Thiếu máu là bệnh lý hay gặp ở người cao tuổi
Thiếu máu là sự sụt giảm số lượng hồng cầu đến dưới ngưỡng quy định (Hemoglobin < 12g/dL ở nữ là <14 g/dL ở nam). Bệnh tiến triển tương đối âm thầm nên khi phát hiện thì thường là đã nặng có thể gây nguy hiểm cho bệnh nhân. Việc điều trị thiếu máu phụ thuộc vào nguyên nhân gây thiếu máu. Xác định không đúng nguyên nhân có thể dẫn đến điều trị sai hướng, không những không cải thiện tình trạng bệnh mà còn có thể khiến tình trạng bệnh nhân tồi tệ hơn.
Người cao tuổi là đối tượng dễ bị thiếu máu. Sau đây là một số nguyên nhân khiến người cao tuổi bị thiếu máu.
Thiếu máu do thiếu sắt
Sắt là thành phần quan trọng, là “nhân” của Hemoglobin trong hồng cầu. Nếu cơ thể hấp thụ đủ sắt thì quá trình tổng hợp hồng cầu sẽ bị ảnh hưởng gây thiếu máu. Theo vòng đời tự nhiên, hồng cầu sẽ tồn tại khoảng 120 ngày, sau đó sẽ được thay thế bởi các tế bào hồng cầu khác. Khi hồng cầu “già” bị phá hủy, sắt sẽ được tái hấp thu làm nguyên liệu tổng hợp tế bào mới. Do đó, nếu vì nguyên nhân nào đó dẫn đến chảy máu nhiều, cơ thể sẽ mất đi 1 lượng sắt đáng kể (do không được thu hồi) dẫn đến tình trạng thiếu máu do thiếu sắt. Thiếu máu thiếu sắt có thể là do:
Không cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng. Người già ăn uống khá ít do răng hỏng, rụng, rối loạn tiêu hóa và thành phần thức ăn đơn điệu nên thiếu chất.
Rối loạn hấp thu sắt: không chỉ riêng sắt mà cả một số chất cần thiết cho tạo máu cũng dễ bị rối loạn hấp thu.
Xuất huyết kéo dài. Bệnh nhân có các bệnh lý gây chảy máu kéo dài như viêm loét dạ dày-tá tràng, ung thư ruột già sẽ dẫn đến tình trạng thiếu máu.
Thiếu máu do thiếu vitamin B12 hoặc acid folic
Vitamin B12 và acid folic là 2 chất đóng vai trò quan trọng trong quá trình tạo máu. Các chất folat cũng như sắt bình thường đều được hấp thu ở phần trên hồi tràng. Vitamin B12 gắn với yếu tố nội tại được hấp thu ở phần dưới tiểu tràng. Tương tự như thiếu máu thiếu sắt, chế độ ăn không thiếu chất hoặc các tình trạng bệnh lý như rối loạn hấp thu, nhiễm khuẩn, u, thoái hóa đường ruột có thể dẫn đến thiếu vitamin B12 và acid folic gây thiếu máu.
Bệnh thận
Erythropoietin là một hormon chủ yếu do thận tiết ra (gan cũng tiết erythropoietin nhưng ít hơn nhiều so với thận). Hormon này có tác dụng kích thích sự biệt hóa các tế bào gốc thành tế bào tiền nguyên hồng cầu. Do đó, thiếu erythropoietin sẽ ảnh hưởng đến quá trình sinh hồng cầu.
Người cao tuổi là đối tượng chức năng thận đã giảm, dễ mắc các bệnh lý thận như suy thận, viêm thận do đó việc thiếu erythropoietin rất dễ dàng xảy ra dẫn đến tình trạng thiếu máu.
Một số bệnh lý khác cũng dẫn đến thiếu máu như bệnh lý miễn dịch, di truyền, cường lách,… Ngoài ra, một số chất độc hoặc thuốc khi vào cơ thể sẽ gây tan máu dẫn đến thiếu máu (chì, methydopa,…)
Nguyên nhân gây thiếu máu rất đa dạng và phương pháp điều trị thiếu máu do các nguyên nhân khác nhau là không giống nhau. Do đó khi gặp các triệu chứng nghi ngờ thiếu máu nên đến các cơ sở y tế khám để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân, tránh tự ý điều trị có thể dẫn đến nhiều hậu quả không mong muốn.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]