Khách quốc tế nếm thử các sản phẩm của công ty chế biến thực phẩm xuất khẩu miền Tây. (Ảnh: Bích Hà/Vietnam+)
Đây là hội chợ truyền thống được tổ chức 2 năm một lần. Năm nay là tròn 50 năm kể từ lần tổ chức đầu tiên, hội chợ quy tụ 6.300 doanh nghiệp đến từ hàng chục nước trên thế giới. Mở cửa trong 5 ngày (từ 19 đến 23/10), hội chợ dự kiến đón 150.000 khách là giới chuyên gia về đánh giá sản phẩm và xúc tiến thị trường cho các doanh nghiệp.
Gian trưng bày Việt Nam nằm ở trung tâm gian hàng quốc tế, giới thiệu các loại rau quả, trái cây nhiệt đới phong phú và đa dạng, vốn là thế mạnh của nông nghiệp Việt Nam như xoài, dứa, thanh long, ngô bắp, ngô bao tử, hạt điều, dừa trái, các giống gạo cho năng suất cao… Đây đồng thời cũng là những sản phẩm được thị trường và người tiêu dùng châu Âu ưa chuộng.
Trao đổi với phóng viên tại Pháp, ông Đào Văn Hồ, Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại nông nghiệp, cho biết Việt Nam luôn xác định hội chợ SIAL là một cửa ngõ quan trọng cho nông sản, thực phẩm và đồ uống Việt Nam xuất khẩu đi thị trường châu Âu và thế giới, chính vì vậy đây là lần thứ 5 Việt Nam tham gia hội chợ quốc tế này.
Sau mỗi lần, không chỉ số các doanh nghiệp tăng lên, mà ngày càng có nhiều doanh nghiệp có đủ khả năng xuất khẩu vào thị trường châu Âu tham gia hội chợ.
Ông cũng cho biết nông sản là sản phẩm có thế mạnh mang lại nguồn doanh thu quan trọng cho đất nước với giá trị tăng đều hàng năm. Năm 2013, kim ngạch xuất khẩu nông, thủy sản là 27,5 tỷ USD.
Trong 9 tháng đầu năm nay, doanh thu đạt 22,6 tỷ USD, dự kiến cả năm sẽ đạt 30 tỷ USD. Theo ông, khả năng mở rộng thị trường xuất khẩu là rất lớn, bởi các doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng ngày một tốt hơn các tiêu chuẩn chất lượng của các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Ông Nguyễn Văn Sang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty chế biến thực phẩm xuất khẩu miền Tây, có trụ sở tại Khu công nghiệp Cái Sơn Hàng Bàng, Quận Ninh Kiều, Thành phố Cần Thơ, cho biết hội chợ là dịp để tìm hiểu thêm nhu cầu của thị trường các nước nói chung và châu Âu nói riêng nhằm mở rộng xuất khẩu trong thời gian tới.
Ông cũng tự hào cho biết với quy trình sản xuất hiện đại, công ty được cấp đầy đủ các chứng chỉ quốc tế về an toàn thực phẩm như HACCP, BRC, KOSHER . Đây chính là lý do khiến rất nhiều đối tác nước ngoài tìm đến với công ty. Đã có lúc, công ty không đủ sản phẩm để đáp ứng các đơn hàng từ các bạn hàng châu Âu, châu Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Hiện tại, Công ty chế biến thực phẩm xuất khẩu miền Tây đã xây dựng chiến lược mở rộng các lĩnh vực hoạt động, đa dạng ngành hàng, đầu tư chuyên sâu, và mở rộng vùng nguyên liệu để có thể đáp ứng được tốt hơn các đơn hàng của các bạn hàng khắp nơi trên thế giới trong thời gian tới.
Các con số ấn tượng về kim ngạch xuất khẩu cũng như các kế hoạch phát triển thị trường và vùng nguyên liệu cũng được đại diện nhiều công ty giới thiệu. Tổng công ty rau quả, nông sản Vegetexco cho biết doanh số xuất khẩu các sản phẩm đông lạnh, đóng hộp hàng năm của công ty là trên 100 triệu USD, trong đó công ty mẹ đạt khoảng 20 triệu, còn lại là do các đơn vị thành viên thực hiện.
Công ty cổ phần Long Sơn, doanh nghiệp có uy tín trong lĩnh vực xuất khẩu hạt điều đã tạo lập thương hiệu nhờ chọn hướng đi là nhắm tới các thị trường có yêu cầu chất lượng cao.
Ông Nguyễn Lê, giám đốc kinh doanh của công ty cho biết doanh nghiệp có các đơn hàng ổn định và không gặp khó khăn khi xâm nhập thị trường châu Âu.
Ngay trong ngày đầu tiên tham gia hội chợ, doanh nghiệp đã ký được hợp đồng trị giá 500 triệu USD/năm để xuất khẩu hạt điều sang Thổ Nhĩ Kỳ, doanh số xuất khẩu năm 2014 của công ty dự kiến đạt 110 triệu USD./.
Theo Vietnamplus.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]