Chỉ cần áp dụng 10 mẹo nhỏ dưới đây, bạn sẽ thấy rằng mỗi lần “lăn vào bếp” là bạn lại càng dễ giảm cân hơn, chứ không phải “càng ăn càng mập."
1. Sơ chế sẵn rau quả
(Ảnh: popsugar)
Thay vì mua hàng cân hoa quả rồi cứ thế nhét vào tủ lạnh, bạn hãy chịu khó rửa sạch và thái chúng nhỏ sẵn, để vào từng hộp nhựa hoặc túi zip cất vào tủ lạnh, để mỗi khi thấy thèm ăn thì bạn có thể ngay lập tức lôi một túi hoa quả ra ăn như bim bim.
Nhớ đặt các túi hay hộp này ở vị trí dễ nhìn nhất trong tủ lạnh, để bạn luôn nhìn thấy chúng đầu tiên, trước các loại đồ ăn dễ gây béo khác.
2. Làm sẵn một hộp salad lớn
(Ảnh: mamalionstrong)
Để ăn tối ít đi, bạn nên ăn một đĩa salad trước khi ăn cơm. Ăn như vậy bạn sẽ nhanh no và nạp ít năng lượng hơn.
Tuy nhiên, không phải bà nội trợ bận rộn nào cũng có thời gian chuẩn bị một đĩa salad cầu kỳ khi nấu cơm chiều.
Vì thế, vào ngày cuối tuần, bạn hãy làm sẵn một hộp salad lớn đủ ăn cho cả một tuần.
Bạn chỉ cần thái sẵn các loại rau củ, chưa cần cho nước sốt vào vội. Mỗi bữa ăn bạn xúc ra một bát rồi trộn nước sốt đơn giản vào là ăn được ngay.
3. Đặt các loại thìa-cốc đo lường ở nơi dễ thấy
(Ảnh: williams-sonoma)
Đối với người đang có kế hoạch giảm cân, sử dụng nguyên liệu chính xác liều lượng là việc khá quan trọng để kiểm soát năng lượng và các tỷ lệ dinh dưỡng mà bạn hấp thụ.
Bạn đừng cất các loại thìa đong hay cốc đong ở nơi quá khó tìm, mà hãy đặt ngay trên kệ bếp hay ở nơi dễ tìm nhất, dễ nhìn thấy nhất để chắc chắn mình không bao giờ bỏ qua việc cân đo đong đếm cẩn thận khi nấu ăn.
4. Chuẩn bị sẵn từng gói đồ ăn vặt
(Ảnh: flywheel)
Bạn đã có sẵn các loại đồ ăn vặt thay thế như bỏng ngô trắng, rong biển sấy hay một số loại trái cây ít năng lượng, cũng đã có sẵn các loại thìa hay cốc đong, thì việc chuẩn bị sẵn những túi đồ ăn vặt theo đúng chỉ tiêu calo không quá khó đâu.
Vào một ngày rảnh rỗi, bạn hãy tính toán và cân đo, chia đồ ăn vặt thành những túi nhỏ rồi dán bên ngoài chiếc nhãn ghi rõ lượng calo mà gói đồ ăn đó cung cấp, ví dụ chuẩn bị những gói 50 calo, gói 100 calo...
Điều này giúp bạn tránh những lúc không để ý mà ăn một lúc hết cả gói bánh quy to đùng hay ăn quá nhiều bỏng ngô mà không hay biết.
5. Xay nhỏ và đóng đá rau củ
(Ảnh: popsugar)
Bạn có thể mua sẵn rau củ quả số lượng lớn để tiết kiệm chi phí, cho vào máy xay sinh tố xay nhuyễn rồi đổ hỗn hợp vào các khay đá.
Những viên đá này rất tiện để dùng cho các công thức sinh tố, sữa chua hay khi nấu súp, trộn salad...
Cách làm này cũng giúp bạn luôn có sẵn nguyên liệu cho các món ăn có lợi cho sức khỏe mà tiết kiệm thời gian sơ chế.
Những viên đá này cũng phù hợp để dùng cho những công thức nhỏ, có thể tùy ý kết hợp nhiều loại rau củ khác nhau.
6. Xay sẵn sinh tố
(Ảnh: indiejanephotography)
Tương tự như với cách năm, bạn có thể làm sẵn những cốc sinh tố từ vài hôm trước, cho vào túi zip và cất trong ngăn đá tủ lạnh.
Vào buổi sáng, bạn chỉ cần cho túi này vào lò vi sóng rã đông là có ngay một cốc sinh tố bổ dưỡng, ít calo, nhiều chất xơ và protein mà không mất công gọt rửa hoa quả, không mất công rửa máy xay sinh tố.
7. Bỏ hết các loại đồ ăn gây béo
(Ảnh: nbcnews)
Để rộng chỗ cho các loại đồ ăn có lợi cho sức khỏe, bạn hãy quyết tâm dọn sạch nước ngọt có gas, kem sữa, kẹo chocolate ra khỏi căn bếp của mình.
Nếu trong gia đình bạn có người thích ăn những món ăn vặt này và bạn muốn tôn trọng sở thích của họ, hãy bảo họ cất các món ăn vặt này trong phòng riêng, khuất khỏi tầm mắt của bạn để chính bản thân bạn không bị cám dỗ bởi những món đồ dễ gây tăng cân này.
8. Dùng bát đĩa cỡ nhỏ
(Ảnh: goodnesssuperfoods)
Việc ăn uống bằng các loại bát đĩa cỡ nhỏ không chỉ giúp bạn ăn được khẩu phần ít hơn, mà còn tạo cảm giác là bạn nhanh thấy thỏa mãn hơn.
Ví dụ, cùng là một lát bánh sandwich, nếu đặt trên một chiếc đĩa đường kính 20cm, bạn sẽ cảm thấy lát bánh ấy khá lớn.
Nhưng nếu đặt lát bánh này trên chiếc đĩa đường kính 40cm thì bạn sẽ thấy lát bánh mỳ nhỏ nhoi làm sao, và từ đó bạn rất dễ rơi vào trạng thái “no bụng đói con mắt."
9. Nấu sẵn
(Ảnh: suzyfreakinghomemaker)
Nấu sẵn một nồi canh, thịt kho, các món xào.... cách này giúp bạn luôn có sẵn đồ ăn trong tủ kể cả khi quá bận rộn không kịp nấu cơm.
Như vậy bạn sẽ tránh được tình trạng ra ngoài ăn đồ ăn nhanh hoặc ăn mỳ ăn liền.
10. Dọn sạch đồ ăn thừa trước bữa ăn
(Ảnh: guardian)
Không nên để nguyên cả nồi thịt hay nồi canh to vào mâm cơm. Hãy múc thức ăn vừa đủ khẩu phần ăn của một bữa, phần còn lại cho ngay vào hộp để vào tủ lạnh.
Nếu thức ăn còn nóng, chưa thể đưa vào tủ lạnh ngay thì bạn cũng nên để riêng vào hộp, để nhắc nhở bản thân rằng đó là phần ăn của ngày mai.
Bạn chỉ được phép ăn trong phần đã múc sẵn cho bữa hôm nay, dù ngon miệng đến mấy thì cũng đừng ăn thêm nữa!
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]