Cùng khám phá 8 món đặc sản Quảng Trị đặc sắc nhất.
Bánh khoái
Món bánh khoái gần giống như bánh xèo của miền Nam nhưng vẫn có nhiều nét riêng lạ hơn. Bánh khoái được làm từ bột gạo, đổ trong khuôn chỉ bằng một bàn tay xòe ra. Khi chín vỏ bánh dày và giòn rụm. Người ta lại thêm nhân bánh khá đa dạng, gồm tôm, thịt, giá… Có khi thêm cả hành tây, nấm rơm, các loại hải sản khác…
Để hương vị món bánh được tròn vẹn, người ta chấm bánh với nước lèo. Nước lèo là loại nước chấm đặc biệt được làm từ ruốc, gan, nạc heo xay nhuyễn, thêm lạc, vừng giã nhỏ, tỏi, ớt bột…
Bánh khoái giòn thơm chấm cùng nước chấm cay, mặn, bùi, béo. Lại thêm cả các loại rau ăn kèm như cải non, chuối chát, trái vả non xắt lát… Tổng hòa từng ấy hương vị tạo nên món bánh khoái thơm ngon không kể xiết, thực khách ăn một lần là nhớ mãi.
Bánh lọc Mỹ Chánh
Cũng là một món bánh đặc sản Quảng Trị, đó là bánh bột lọc. Nổi tiếng nhất phải kể tới bánh lọc Mỹ Chánh (thôn xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị).
Vỏ bánh được làm từ tinh chất của cây sắn. Nhân bánh khá phong phú từ thịt lợn, thịt gà, tôm tới đậu xanh… Tuy nhiên loại nhân được thực khách yêu thích nhất vẫn là nhân tôm với thịt lợn.
Bánh hấp chín, vỏ bánh trong suốt để lộ lát thịt lợn và tôm đỏ hồng hấp dẫn. Thực khách chấm miếng bánh với nước mắm ớt loãng rồi thưởng thức. Miếng bánh nhỏ vừa miệng, khi nhai giòn giòn sần sật, lại có cả vị tôm thịt đậm đà.
Bánh ướt Phương Lang
Làng Phương Lang (xã Hải Ba, huyện Hải Lăng, Quảng Trị) nổi tiếng với nghề truyền thống làm bánh ướt. Chính vì vậy mà bánh ướt nơi đây từ lâu đã được nhiều thực khách gần xa biết tới.
Nguyên liệu chính làm bánh là gạo. Gạo vo sạch và ngâm nước qua đêm. Sau đó người ta đem gạo xay thành bột rồi tráng trên hơi nước sôi. Công đoạn tráng đòi hỏi sự khéo léo sao cho bánh chín đủ độ, không quá dày cũng không quá mỏng, ấy mới là thành công. Sau khi tráng xong, bánh để xếp chồng lên nhau. Khi bánh nguội là có thể dùng được.
Người ta ăn bánh ướt với rau sống và thịt heo luộc, lại chấm với nước mắm tỏi ớt đậm vị, cay nồng. Cứ một miếng rồi lại một miếng, món bánh ướt thơm ngon khiến thực khách chẳng muốn dừng đũa.
Lòng sả
Món ăn nghe khá lạ lẫm này lại là đặc sản Quảng Trị nổi tiếng. Người ta làm món lòng sả bằng cách đánh tiết heo hay tiết vịt cho tan vụn, đổ vào nồi nước. Sau đó, lại cho thêm sả, nêm gia vị, thêm gạo rang vàng và đậu xanh rồi nấu nhừ. Sau khi cháo sôi, người ta cho tiếp lòng heo hoặc vịt đã làm sạch, cắt miếng vừa ăn vào nồi. Đợi đến khi nồi cháo sôi già thì múc ra tô, cho thêm ớt đỏ tươi cay xè.
Món lòng sả nóng hồi, ăn tới tê đầu lưỡi vẫn thấy thơm ngon không gì sánh bằng, đặc biệt vào những ngày mùa đông lạnh. Khi thưởng thức lòng sả, thực khách uống thêm một chén rượu Kim Long lại càng thấy ấm bụng, hấp dẫn. Món lòng sả cho thêm nhiều tiêu cùng rau mùi, khi ăn đổ mồ hôi giúp giải cảm nhanh chóng.
Thịt trâu lá trơng
Điều làm nên nét đặc trưng cho món ăn này chính là lá trơng (lá trơơng). Thịt trâu được lấy từ loại trâu non nhập từ Lào. Lại kết hợp chế biến với lá trơng càng làm bật hương vị mềm ngọt, quyến rũ. Thịt trâu lá trơng có nhiều cách chế biến như nướng, hấp, xào… Mỗi cách lại đem lại hương vị độc đáo riêng cho món ăn.
Cháo vạt giường
Cháo vạt giường hay cháo cá, là món cháo nấu bằng sợi bột gạo và cá lóc. Khi có khách gọi, người đầu bếp cho một nhúm sợi vạt giường, một chút cá lóc, hành ngò, ớt tươi và cuối cùng là chan nước dùng. Món cháo khá đặc biệt này có hương vị cay nóng, đậm đà. Người dân Quảng Trị có thể thưởng thức cháo vào bất kỳ mùa nào trong năm, du mùa lạnh hay giữa trưa ngày nóng đổ lửa.
Bún hến Mai Xá
Cách chế biến giống với món bún hến ở nhiều nơi khác, thế nhưng bí quyết làm nên sự đặc biệt của bún hến Mai Xá chính là nguyên liệu chắt chắt.
Chắt chắt là loài sinh vật nước lợ, rất giàu chất đạm. Nhìn bề ngoài, chắt chắt nhỏ hơn hến và có màu đen sậm vì chúng thường sống dưới bùn cát để trốn kẻ thù và tìm kiếm thức ăn. Thịt chắt chắt vị ngọt mặn, tính hàn, không độc, có tác dụng hoạt tràng, thông khí, mát gan, thanh nhiệt giải độc, lợi tiểu. Những ai từng ăn chắt chắt do chính người Mai Xá chế biến chắc chắn không quên hương vị ngọt ngào của món ăn dân dã, rẻ tiền này.
Bắp hầm
Nguyên liệu phải được chọn lọc kỹ lưỡng từ những hạt bắp nếp căng tròn, vàng ươm mây mẩy. Sau khi đãi sạch, người ta ngâm bắc qua đêm. Sáng sớm hôm sau, bắp ngâm được vớt ra và cho vào nổi đun. Đến khi bắt vừa chín, người ta thêm: đậu xanh luộc, đường, muối, tiêu, mè và trộn đều. Món bắp hầm nóng hổi thơm phức, bỏ thử một miếng vào miệng thấy ngọt thơm không kể xiết.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]