Và Dream đã đi vào lòng người Việt như biểu tượng của sự giàu có, quyền lực, thời thượng…
Honda Dream là tên gọi tại thị trường Thái Lan. Tại một số nước Đông Nam Á khác, xe có những tên gọi khác nhau như Astrea tại Indonesia, EX5 Dream tại Malaysia. Đây là dòng xe mang động cơ 4 thì, 100 phân khối, với ưu điểm là sự bền bỉ của động cơ, kiểu dáng chuẩn mực. Nó vẫn được ưa chuộng cho đến thời điểm này, sau gần 1/4 thế kỷ kể từ khi xuất hiện.
Sở dĩ Dream được người Việt yêu mến là bởi sự xuất hiện ấn tượng của những dòng xe Cub và Honda Supersport (Honda 67) trước đó. Đây là hai dòng xe được chạy nhiều ở Việt Nam đến nỗi từ "Honda" được dùng để chỉ những chiếc xe gắn máy hai bánh. Thói quen đó vẫn được giữ đến tận ngày nay.
Honda Dream có bước khởi đầu thuận lợi, cộng với kiểu dáng mang tính cách mạng, tem xe thiết kế đẹp, và động cơ mạnh mẽ. Vì vậy, nó được nhiều đại gia ưa chuộng.
Những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, Dream bắt đầu được sản xuất tại Thái Lan. Những lô Dream đầu tiên được nhập khẩu vào nước ta khoảng năm 1992, giá tương đương từ 8 đến 10 cây vàng. Xe Dream mua về thường được chủ bảo quản cẩn thận, và chỉ sử dụng trong những dịp quan trọng.
Những chủ xe Dream thời đó mua về thậm chí không dám bóc lớp giấy dầu dán bên ngoài tem mà để vậy chạy luôn, mặc dù xấu nhưng bảo vệ được tem zin. Mỗi khi chạy xe về nhà, việc đầu tiên là chống chân chống giữa, lau chùi cẩn thận, và còn thấm dầu mỡ để lau vành xe.
Anh Thành, một thành viên trên diễn đàn Otosaigon chia sẻ: “Tôi có một kỷ niệm gắn với chiếc Dream II này mà đến bây giờ vẫn chưa thể quên. Năm 1996, bố tôi có mua một chiếc Dream đập hộp cáu cạnh về, dựng chân chống giữa nhà. Lúc đó tôi mới là học sinh cấp 2 chưa biết gì nên thấy xe đẹp leo ngay lên ngồi. Ba tôi bất ngờ chạy từ trên lầu xuống thẳng tay tát một phát và la lên “ai cho mày ngồi lên xe”. Tôi ấm ức không hiểu nguyên nhân tại sao, và thề với lòng không bao giờ ngồi lên xe đó. Chuyện đã lâu nhưng giờ nghĩ lại cũng thấy vui vui”.
Những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, lái chiếc Dream chạy trên phố sẽ bắt gặp những ánh mắt vừa ngưỡng mộ, vừa đố kỵ.
Những người sở hữu xe Dream khi đó thường ăn mặc rất sành điệu, với đầu tóc thường vuốt bóng lộn, chân đi dép cao su, ra phố nghênh ngang, thỉnh thoảng lại bấm còi pim pim dù cho chẳng có xe nào phía trước.
Thời đó trên phố rất ít ô tô, tàu điện cũng đã dỡ bỏ, vì vậy ngoài tiếng còi của mấy anh bán kem mút thì tiếng còi xe máy như một thứ âm thanh của quyền lực, của sự giàu có. Người bấm thì sướng rơn người, nhưng người nghe thì tỏ ra ghen ghét, khó chịu. Có lẽ văn hóa bấm còi xuất phát từ thời kỳ này, ăn sâu vào văn hóa giao thông của người Việt cho đến tận ngày nay.
Vào khoảng năm 1994 - 1995, Dream 7 số có hai đời là tem hồng (đời 1993) và tem lửa (1994). Xe tem hồng giá khoảng 25 - 27 triệu đồng (giá vàng lúc đó 4,5 triệu đồng/cây) và tem lửa khoảng 28 - 30 triệu đồng. Thời đó vàng không có giá nên người bán chủ yếu đòi thanh toán bằng tiền mặt. Đến năm 1996, giá trị chiếc xe vào khoảng 6 cây vàng (giá vàng 5,9 triệu đồng/lượng). Giá trị chiếc xe vào thời điểm này tương đương một mảnh đất lớn ở ngoại thành.
