Định nghĩa
Lupus ban đỏ hệ thống hay còn gọi là Lupus ban đỏ rải rác là bệnh hệ thống tự miễn với tổn thương viêm mạn tính tổ chức liên kết, biểu hiện bằng tổn thương ngoài da là các ban đỏ kèm theo các tổn thương nội tạng.
Lupus ban đỏ là bệnh hệ thống tự miễn
Nguyên nhân
Nguyên nhân của Lupus ban đỏ chưa được xác định rõ ràng, tuy nhiên đã có những bằng chứng cho thấy Lupus ban đỏ là bệnh tự miễn có vai trò của gen và môi trường trong cơ chế sinh bệnh.
Bất thường về miễn dịch: thể hiện bằng cơ thể bệnh nhân sinh kháng thể kháng nhân tế bào và thành phần tế bào của cơ thể.
Yếu tố di truyền: được thể hiện bằng tỷ lệ mắc bệnh tăng lên ở những người có cùng huyết thống.
Yếu tố thuận lợi làm khởi phát bệnh: nhiễm virus, sử dụng một số thuốc, hormon giới tính (nữ gặp nhiều hơn nam 8-9 lần).
Cơ chế gây bệnh
Giả thuyết về bệnh sinh của Lupus ban đỏ như sau: do mất cân bằng dòng tế bào T làm giải ức chế dòng tế bào cấm (dòng tế bào chống tự kháng nguyên của cơ thể, bình thường bị các tế bào T ức chế) sinh ra tự kháng thể chống nhân tế bào và hình thành phức hợp miễn dịch. Phức hợp miễn dịch có ái tính đặc biệt với thận nhưng có thể lắng đọng ở nhiều nơi khác như: da, khớp, thần kinh, hô hấp, tiêu hóa,... Phức hợp miễn dịch lắng đọng, bổ thể được hoạt hóa, đại thực bào và bạch cầu đến thực bào phức hợp, sự phóng thích các hoạt chất của bạch cầu đa nhân trung tính tại nơi phức hợp miễn dịch lắng đọng gây tổn thương tổ chức.
Triệu chứng lâm sàng
Bệnh thường gặp ở nữ. Triệu chứng lâm sàng đa dạng, biểu hiện ở nhiều cơ quan. Bệnh thường tiến triển theo từng đợt.
Triệu chứng toàn thân: thường sốt cao kéo dài không rõ nguyên nhân, mệt mỏi, chán ăn, sút cân.
Triệu chứng cơ quan: có thể gặp ở nhiều cơ quan.
- Ngoài da là những dát đỏ, ban đỏ hình đĩa, phù nề vùng da hở. Ban hình cánh bướm là các dát đỏ tập trung ở mũi và 2 má. Các triệu chứng này tăng lên khi ra nắng. Loét niêm mạc miệng, mũi. Ngoài ra có thể kèm theo rụng tóc.
Biểu hiện bên ngoài da của bệnh Lupus ban đỏ là những dát đỏ, ban đỏ hình đĩa, phù nề vùng da hở
- Cơ – xương – khớp: đau cơ, viêm cơ, loạn dưỡng cơ. Đau khớp, viêm khớp ít khi kèm theo biến dạng khớp. Loãng xương, hoại tử xương.Tuần hoàn: viêm nội tâm mạc, viêm cơ tim, tràn dịch màng tim, viêm tắc động tĩnh mạch, hội chứng Raynaud.
- Hô hấp: xơ phổi, viêm phổi kẽ, tăng áp lực tiểu tuần hoàn, tràn dịch màng phổi.
- Thận: protein niệu, tế bào niệu, có thể viêm cầu thận, hội chứng thận hư, suy thận.
- Tiêu hóa: rối loạn tiêu hóa, xuất huyết tiêu hóa, viêm gan, xơ gan.
- Cơ quan tạo máu: thiếu máu, xuất huyết, hạch to, lách to.
- Thần kinh – tâm thần: hội chứng thần kinh ngoại biên, hội chứng thần kinh trung ương, động kinh, rối loạn tâm thần.
- Mắt: viêm võng mạc, viêm kết mạc, hội chứng Sjogren.
Điều trị
Hiện chưa có thuốc điều trị khỏi hoàn toàn bệnh Lupus ban đỏ hệ thống. Người bệnh được điều trị chủ yếu bằng các thuốc có tác dụng ức chế miễn dịch. Ngoài ra tùy vào biểu hiện lâm sàng mà dùng thêm thuốc giảm đau, thuốc mỡ bôi da nếu có tổn thương da. Bệnh nhân Lupus ban đỏ cần hạn chế ra ngoài nắng và tránh dùng các thuốc có nguy cơ làm nặng thêm bệnh.
Lupus ban đỏ là bệnh mạn tính, có thể khởi phát sớm hay muộn. Tuy nhiên nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời thì tiến triển nhanh và gây ra nhiều biến chứng ảnh hưởng đến chất lượng sống của bệnh nhân. Người cao tuổi nếu mắc bệnh thì diễn biến thường nặng, kết hợp với cơ thể có nhiều biến đổi sẽ rất khó khăn trong điều trị. Do vậy khi có những dấu hiệu nghi ngờ, cần đi khám để được chẩn đoán sớm. Ngoài điều trị bằng thuốc thì các liệu pháp tâm lý cũng góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân, giúp người cao tuổi dễ dàng đối mặt với bệnh tật hơn.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]