Hơn 200 loại virus có thể gây nên cúm. Trong trường hợp tệ nhất, một đợt cảm cúm có thể khiến bạn phải nhập viện vì viêm phổi, viêm tai hay hen suyễn.
Theo thông tin trên tạp chí chuyên về sức khỏe phụ nữ Woman's Health, ở Mỹ, có tới hàng triệu người mắc cúm mỗi năm. Khoảng 200.000 người có tình trạng bệnh diễn biến phức tạp đến mức phải nhập viện, trong đó có gần 36.000 chết vì cúm. Mặc dù thuốc cảm cúm được bày bán khắp nơi nhưng không phải lúc nào thuốc cũng phát huy tác dụng.
Ngoài thuốc, bạn hoàn toàn có thể chống lại cúm bằng cách cải thiện hệ miễn dịch từ chính những loại thực phẩm ngay trong tầm tay.
Dưới đây là 10 loại thực phẩm có tác dụng chống cúm hiệu quả theo gợi ý của bác sĩ James A. Duke - tác giả cuốn sách y khoa The Green Pharmacy Guide to Healing Foods:
Súp gà
Nếu cúm, bạn hãy tự thưởng cho bản thân một bát súp gà nóng hổi và giàu dinh dưỡng. Ảnh: ShutterStock
Không phải ngẫu nhiên mà các bà mẹ luôn sẵn sàng một nồi súp gà ngay khi đứa con của họ có dấu hiệu sổ mũi đầu tiên. Không chỉ là thứ chất lỏng giúp chống lại virus, súp gà còn có tác dụng giảm viêm.
Quả họ cam chanh
Vitamin C - chất dinh dưỡng thường có trong các loại quả họ cam chanh - là chất chống oxy hóa có khả năng giảm triệu chứng cảm cúm tới 23%. Tổng kết từ 21 cuộc nghiên cứu cho thấy, chỉ cần 1-8 gram vitamin C đã đủ để phát huy tác dụng.
Ngoài các quả thuộc họ cam chanh, bạn có thể chọn nhiều loại rau củ quả giàu vitamin C khác như ớt chuông đỏ, súp lơ xanh, cải Brussel, đu đủ, khoai tây, khoai lang, bí nghệ.
Với một số người, lượng vitamin C quá cao có thể gây ra các vấn đề về tiêu hóa. Trong trường đó, bạn phải giảm lượng vitamin C nạp vào cơ thể.
Tỏi, hành và tỏi tây
Bạn muốn tăng "sức mạnh" cho bát súp gà? Hãy bổ sung thêm càng nhiều tỏi, hành. Kết hợp lại, chúng sẽ là một hỗn hợp hoàn hảo giúp tăng cường hệ miễn dịch.
Một cuộc nghiên cứu về tác dụng của hành và tỏi đã được thử nghiệm trên 142 người. Những người tình nguyện được chia thành 2 nhóm, sử dụng hoặc thuốc hoặc tỏi. Kết quả, nhóm sử dụng thuốc có tới 65 người bị cúm trong khi nhóm dùng tỏi chỉ có 24 người nhiễm bệnh.
Tỏi còn có một ưu điểm nữa là thông mũi, giúp người bệnh dễ thở hơn trong những ngày mệt mỏi vì ốm.
Gừng
Gừng có rất nhiều tác dụng với sức khỏe. Ảnh: ShutterStock
Gừng chứa chất sesquiterpenes có khả năng đánh bại rhinovirus - loại virus phổ biến nhất gây ra chứng cảm lạnh. Ngoài ra, với tác dụng làm dịu cổ họng, gừng còn giúp bạn vượt qua các cơn ho dễ dàng hơn.
Là chất giảm sốt và giảm đau tự nhiên, nên gừng giúp người bệnh nghỉ ngơi trong cơn ốm. Bạn có thể thêm 2 thìa gừng thái nhỏ vào tách trà để làm thức uống mỗi khi bị cúm. Ngoài ra, bạn cũng có thể dùng kẹo gừng hoặc nước uống ướp gừng đóng hộp. Tuy nhiên, cách tốt nhất vẫn là dùng gừng tự nhiên.
Mật ong
Mật ong thường được ca ngợi như một vị thuốc chữa bách bệnh, từ bỏng (bôi mật ong nguyên chất vào vết bỏng càng nhanh càng tốt để làm vết thương mau liền da) tới những vết cắt, xước (mật ong có tính chất khử trùng tự nhiên, tương tự như nước oxy già).
Vì khả năng tạo màng bao bọc, mật ong là phương thuốc giảm đau cổ họng rất tốt trong những đợt cúm. Ngoài ra, mật ong có tác dụng ngăn chặn sự phát triển của virus, vi khuẩn, nấm.
Mật ong kiều mạch có mức chống oxy hóa cao nhất. Trong khi đó, mật ong cỏ 3 lá thường được bán ở siêu thị có mức chống oxy hóa thấp nhất.
Cảnh báo: Không dùng mật ong cho trẻ dưới 1 tuổi. Hệ thống miễn dịch của trẻ chưa phát triển đầy đủ nên dễ bị ngộ độc.
Sữa chua
Sữa chua giúp ngăn chặn virus lây lan. Ảnh: ShutterStock
Sữa chua có chứa lợi khuẩn Lactobacillus reuteri có khả năng ngăn chặn quá trình sao chép của virus khi xâm nhập vào cơ thể người bệnh. Tuy nhiên, không phải sữa chua của hãng nào cũng có lợi khuẩn, vì vậy, hãy đọc kỹ thông tin sản phẩm trước khi mua.
Thực phẩm giàu selen
Chỉ cần 28,35 gram hạt dẻ Brazil đã chứa lượng selen - loại khoáng chất giúp tăng cường hệ miễn dịch - cần thiết cho cơ thể trong một ngày.
Trên thực tế, một hạt dẻ Brazil trung bình chứa khoảng 70 microgram selen, đưa loại hạt này lên đầu bảng xếp hạng thực phẩm cung cấp selen. Khi cơ thể có đủ selen, khả năng sản sinh ra cytokine được kích thích, giúp đánh bại virus cúm.
Bạn có thể nhận selen qua các nguồn khác, như hải sản. Tôm hùm, hàu, ngao, cua, cá ngừ và cá tuyết đều là các loại thực phẩm giàu selen.
Rượu vang đỏ
Resveratrol và polyphenol trong rượu vang đỏ hoạt động tương tự như lợi khuẩn trong sữa chua. Khi virus cúm xâm nhập vào cơ thể, chúng bắt đầu sao chép và những hợp chất này ngăn chặn điều đó xảy ra.
Hãy chọn loại rượu có nồng độ resveratrol nhiều nhất. Trong trường hợp không thích uống rượu, bạn có thể ăn lá nho hoặc lạc cũng có rất nhiều resveratrol.
Nấm
Nấm giúp đẩy lùi cơn cúm. Ảnh: ShutterStock
Nấm thúc đẩy quá trình sản sinh ra cytokine giúp chống lại virus cúm. Nấm cũng có chứa polysaccharides - loại hợp chất hỗ trợ hệ miễn dịch. Trong Đông y, loại nấm phổ biến được sử dụng để chống cúm là nấm hương, nấm khiêu vũ và nấm linh chi.
Tiêu đen
Loại gia vị cay này có thể giúp bạn thông mũi, dễ thở hơn trong những ngày ốm. Kết hợp tiêu đen với gừng và giấm giúp tăng cường khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng.
Lý do tiêu đen có tác dụng vì chúng chứa nhiều piperine - hợp chất nổi tiếng với khả năng chống cúm và giảm đau.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]