Giờ đủ đầy hơn, hàng hóa về nông thôn quanh năm, hàng Tết tháng 12 dương lịch đã nhuộm đủ màu trên các nẻo quê nhà, con cháu phố phường không phải quá lo ông bà ở nhà thiếu đồ ăn thức uống ba ngày Tết nữa. Có gì thì sắm luôn ở chợ đầu làng, không thì các đại lý đã tràn về giữa làng, về đầu ngõ cả rồi! Vẫy tay là có! Tiện lắm...
Tất nhiên nói thế không phải cậy tiền cậy của mà vung vinh, mà phóng tay cho nó phủ phê, thỏa cái cơn đói ăn khát uống thèm mặc suốt nhiều năm của hơn một thế hệ người thời chiến, thời bao cấp, Tết đến phải căn ke, phải tùng tiệm từng chút một. Không muốn “đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành” thì cũng phải đo, phải đếm! Và đối với mấy nhà trên phố, vốn thoát ly ruộng đồng đi làm công nhân, làm cán bộ nhà nước, thì không chỉ nhà mình, mà dưới quê thầy u với anh chị em cũng phải chi chút lắm, nên nhà mình mà có hơn thì cũng tự thấy phải san sẻ với họ hàng.
Hình ảnh làm nao lòng những người xa quê mỗi dịp tết đến, xuân về. Ảnh: I.T
Trước Tết, vợ chồng con cái mang đồ lễ, đồ ăn thức dùng về quê cũng nhẹ nhàng hơn. Gọi là có gì đặc sắc thì bổ sung thêm vào “thực đơn” đã khá đủ đầy. Rồi bước sang mấy ngày Tết, sự ăn uống cỗ bàn quê nhà cũng không phải là trọng, không còn nặng gánh, nhưng về để gặp gỡ người này người kia trong xóm ngoài họ, chào nhau anh trên em dưới, cầm tay nhau cho ấm, hỏi nhau những chuyện con cái học hành, làm ăn… Biết thế để mà xuýt xoa mừng cho nhau, hay để cùng trầm ngâm lây chút lo lắng thời buổi người khôn của khó, hay là tặc lưỡi nhớ những ai đó đã xa...
Tíu tít chị em, dì cháu cùng làm mấy mâm cơm. Làm cũng nhanh lắm, bớt đi cảnh củi lửa đùn rơm đùn trấu ngày xưa rồi, giờ bếp gas bật tanh tách, nước máy xối xả. Các thức đã sẵn, thiếu thứ gì thì chạy ù lên chợ một cái là có. Gió lùa se se. Cổng rêu vôi mới. Trời có vẻ trong hơn. Bóng đèn quả nhót thay cho cặp nến ấm đỏ trên ban thờ. Ông cả rót mấy chén rượu bày trước mâm, mấy ông thứ ông rể bần thần, thay nhau lầm rầm một lúc không rõ lời, rồi lại ngồi quanh bàn nước sôi nổi chuyện làng mình, chuyện đất nước, chuyện thế giới, đến khi tàn hương, đỡ mâm xuống xin lộc các cụ.
Khi nắng đã rơi vàng tươi ngoài sân trong những luồng không khí ẩm lướt qua, một ngày đầu xuân đất trời như tĩnh lặng, nâng chén mời ở giữa quê mà thấy thời gian thong thả. Có gì cũ, có gì mới cứ níu nhau mà bước vào đây qua cổng. Có gì xa xăm và những gì chợt suy nghĩ đến ngày mới cũng đang hạ xuống, thấm vào mái nhà, tường, vách, những cột gỗ đã mấy đời mang ánh mắt, lời nói, cử chỉ của các cụ, các ông, các bà trong dòng họ, đã ngấm nhiều mưa nắng qua mấy lần sửa sang. Có gì quyến luyến quanh ban thờ ngày Tết lấp lánh đồ lễ gói giấy bóng đủ màu hương hoa thoảng thơm và bộ bàn ghế cũ kỹ mà mấy anh chị em đang ngồi đây. Có gì muốn nói thành lời mà chưa làm thế nào diễn đạt cho đủ…
Ngồi ăn cỗ Tết ở quê, thường đang ăn là có khách, chưa thấy mặt mà lời chào đã vang từ cổng, từ ngoài ngõ. Rồi ông giáo về hưu bên cạnh, ông em trưởng chi dưới ở đình, mấy đứa em con bà cô ở dưới xóm chùa bước vào, lại đến cậu em họ ở cuối làng đưa cháu lên mừng tuổi các bác trên này. Mọi người đi chúc Tết nhau, nhà này ăn xong, uống chén nước rồi sang chào chúc Tết nhà khác, có khi cỗ nhà mình các bà còn đang thái thái chặt chặt thì “tranh thủ” sang hàng xóm một tẹo...
Tết, lễ, các dịp ở quê nhà, những chỗ nên đến để thăm hỏi, chào đón thì cũng khá nhiều đấy, ai bươn bả mải việc nước việc non ở thành thị, ở tỉnh xa miền núi hay tận phía Nam, chắc cũng chẳng phải khi nào cũng đủ tâm sức mà về chung lo, góp mặt cho đủ. Nhưng cứ dặn thế cho cho hết nhẽ, cho chu đáo, rồi có được thì gắng mà về. Lễ Tết nhà quê chẳng phải để ăn no uống thỏa đâu, mà lấy hương khói, cỗ bàn, lấy thành tâm và ý thức cành nhánh gốc gác làm nơi quần tụ những con người đang sống, đang xa nhau về khoảng cách.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]