiện forehand. Còn sau khi đã phần nào bắt đầu đánh được forehand thì sẽ có nhiều những biến tấu khác: ví dụ như bóng sát thân thì chỉ cần nghiêng người (không cần tạo độ vuông góc với vạch baseline) để đánh bóng hay nếu bóng sâu thì bước chân phải xuống để phản đòn.
Quay chậm bộ động tác một cú forehand hoàn hảo
Đó là khi bắt đầu tập forehand, còn khi đã thành thạo thì bạn có thể không nhất thiết phải bước chân trái lên phía trước, mà hãy đứng ở tư thế chân mở và bán mở để vừa tạo độ thăng bằng, vừa có thêm nhiều góc đánh.
Nếu khi đánh forehand để đầu gối chùng và hay bật lên lúc chạm bóng thì cũng tăng thêm lực đánh. Cơ thể thường hướng về phía trước trong khi đánh với xu hướng chạy vào trong sân.
Đã có nhiều người chơi tennis nghĩ rằng chỉ cần học cú đánh gãy gọn, bài bản là có thể đánh forehand nhưng đó chỉ là một phần. Một kỹ thuật quan trọng bậc nhất giúp cho cú quả, không chỉ riêng forehand, chính là ở bộ chân (footwork). Không có những bước di chuyển linh hoạt trong trận đấu thì bạn sẽ chẳng thể đánh nổi một cú forehand ra hồn, dù bạn vẫn đánh forehand hoàn hảo khi tập… tại chỗ. Xin không lạm bàn để footwork (kỹ thuật sẽ được nhắc tới ở những bài tiếp theo) nhưng cần lưu ý với những người chơi luôn tập trung vào kỹ thuật này trong bất kỳ cú quả nào.
Thực hiện forehand
Đây là khâu đón bóng để thực hiện cú dứt điểm cuối cùng. Để có cú forehand tốt, nhất định cần cú chạm bóng tốt ở điểm ngọt (sweetpoint) trên mặt vợt. Đôi mắt lúc này đóng vai trò quan trọng để đánh forehand thành công. Với những người mới chơi ở trình độ “mầm non”, họ thường đánh trượt bóng hoặc ăn vào cạnh vợt do quá mải mê chú ý tới đối thủ sẽ đánh như thế nào. Họ quên rằng vật cần lưu tâm đặc biệt chính là trái bóng. Hãy theo sát trái bóng và đưa vợt chạm đúng điểm ngọt, đảm bảo cú forehand của bạn sẽ đi vào đúng vị trí muốn đến.
Dù luôn phải vươn về phía trước để đánh forehand nhưng cánh tay không nhất thiết phải quá thẳng (trừ trường hợp đón bóng ở xa) mà có thể hơi gấp ở khuỷu tay khi ra vợt. Điểm tiếp xúc bóng có thể chờ khi bóng nảy lên đến điểm cao nhất hoặc chờ bỏng rơi xuống, nhưng chỉ cần nhớ, “TIẾP XÚC BÓNG Ở TRƯỚC NGƯỜI”. Chỉ cần để bóng rơi sâu hơn một chút, bạn sẽ không thể thực hiện forehand chuẩn hoặc lực đánh sẽ rất nhẹ.
Để có một cú forehand đẹp và hiệu quả cần phối hợp nhiều động tác
Khi tiếp xúc bóng cần một độ xoa tay, nghĩa là thêm một cái lắc cổ tay để đưa vợt vòng ra từ bên phải ra phía sau bên trái, điều đó sẽ tạo thêm độ xoáy (spin) khi trái bóng sang phần sân đối phương. Điều này rất hữu ích với mọi tình huống bóng, ngay cả khi bóng nảy thấp thì cú forehand vẫn có thể kéo bóng đi từ dưới vòng qua lưới sang phần sân đối phương.
Những chú ý khi tập forehand
- Luôn nhớ thực hiện đúng bộ động tác và đừng “cải biên” theo ý muốn bản thân. Nhiều người bắt đầu tập tennis luôn có suy nghĩ muốn thử đánh và cố gắng thực hiện forehand bằng bất cứ giá nào. Điều đó có thể làm hỏng động tác của bạn sau này và sẽ thật khó sửa nếu những phản xạ đánh bóng đã ăn sâu vào mình.
- Ban đầu không cần phải dồn quá nhiều lực khi tập forehand. Cần đánh chuẩn động tác và tự tạo cảm giác bóng trước sau đó mới tính đến những cú đánh mạnh vì định hình kỹ thuật khó hơn nhiều việc tăng lực cho cú đánh.
- Hãy bắt đầu theo trình tự tập luyện đã được người hướng dẫn đề ra, bắt đầu từ gần trên lưới để tập những cú forehand có độ xoa tay đưa bóng qua sân, sau một thời gian sẽ chuyển sang đánh từ cuối sân.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]