1. Lợn “cắp nách”
Lợn “cắp nách” hay còn gọi là “lợn lửng” chỉ có ở vùng cao. Người dân bản địa thường thả các con lợn mới sinh vào trong rừng để chúng tự sinh sống, tự kiếm thức ăn. Vì vậy thịt của chúng rất ngon, chẳng khác nào thịt lợn rừng. Đặc biệt giống lợn này chỉ nặng khoảng từ 10 – 15kg, con lớn nhất cũng chỉ 20kg nên thịt hầu như không có mỡ ăn rất ngon.
2. Cá bống vùi tro
Cá bống thường được bắt ở các sông suối nên không to lắm và được chế biến cực kỳ công phu. Cá được ướp với rất nhiều gia vị sau khi làm sạch như: gừng, tiêu, sả, ớt… rồi bọc trong lá dong, vùi trong tro. Khi thưởng thức bạn sẽ cảm nhận được vị béo ngậy nhưng không ngán của cá. Bên cạnh đó là mùi thơm nhẹ của lá dong đem lại cảm giác lạ miệng.
3. Xôi ngũ sắc
Vào mỗi dịp lễ Tết, hội hè, đồng bào dân tộc vùng Tây Bắc thường làm mâm xôi ngũ sắc, vừa để cúng tổ tiên, vừa để đãi khách. Gọi là xôi ngũ sắc thì xôi thường có 5 màu: trắng, đỏ, xanh, tím, vàng.
Những ai đã được tận mắt nhìn thấy vẻ đẹp của mâm xôi ngũ sắc, ngửi thấy mùi thơm ngào ngạt và được nếm miếng xôi dẻo quánh, béo ngậy do chính tay người Thái làm, chắc hẳn sẽ không thể quên được món ăn vừa đẹp mắt lại vừa ngon miệng này.
4. Măng nộm hoa ban
Nếu có dịp đến Lai Châu, bạn nhớ ghé qua bản làng của người Thái để có dịp thưởng thức món măng nộm hoa ban với hương vị cực ngon. Đó là sự hòa quyện của tất cả các hương vị: đắng, chua, cay, ngọt, mặn, bùi mà hiếm món ăn nào có được. Ngoài nguyên liệu chính là măng và hoa ban thì đặc sản này còn có thịt cá nướng thơm phức bắt ở các con suối tạo nên vị đặc trưng cho đặc sản miền núi.
5. Cơm lam Bắc Mê
Đây là đặc sản của dân tộc Tày vùng Bắc Mê được nhiều người biết đến. Khi thưởng thức, cơm lam có mùi thơm phức quyện cùng lá chuối và ống nướng. Loại cơm này có thể ăn không, chấm với muối mè hoặc ăn cùng cá nướng béo ngậy.
6. Cháo ấu tẩu
Gạo nếp cái hoa vàng thơm lừng như mời gọi thực khách, cùng vị bùi của củ ấu được hầm nhừ với nước dùng giò heo béo ngậy. Bên cạnh đó, cháo ấu tẩu còn được ăn kèm với trứng gà và một số gia vị giúp món ăn dậy mùi thơm ngọt ngào. Đặc sản này thường được bán vào buổi tối trong những ngày đông lạnh giá tại Hà Giang.
7. Thắng cố
Thắng cố là món ăn đã nổi tiếng từ lâu trong những phiên chợ vùng cao. Ban đầu, đây chỉ là món ăn như bao món khác, lâu dần, thắng cố trở thành một nét văn hóa, một thương hiệu vùng miền, đặc biệt với các chợ phiên Bắc Hà, Lào Cai.
Cách nấu thắng cố tuy đơn giản nhưng phải có kinh nghiệm, bí quyết riêng mới ngon. Sau khi mổ ngựa, làm thịt sạch sẽ xong, tất cả “lục phủ ngũ tạng” của ngựa được chặt ra thành từng miếng. Trên bếp lửa rực hồng, một cái chảo cỡ lớn đặt sẵn. Tất cả các thứ như thịt thủ, thịt mông, xương, tim, gan,... được đổ vào chảo cùng lúc, xào lăn. Đợi ít phút, miếng thịt se se cạnh, người ta đổ nước vào chảo và cứ thế ninh sôi sùng sục hàng tiếng đồng hồ.
Ngoài muối và chút ít mì chính, gia vị cho món thắng cố cần phải có thảo quả, hoa hồi, quế chi....ướp vào thịt trước khi đem xào. Khi thắng cố chín kỹ, các loại gia vị quyện vào nhau tạo nên một hương vị đặc trưng và quyến rũ. Theo làn gió núi, mùi thắng cố lan tỏa từ đầu đến cuối chợ như mời gọi, chèo kéo mọi người.
8. Mèn mén
Trước đây, khi cuộc sống còn nhiều khó khăn, mèn mén là món chính trong bữa ăn hàng ngày của đồng bào H’Mong. Ngày nay, khi cuộc sống đã đủ đầy, mèn mén không còn là món chính trong bữa ăn hàng ngày, nhưng mỗi dịp lễ tết, hội hè… thì mèn mén vẫn là món ăn truyền thống, mang đậm phong cách ẩm thực của người dân nơi đây.
Theo kinh nghiệm của người dân địa phương, mèn mén làm từ giống ngô tẻ địa phương là ngon nhất. Để làm được món mèn mén đòi hỏi sự công phu và tốn nhiều thời gian. Phải chọn loại ngô già, bắp ngô được bóc vỏ, tẽ hạt rồi dùng cối đá xay nhỏ. Khi có bột ngô vừa ý, rắc một lượng nước nhất định rồi đảo đều để bột ngô tơi ra, sau đó đổ vào chõ gỗ đậy kín, đặt lên chảo nước rồi đun.
Đồ mèn mén phải đủ hai lần, lần thứ nhất để bột ngô vừa chín. Sau khi đồ lần thứ nhất, các bà, các chị đổ ra đánh tơi; tiếp đến đồ lần thứ hai. Khi nước sôi, giữ lửa vừa đủ để mèn mén chín đều là được. Mèn mén đồ chín có vị thơm lan toả, rất đậm đà. Ăn mèn mén thường chan cùng với canh rau cải hoặc đậu chúa (xáo lẩu). Nếu không có điều kiện, có thể ăn kèm thắng cố (nội tạng của trâu, bò, ngựa) nếu không sẽ dễ bị nghẹn.
Không chỉ là món ăn quen thuộc của người Tày trong dịp mừng lúa mới hay lễ tết, bánh ngải cứu còn trở thành một món ăn đặc sản mà khách du lịch không quên thưởng thức khi đi qua vùng đất xứ Lạng.
Theo DanViet
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]