Bệnh tiểu đường có nhiều biến chứng nghiêm trọng ảnh hưởng đến nhiều cơ quan lớn, bao gồm tim, mạch máu, dây thần kinh, mắt và thận. Các biến chứng lâu dài của bệnh tiểu đường phát triển dần dần một cách âm thầm, khó phát hiện cho đến khi bệnh nặng. Nếu không chú ý phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây thương tật suốt đời hoặc đe dọa tính mạng.
Biến chứng của bệnh tiểu đường
Biến chứng trên thận
Bệnh tiểu đường có thể làm ảnh hưởng đến việc lọc máu ở thận. Tổn thương nghiêm trọng có thể dẫn đến suy thận. Bệnh thận giai đoạn cuối phải chạy thận hoặc ghép thận.
Biến chứng ở mắt
Bệnh tiểu đường có thể làm hỏng các mạch máu của võng mạc (bệnh lý võng mạc tiểu đường), có khả năng dẫn đến mù lòa. Bệnh tiểu đường cũng làm tăng nguy cơ bị các vấn đề về tầm nhìn nghiêm trọng khác, như đục thủy tinh thể và tăng nhãn áp.
Biến chứng trên mắt của bệnh tiểu đường
Thần kinh
Lượng đường trong máu tăng cao có thể làm tổn thương thành của các mạch máu nhỏ (mao mạch) nuôi dưỡng các dây thần kinh, đặc biệt là ở chân, gây ngứa, tê, nóng hoặc bị đau ở các ngón chân hoặc ngón tay và dần dần lan lên trên. Ảnh hưởng lên hệ thống thần kinh ở hệ tiêu hóa có thể biểu hiện buồn nôn, tiêu chảy, nôn mửa hoặc táo bón. Ngoài ra còn ảnh hưởng lên chức năng tình dục.
Tim và bệnh mạch máu
Bệnh tiểu đường gia tăng đáng kể nguy cơ tim mạch bao gồm bệnh động mạch vành và đau ngực (đau thắt ngực), đau tim, đột quỵ, thu hẹp động mạch (xơ vữa động mạch) và huyết áp cao. Theo một nghiên cứu năm 2007, nguy cơ đột quỵ hơn gấp đôi trong những năm đầu tiên điều trị cho bệnh tiểu đường type 2. Khoảng 75% những người có bệnh tiểu đường chết vì một số loại bệnh tim hay bệnh mạch máu (theo Hiệp hội tim mạch Mỹ).
Một số biến chứng khác
Bệnh lý bàn chân
Tổn thương thần kinh ở bàn chân hoặc lưu lượng máu giảm làm tăng nguy cơ biến chứng bàn chân khác nhau. Người bệnh mất cảm giác ở chân, dễ bị tổn thương mà không phát hiện sớm hoặc tắc mạch máu dẫn xuống các chi. Nếu không điều trị, vết cắt và mụn có thể trở nên nhiễm trùng nặng. Ảnh hưởng nghiêm trọng có thể phải loại bỏ ngón chân, bàn chân hoặc cắt cụt chân.
Biến chứng bệnh tiểu đường
Loãng xương
Bệnh tiểu đường có thể dẫn đến mật độ xương thấp hơn so với bình thường, tăng nguy cơ loãng xương.
Nhiễm trùng
Bệnh tiểu đường có thể gây nên vấn đề nhiễm trùng do vi khuẩn và nấm. Các bệnh nhiễm trùng nguy hiểm hay gặp như lao, nấm phổi. Nhiễm trùng da và răng miệng cũng có thể dễ xảy ra, đặc biệt là nếu bệnh nhân không thường xuyên vệ sinh răng miệng.
Vấn đề về tai
Bệnh tiểu đường cũng có thể dẫn đến suy giảm thính giác.
Bệnh Alzheimer
Bệnh tiểu đường tuýp 2 có thể làm tăng nguy cơ của bệnh mất trí nhớ Alzheimer và mạch máu.
Bệnh tiểu đường ở người cao tuổi có những biến chứng không rõ ràng và có thể nhầm lẫn với những bệnh khác vì rất khó nhận biết thông qua triệu chứng thông thường. Vì vậy người coa tuổi cần quan tâm đến sức khỏe, khám sức khỏe định kỳ để phát hiện bệnh sớm và chữa trị kịp thời, hạn chế những biến chứng nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến cuộc sống người cao tuổi.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]