Tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội hiện nguy hiểm thế nào?
Để đánh giá mức độ ô nhiễm phân tử do bụi mịn PM2,5 tạo ra, các nhà khoa học dùng chỉ số chất lượng không khí – AQI ( Air Quality Index: số hạt bụi PM2,5 có trong một mét khối không khí) ví dụ AQI bằng 10 thì có 10 hạt bụi PM2,5 trong một mét khối không khí. Trong mấy năm gần đây, không khí ở các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội ngày càng ô nhiễm. Ứng dụng Airvisual và trang web đánh giá chỉ số chất lượng không khí aqicn.org thường xuyên chỉ thị mức ô nhiễm PM2,5 là trên 150 ở Hà Nội, đây là mức ô nhiễm không tốt cho sức khỏe của tất cả mọi người.
Mức độ ô nhiễm không khí do bụi mịn PM2,5 ở Hà Nội 8 sáng ngày 17/12/2016 tại 3 điểm đo ở Hà Nội đều cao hơn 150 (ảnh: aqicn.org)
Báo cáo Môi trường Quốc gia năm 2013 về không khí, Hà Nội có mức độ ô nhiễm không khí hơn hẳn TP.HCM dù thành phố thủ đô có dân số và lượng phương tiện cơ giới ít hơn.
Trong năm 2016, theo ứng dụng aqicn.org, mức độ ô nhiễm không khí của Hà Nội hiện đều cao hơn nhiều so với TP.HCM, Đà Nẵng, Nha Trang – các địa điểm khác được đặt cảm biến đo chất lượng không khí. Ngoài ra, aqicn.org cũng chỉ ra rằng có rất nhiều thời điểm, chất lượng không khí của Hà Nội ở mức rất nguy nhiểm với chỉ số PM2.5 lên đến trên 250 hoặc trên 300.
Mức độ ô nhiễm không khí do bụi mịn PM2,5 ở Hà Nội 8 sáng ngày 1/3/2016 tại ở Láng Hạ, Hà Nội (Nguồn: aqicn.org)
Theo kết quả nghiên cứu của Cục Y tế – Bộ GTVT, tỷ lệ người bị mắc đường hô hấp ở Hà Nội cao hơn TPHCM. Theo ước tính, số tiền người dân Hà Nội phải chi để chữa các bệnh liên quan đường hô hấp, thiệt hại do bệnh đường hô hấp gây ra là gấp đôi so với người dân sống ở TP.HCM.
Theo các chuyên gia về môi trường, có bốn nguyên nhân chính gây ô nhiễm bụi là: sự gia tăng các phương tiện giao thông, hoạt động xây dựng, đốt rơm rạ và hoạt động của các nhà máy nhiệt điện. Dù các nhà máy này cách xa Hà Nội song bụi mịn có khả năng phát tán rất xa. Trong 4 nguyên nhân này thì giao thông đang là thủ phạm chính. Thêm nữa các tòa nhà, công trường xây dựng mọc ngay trung tâm thành phố càng làm cho không khí ô nhiễm hơn.
Bạn nên làm gì để bảo vệ bản thân và gia đình trước ô nhiễm không khí?
Có thể khẳng định rằng trong thời gian sắp tới, tình trạng ô nhiễm không khí do bụi mịn tại Hà Nội sẽ ngày càng trầm trọng hơn. Vì vậy, trước khi chờ đợi các cơ quan chức năng có biện pháp giảm thiểu tình trạng này, người dân chúng ta cần phải có biện pháp tự bảo vệ mình.
Áp dụng các phương pháp tự bảo vệ
- Không nên ra ngoài khi tình hình ô nhiễm không khí đang ở mức cao. Việc ở ngoài trời vào những thời điểm này có thể làm tăng nguy cơ bệnh phổi, đau tim, bệnh hen và các vấn đề sức khỏe khác.
