Điển hình là trái cherry (hay còn gọi là quả anh đào), dù đang vào chính vụ nhưng giá có nơi lên tới 500.000-600.000 đồng/kg nhưng vẫn không hiếm khách mua Táo đỏ Mỹ tùy loại có giá bán từ 20.000 đồng đến gần 70.000 đồng/quả, việt quất, dâu tây Úc thậm chí có giá từ 1,2 đến 2,8 triệu đồng/kg, đóng gói theo hộp nhỏ từ 150g đến 250g, đều xếp vào nhóm các mặt hàng bán chạy ở các cửa hàng trái cây cao cấp.
Thậm chí, các loại quả dễ tìm ở Việt Nam như ổi, xoài, khế, chuối hay sầu riêng vẫn là mặt hàng nhập khẩu có xuất xứ Đài Loan, Phillippine hay Thái Lan, và được đặt mức giá cao hơn hàng trong nước từ 2 đến 5 lần.
Theo đại diện của một nhà phân phối hoa quả nhập khẩu lớn tại thị trường Hà Nội, "Khi cung cấp trái cây nhập khẩu tại nước ngoài, yêu cầu về chất lượng và vận chuyển khiến giá của sản phẩm tăng cao”. Đơn cử như cherry, thông thường sau khi đóng gói chỉ có thể để được từ 1-2 tuần trong điều kiện nhiệt độ từ 0-5 độ C, trong khi thời gian di chuyển dài. Đó là còn chưa kể đến chi phí vận chuyển, thường bằng đường hàng không, nên giá sẽ đội lên không ít.
Trái cây nhập khẩu là Cherry có giá lên tới 500,000-600.000đ/kg
Bà Nguyễn Thanh Hà - Phó Giám đốc Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức, TP HCM cho biết cherry được xếp vào dạng trái cây “độc”, siêu đắt nên về chợ đầu mối không thường xuyên. Cherry tại chợ đầu mối, hàng nguyên hộp nhập khẩu đóng thành hộp 2 kg hoặc 5 kg, có những thời điểm cherry bán sỉ có giá 800.000 đồng/kg. Theo tìm hiểu, hiện khu vực phía Nam chỉ có vài công ty nhập khẩu cherry với số lượng ước tính lên đến hơn 3,5 tấn/tuần.
Nguyên nhân trái cây Việt “lép vế” ngay trên sân nhà
Một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến người tiêu dùng lựa chọn trái cây ngoại là do các sản phẩm này có màu sắc đẹp, chất lượng ổn định, giá cả thì phong phú đủ lọai nên cũng phù hợp với nhiều tầng lớp dân cư với thu nhập khác nhau. Thêm vào đó là do trái cây ngoại có phần bắt mắt hơn so với hàng nội bởi công nghệ xử lý của họ hiện đại, quy trình bảo quản trái cây sau thu hoạch tốt nên nhìn màu sắc luôn tươi tắn hơn so với hàng nội. Điều này cũng dễ dàng lý giải tại sao, mặt hàng trái cây của nước ta có nhiều ưu đãi như: giống trái cây ngon, lao động rẻ nhưng giá bán trong nước cũng như xuất khẩu vẫn thuộc vào loại đắt nhất trong khu vực.
Bà Hoàng Liên, đại diện nhà nhập khẩu AllFresh, cũng chỉ ra nghịch lý rằng, hoa quả nhập ngoại càng đắt càng được ưa thích hơn, nhất là các khách hàng người Việt. Cùng một loại nho, cùng xuất xứ, nhưng nếu giá bán thấp hơn thị trường có thể sẽ bị nghi ngờ là hàng kém chất lượng, hàng giả.
Các nhà phân phối phải tìm cách giảm giá từ giảm chi phí, nhưng không phải lúc nào cũng thành công, thậm chí hàng có giá rẻ tương đối trong khi chất lượng, mẫu mã tốt có thể bị xem là hàng Trung Quốc. Ngoài ra, khách Việt thích sản phẩm gắn mác Mỹ, Úc, trong khi khách ngoại lại sẵn sàng mua hoa quả xuất xứ Việt Nam, nhất là trong thời điểm chính vụ
Theo Zingnews
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]