Đến năm 1997 thì dòng xe này bớt hot, giá xe dao động quanh khoảng 30 triệu đồng. Nguyên nhân bởi vào năm 1996, Honda được cấp phép đầu tư vào Việt Nam. Việc làm đầu tiên của hãng là lắp ráp ngay dây chuyền sản xuất Dream II. Tháng 12/1997, mẫu Super Dream đầu tiên của Honda Việt Nam ra đời có giá rẻ hơn so với Dream Thái, khiến nhiều người có thể tiếp cận mẫu xe này. Tuy nhiên, tâm lý sính ngoại và chất lượng xe ngoại nhập vượt trội nên đến năm 2000, Dream Thái vẫn được nhiều người mua.
Tuy nhiên, dưới áp lực cạnh tranh từ hàng nội địa, những chiêc Dream Thái buộc phải giảm giá. Năm 2001, giá Dream Thái giảm từ 28 - 29 triệu đồng/chiếc xuống còn 26 triệu đồng, trong khi Dream Việt lúc này được bán giá 24,5 triệu đồng.
Những thay đổi không được lòng người tiêu dùng là nguyên nhân thất bại của xe Dream thế hệ mới.
Vào năm 2013, đứng trước sự sụt giảm doanh số, Honda Việt Nam đã quyết định cải tiến kiểu dáng Dream theo hướng hoài cổ, nhiều chi tiết khiến người ta liên tưởng tới mẫu Angel của SYM. Mẫu mới bị chê là “nhà quê”, và phù hợp để chở hàng hơn là chở người.
Chính bước thay đổi thụt lùi, bình dân hóa một huyền thoại khiến Dream không còn sức hút. Nhiều người nắm bắt tâm lý muốn níu giữ quá khứ của người dùng nên đã cố hét giá những chiếc Dream Thái huyền thoại lên mức giá không tưởng. Thậm chí, một người chơi xe ở TP.HCM còn mạnh miệng hét giá cho một chiếc Dream chưa đổ xăng lên tới 250 triệu đồng, tương đương một chiếc xe hơi giá rẻ.
Dream II zin thường có yếm ngả vàng, lốc máy trắng nhưng không bóng, và dây điện còn mới.
Lợi dụng cơ hội này, nhiều thợ sửa xe dọn lại những chiếc xe cũ và nói là hàng zin. Đặc điểm dễ nhận biết nhất trên những chiếc xe zin là lốc máy màu bạc không bóng và mờ, mỏng, lúc nào cũng sáng trắng chứ không bóng bẩy kiểu sơn xịt và có phủ keo bóng. Lốc máy dựng sau một thời gian chạy sẽ bị cháy lớp keo này và chuyển màu vàng. Ốc bảy màu zin lấp lánh 7 màu chứ không nổi màu xi vàng.
Còn tem xe, nhiều chiếc xe dựng nói chưa bóc, nhưng thực ra kỹ nghệ in ấn bây giờ khá cao vì vậy dễ bị làm giả. Yếm xe sẽ cũ theo thời gian, hơi chuyển màu vàng do nhựa bị ô xy hóa chứ không sáng trắng như yếm bị cạo. Ngoài ra, xe zin thì những bộ phận phía trong và dây điện vẫn còn mới.
Tuy được ca ngợi là máy bền, nhưng Dream không phải không có nhược điểm. Ở gầm máy, bên mâm điện của xe Dream II có một lỗ thoát nhiệt rất nhỏ thường bị bùn đất lấp kín. Những lúc mưa, ngập, rửa xe, nước tràn qua lỗ này vào trong mâm điện gây han gỉ, trượt đề hoặc cháy cuộn điện. Và khi thời tiết lạnh, những chiếc Dream cũ cũng gặp vấn đề rất khó khởi động. Tất nhiên những lỗi này cũng không phải quá khó khắc phục.
Theo Zing.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]