Bưởi Đoan Hùng
Bưởi Đoan Hùng có lẽ đã nổi tiếng khắp đất nước với độ ngon không thua kém bất kỳ loại hoa trái nào của miền Tây – nơi vốn được coi là vựa hoa quả lớn nhất nước ta. Bưởi Đoan Hùng tép trắng, mềm, mọng nước, vị ngọt lịm và mùi thơm đặc trưng thường được dùng làm quà biếu, thắp hương cúng tổ tiên. Ở Đoan Hùng có 2 xã Chí Đám và Bằng Luân là có bưởi ngon nhất, du khách đến đây ai cũng tìm bằng được để mua về là quà.
Thịt chua Thanh Sơn
Thịt chua Thanh Sơn là đặc sản của người Mường nơi đây. Món ăn này được làm từ loại lợn lửng do người Mường chăn thả tự nhiên, chỉ ăn rau củ, trái cây rừng mà lớn nên cho thứ thịt tuyệt ngon. Thịt chua Thanh Sơn cuốn với lá sung, đinh lăng, chấm thêm tương ớt cay đảm bảo ngon quên lối về.
Cơm nắm
Là đặc sản của đất Phù Ninh – vùng quê nổi tiếng với cây cọ và các sản phẩm từ cọ như nón lá, mành treo… Người Phù Ninh đã rất khéo léo khi đưa cả thứ cây truyền thống vào món ăn quê hương, đó là cơm nắm lá cọ. Nguyên liệu món ăn này khá đơn giản, lá cọ non của những cây cọ nhỏ mới mọc cỡ 1 mét và cơm trắng nắm tròn, sau đó cho cơm vào tàu cọ lăn qua cho chặt, chắc miếng cơm. Cuối cùng, chỉ việc thưởng thức cơm nắm lá cọ với muối vừng, muối sả hay sườn lợn rang muối để tăng hương vị cho món ăn.
Rau sắn
Rau sắn chính là búp sắn non của cây săn lấy củ mà mọi người vẫn hay ăn. Loại búp sắn non sau khi ngâm nước cho bớt nhựa thì đem vò nát, trộn muối và ủ chua khoảng 4 – 5 ngày. Rau sắn muối có thể đem làm nộm, xào, nấu canh cá đồng… đều rất đưa cơm.
Bánh tai
Hầu như làng quê nào cũng có những món ăn vặt khá dân dã, người dân Phú Thọ cũng vậy, và đó chính là món bánh tai được làm từ bột gạo tẻ, thịt lợn băm nhuyễn làm nhân trộn cùng gia vị, sau đó đem hấp lên. Bánh tai được nặn rất khéo, có hình dáng giống cái tai, chấm thêm nước mắm ngon thì quả là hương vị làng quê đang đong đầy trong từng miếng ăn.
Tằm cọ
Nhìn qua tằm cọ thấy hơi “sợ”, nhưng nhắm mắt thưởng thức rồi mới biết món này cực ngon và bổ. Những con tằm cọ đem nướng lên than hoa đốt từ thân cọ già, bén lửa và chuyến màu vàng óng. Ăn thấy đượm hương rừng núi, đồi nương của làng quê Phú Thọ.
Xôi nếp gà gáy
Một thứ nếp đặc sản của Phú Thọ có cái tên rất lạ: nếp gà gáy. Loại nếp này có cây thân dài, hạt lúa to, khi đồ xôi thì chín nhanh hơn các loại nếp khác. Xôi nếp gà gáy dẻo thơm, chấm muối vừng hoặc sang hơn thì ăn với gà đồi nướng, thấy xôi ngon tuyệt mà thơm cả vị núi rừng.
Cọ ỏm
Những quả cọ được thả vào nồi đun nhỏ lửa từ 5 đến 10 phút, đổ ra để ráo, cách thức giống như luộc cọ nhưng tiếng Phú Thọ gọi là ỏm. Cọ ỏm xong có màu nâu sậm, ruột vàng ruộm ăn rất bùi, là món ăn mà du khách nào đến Phú Thọ cũng muốn thưởng thức.
Rêu đá
Nghe món rêu có vẻ lạ lẫm và không được sạch sẽ, nhưng người Phú Thọ rất chú ý chuyện làm sạch nên bạn hoàn toàn có thể yên tâm khi ăn món này. Rêu được lấy từ những bãi đá trên suối, rửa rạch, trộn tỏi, gia vị, mỡ lợn, gói trong lá đu đủ và ủ than nóng cho tới khi lớp lá bị cháy đen nhưng người ta nướng nem. Rêu đá lúc ấy quyện mùi thơm của hành tỏi, gia vị tạo nên một hương vị đặc biệt không lẫn với bất kỳ món nào khác.
Xáo chuối
Xáo chuối cũng tương tự như các món om có chuối của miền Bắc, nhưng ở Lâm Thao, các bữa tiệc, các đám cưới, ăn uống… đều không thể thiếu xáo chuối. Vị chuối thơm bùi, rau thơm, ớt cay và cá om đều rất hòa hợp, tạo nên vị ngon khó quên cho món ăn.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]