Ăn rau muống có làm lồi sẹo?
Khi chẳng may bị một vết thương gây trầy da, chảy máu, những người xung quanh thường khuyên rằng không nên ăn rau muống hoặc nên kiêng tuyệt đối rau muống đến khi vết thương lành bởi rau muống sẽ gây sẹo lồi tại chỗ vết thương.
Chị Trương Ngọc Ánh, trú tại khu đô thị Ecopark, Hà Nội cho hay: "Tôi vừa sinh mổ cháu đầu được vài ngày, chồng tôi nấu rau muống luộc cho ăn liền bị mẹ chồng mắng té tát và dặn nhất định không được ăn rau muống vì sẽ làm vết thương lồi sẹo rất to". Chị Ánh tỏ ra băn khoăn không biết thực hư thông tin mẹ chồng nhắc nhở có cơ sở khoa học hay không bởi rau muống là món khá phổ biến mùa này và cũng là món ăn chị rất ưa thích.
Dân gian thường cho rằng khi bị vết thương hở ăn rau muống bị sẹo lồi
Tương tự, một thành viên có nickname tphat... trên một diễn đàn mạng cho hay: "Mình vô tình bị chém cho một nhát vào tay, mình đã kiêng rau muống tuyệt đối nhưng cuối cùng vết sẹo vẫn lồi ra chừng 5mm. Về sau, mình hỏi thì biết với vết chém như mình thì chỉ có nước khâu lại thì sẹo sẽ bớt lồi. Còn rau muống không ảnh hưởng gì hết đến sẹo lồi hay lõm".
Chưa có cơ sở khoa học chứng minh ăn rau muống làm lồi sẹo
Theo ThS. Lê Thị Hải, Giám đốc Trung tâm Khám và Tư vấn Dinh dưỡng - Viện Dinh dưỡng, thông tin ăn rau muống làm lồi sẹo chỉ là những kinh nghiệm dân gian và chưa thấy một tài liệu khoa học nào nhắc đến.
Rau muống là một loại rau rất thông dụng trong mùa hè này. ThS. Lê Thị Hải cho biết, sẹo lồi nảy sinh do cơ địa. Vì vậy, có thể có sự trùng lặp ngẫu nhiên ở người có cơ địa này với việc ăn rau muống khi bị thương, nên người ta đổ oan cho thứ thực phẩm thông dụng này.
Theo Võ Văn Chi, Từ điển Thực vật thông dụng thì rau muống là cây rau ăn lá. Toàn cây được dùng làm thuốc xem như có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu, cầm máu. Thường dùng để chữa ngộ độc thức ăn, ngộ độc lá ngón, thạch tín, nấm độc, thuốc độc, tiểu tiện bất lợi, đái ra máu, chảy máu cam, ho ra máu, trĩ xuất huyết, dạ dày xuất huyết, lỵ ra máu. Rau muống còn dùng chữa phong thũng, đàn bà đẻ khó, huyết vận, mày đay, phong lở ngứa. Thường dùng dạng thuốc sắc hay chiết dịch dùng tươi. Dùng ngoài giã nát đắp.
BS Trương Anh Mậu, Khoa Ngoại Chỉnh hình, Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP.HCM cho rằng, khi một vết thương hở miệng xảy ra do phỏng, do dao cắt hoặc nhiều nguyên nhân khác thì quá trình lành sẹo của vết thương cũng đồng thời xảy ra. Quá trình lành sẹo này nhanh hay chậm, xấu hay đẹp còn tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố: kích thước và độ sâu của vết thương (vết thương nhỏ mà nông thì dễ lành hơn vết thương to mà sâu), vết thương có bị bầm dập mô nhiều hay ít (vết thương bị bầm dập nhiều sẽ lâu lành hơn), vết thương sạch hay bẩn (vết thương sạch sẽ mau lành hơn), yếu tố dinh dưỡng (trẻ suy dinh dưỡng, thiếu vitamin và kẽm thì vết thương lâu lành hơn), trẻ bị các bệnh lý nội khoa kết hợp (đang điều trị corticoid, thuốc chống đông máu, rối loại đông máu... thì vết thương cũng lâu lành hơn).
Ngoài ra, còn nhiều yếu tố nữa ảnh hương đến sự lành sẹo, trong đó dinh dưỡng chỉ là một phần trong quá trình lành sẹo và cũng chỉ góp một phần trong hồi phục sẹo lành tốt hay không. BS Trương Anh Mậu cho hay, kinh nghiệm dân gian về chế độ ăn nên kiêng rau muống khi bị vết thương hở về mặt khoa học chưa được chứng minh rõ ràng vì sẹo lồi còn tùy vào tính cơ địa từng người.
Do đó, để tránh tối đa sẹo lồi, BS Trương Anh Mậu khuyên người bệnh nên tránh những thức ăn mà trước khi bị sẹo dễ bị dị ứng, chăm sóc tốt vết thương, băng ép có tác dụng rất tốt trong chống sẹo lồi. Chế độ ăn cần phong phú: giàu đạm, nhiều vitamin, giàu khoáng chất, không cần kiêng kem quá mức cần thiết.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]