- Nếu điều kiện cho phép, hãy lắp thiết bị lọc không khí trong nhà để ngăn không khí ô nhiễm. Hãy sử dụng các thiết bị lọc có chỉ số MERV từ 9 trở lên (MERV – Minimum Efficiency Reporting Value – thông số hiệu quả làm việc của lưới lọc, chỉ số MERV xếp loại từ 1 tới 12, chỉ số có giá trị càng cao thì hiệu quả lọc càng tốt). Thay lưới lọc 3-6 tháng một lần theo khuyến cáo của nhà sản xuất.
- Thường xuyên đóng kín cửa nhà để tránh bụi. Lấy gió trong khi sử dụng điều hòa trong nhà và trên ô tô.
- Khi đi xe máy ra ngoài đường, hãy sử dụng khẩu trang có thể chống được bụi mịn hoặc hãy dùng khẩu trang N95 chuyên dùng trong ngành y tế để giảm thiểu bụi PM2,5 xâm nhập vào đường hô hấp của bạn.
- Hãy tập thể dục ngoài trời vào buổi sáng sớm hoặc buổi tối. Không khí ô nhiễm thường đạt mức cao nhất trong ánh nắng mặt trời, vì thế tập gym trong nhà vào những ngày trời nóng sẽ giúp tránh phơi nhiễm.
- Nên đổ xăng vào buổi chiều tối. Ánh nắng cũng góp phần làm tăng phát thải khí xăng vào ban ngày.
- Tránh đi bộ hoặc đi xe đạp trên những con đường có mật độ giao thông đông đúc.
Điều chỉnh ăn uống và sinh hoạt phù hợp
Thay đổi chế độ ăn để giúp phổi chống chọi với tác động của ô nhiễm không khí. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng những thực phẩm giàu vitamin có thể giúp cơ thể có sức đề kháng tốt hơn. Những thay đổi này trong chế độ ăn không làm tăng nguy cơ các bệnh khác, mà chúng còn bảo vệ chống lại ung thư.
- Tăng cường những thực phẩm giàu vitamin A và beta-caroten. Những chất dinh dưỡng này giúp hình thành và duy trì lớp niêm mạc ở đường hô hấp và đường tiêu hóa, giúp chúng đề kháng tốt hơn với nhiễm trùng. Những nguồn tốt là margarine, bơ, khoai lang, cà rốt và gan động vật.
- Ăn những thực phẩm giàu vitamin C. Vitamin này giúp hình thành mô liên kết và vững bền thành mạch, giúp cơ thể chữa lành nhanh hơn. Các nguồn vitamin C dễ tìm: cam, dâu tây, xoài, súp lơ xanh và đu đủ.
- Chú trọng vitamin E trong chế độ ăn. Chất này có tác dụng bảo vệ chống lại tổn thương tế bào, tăng cung cấp ôxi cho tế bào, nhờ đó tăng cường hệ miễn dịch. Vitamin E có trong các loại rau lá xanh, ngũ cốc nguyên cám, lòng đỏ trứng, bơ và dầu thực vật.
- Tăng cường lượng selen trong chế độ ăn. Selen bảo vệ gan và phổi chống lại tổn thương do gốc tự do có thể dẫn đến ung thư. Hãy ăn trứng, hành, tỏi, ngũ cốc nguyên cám và cá.
Tích cực tham gia bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường không khí
- Không hút thuốc lá hoặc tới những nơi có đông người hút thuốc hoặc đốt lửa trại. Khói thuốc lá là một nguồn gây ô nhiễm PM2,5.
- Thay thế việc đun nấu bếp củi, bếp than, bếp ga bằng bếp từ. Chất lượng không khí trong nhà sẽ được cải thiện và giảm thải khói bụi ra ngoài trời.
- Thay các loại máy chạy xăng bằng loại chạy điện hoặc chạy pin. Chúng sẽ ít tạo ra khỏi bụi hơn và an toàn hơn cho phổi.
- Ủ rác để tiêu hủy thay vì đốt rác.
- Tích cực tham gia tuyên truyền và nâng cao ý thức của cộng đồng về ô nhiễm bụi
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]