Những biến chứng sau nhồi máu cơ tim biểu hiện ở những dạng rất khác nhau, có thể từ nhẹ đến nặng. Ở một vài người xuất hiện cơn nhồi máu cơ tim nhẹ nên không để lại biến chứng hoặc những biến chứng rất nhỏ không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của họ. Tuy nhiên, đa số sau nhồi máu cơ tim thường để lại những di chứng nặng nề cần phải điều trị sâu rộng và ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng cuộc sống. Dưới đây, chúng ta sẽ tìm hiểu chi tiết về những biến chứng đó, đồng thời biết cách để hạn chế tối đa biến chứng có thể xảy ra.
Các biến chứng nhồi máu cơ tim
Các biến chứng nhồi máu cơ tim có thể chia làm 3 loại: biến chứng sớm, biến chứng thứ phát và biến chứng muộn.
Các biến chứng nguy hiểm của nhồi máu cơ tim
Biến chứng sớm
- Suy tim
Biến chứng suy tim thường gặp trong hai tuần đầu, nhất là trên những bệnh nhân đã bị nhồi máu cơ tim (nhồi máu cơ tim tái phát), hoặc trên những người có cơn đau ngực kéo dài trước đó. Người bệnh có thể bị trụy tim mạch, biểu hiện như: tụt huyết áp, mạch đập nhanh, yếu, vã mồ hôi... Nếu bệnh nhân suy tim trái cấp tính, sẽ xuất hiện các cơn khó thở kịch phát, phù phổi cấp, mạch nhanh…
Suy tim có thể được điều trị bằng cách sử dụng kết hợp các loại thuốc với nhau hay phẫu thuật.
- Rối loạn nhịp tim
Rối loạn nhịp tim nghĩa là nhịp tim đập không bình thường, lúc thì nhanh quá, lúc thì chậm quá. Sau một cơn nhồi máu cơ tim, các cơ tim có thể bị phá hủy dẫn đến loạn nhịp tim. Trên thực tế, thường gặp nhịp nhanh xoang, nếu nhanh nhiều và kéo dài thì tiên lượng xấu. Cơn nhịp tim nhanh kich phát ít gặp hơn nhưng rất nguy hiểm vì có thể dẫn đến tử vong nhanh chóng, đặc biệt với cơn nhịp nhanh thất. Biến chứng loạn nhịp tim thường xảy ra với thể nhồi máu cơ tim nặng, thể lan rộng.
Tuy nhiên, tỷ lệ sống đã được cải thiện đáng kể từ khi phát minh ra máy khử rung cầm tay - một thiết bị bên ngoài mang lại một cú sốc điện cho tim và đưa nhịp tim vào đúng khuôn khổ của nó.
Đối với loạn nhịp tim nhẹ thường có thể được kiểm soát bằng thuốc. Trường hợp loạn nhịp tim nhiều, lặp đi lặp lại và kéo dài các triệu chứng cần phải được điều trị bằng máy tạo nhịp tim, một thiết bị được cấy ghép vào ngực để giúp điều hòa nhịp tim.
- Tai biến tắc nghẽn mạch
Gặp trong 20-40% trường hợp, đặc biệt trong các thể nặng. Chủ yếu là:
Tăng cục nghẽn mạch vành dẫn đến tăng nhồi máu cơ tim
Cục nghẽn mạch hình thành ở trong tim: thường gặp trong nhồi máu cơ tim lan rộng xuyên qua thành tim kèm theo suy tim.
Tắc động mạch phổi thường là kết quả do tai biến tắc nghẽn tĩnh mạch chi dưới hoặc nghẽn mạch buồng tim phải.
- Vỡ tim
Gặp khoảng 5-10% trường hợp, xảy ra chủ yếu ở tuần thứ 2. Thường gặp vỡ tim ở thất trái dẫn đến tràn máu màng ngoài tim gây đột tử hoặc tử vong do trụy tim mạch.
- Tử vong đột ngột
Gặp trong 10% trường hợp. Là hậu quả của những thể nặng, nhất là ở tuần lễ đầu. Nguyên nhân tử vong đột ngột có thể do cơn nhịp nhanh thất, rung thất, tắc mạch phổi lớn, vỡ tim, trụy mạch nặng...
Biến chứng thứ phát
Biến chứng thứ phát của nhồi máu cơ tim là Hội chứng Dressler gặp ở 3-4% trường hợp, thường xuất hiện khoảng 1-4 tuần sau khi bệnh khởi phát, có những biểu hiện như: viêm màng ngoài tim (đau sau xương ức, tăng lên khi thở sâu khi ho hay khi vận động; giảm bớt khi ngồi hoặc cúi về đằng trước)...
Biến chứng muộn
Các chứng đau
- Đau dây thần kinh nhạy cảm: Bệnh nhân xuất hiện các cơn đau ngực lan tỏa, cường độ trung bình, giống như cảm giác đau ê ẩm, nặng nề ở vùng trước tim. Thường gặp ở người hay lo lắng, suy nhược về thể lực và tâm thần. Đối với biến chứng này, các biện pháp tâm lý và các thuốc trấn an tinh thần sẽ mang lại hiệu quả.
- Đau kiểu thấp khớp: thường gặp ở vai và tay trái.
- Nhồi máu cơ tim tái phát: khi có dấu hiệu nhồi máu cơ tim tái phát với biểu hiện đau thắt ngực, cần phải được điều trị như nhồi máu cơ tim cấp.
- Phình vách tim: người bệnh có các triệu chứng của suy tim, tắc mạch đại tuần hoàn, rối loạn nhịp thất.
Cần làm gì để hạn chế những biến chứng do nhồi máu cơ tim?
Cấp cứu khẩn trương
Để hạn chế những biến chứng nguy hiểm và giảm nguy cơ tử vong do nhồi máu cơ tim, thì quy tắc khẩn trương được coi là số 1 trong điều trị. Bởi tỷ lệ tử vong xảy ra cao nhất vào giờ đầu tiên và trong ngày đầu tiên của nhồi máu cơ tim. Nếu cơn đau thắt ngực kéo dài trên 30’. Đặc biệt là không đỡ sau khi sử dụng thuốc giãn mạch cần ngay lập tức đưa bệnh nhân đi cấp cứu bằng phương tiện an toàn và nhanh nhất. Các biện pháp điều trị cơ bản, hữu hiệu nhất đối với nhồi máu cơ tim sẽ chỉ có tác dụng nếu được tiến hành sớm.
Cấp cứu khẩn trương đối với người bệnh nhồi máu cơ tim
Phòng ngừa tái phát nhồi máu cơ tim
Trước khi ra viện, người bệnh cần được hướng dẫn các phương pháp tập luyện, hoạt động thể lực, chế độ dinh dưỡng, thay đổi lối sống, cách sử dụng thuốc để phòng ngừa tái phát. Bệnh nhân phải đi khám định kì để có một sức khỏe ổn định.
Một số điều bệnh nhân cần lưu ý:
- Cần kiểm soát tốt các chỉ số mỡ máu, huyết áp và đường huyết
- Không hút thuốc lá
- Hạn chế ăn chất béo
- Tập thể dục đều đặn, 3-4 lần/tuần, mỗi lần 40-60 phút.
- Giữ tâm lý thoải mái, tránh căng thẳng, thức khuya.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]