Không phải cứ thảo dược là tốt
Hiện nay, trà thảo dược dễ dàng mua được tại các chợ, siêu thị, cửa hàng bán trà và thậm chí cả vỉa hè…Cho đến nay, người ta vẫn thường công nhận trà có một số tác dụng như: giải nhiệt, chống khát, lợi niệu, giải độc, kích thích tiêu hoá, giảm mỡ máu, chống béo phì, cải thiện trí nhớ, chống viêm loét tiêu hoá, kháng khuẩn tiêu viêm, chống oxy hoá, giảm đường máu, dự phòng các bệnh lý mạch máu não, dự phòng hình thành sỏi tiết niệu, sỏi đường mật...
Trà thảo dược đôi khi vẫn có thể gây hại cho người tiêu dùng. Ảnh minh họa
Trên thực tế, các cửa hàng bán trà trên đường Phạm Văn Hai (quận Tân Bình, TP.HCM) những ngày Sài Gòn nắng nóng lại tấp nập khách hàng. Chị Hồng Thắm (quận 10) muốn mua trà cho cô con gái 15 tuổi mặt mũi bỗng nổi nhiều mụn. Người phụ nữ bán hàng nhanh nhảu tư vấn là nên dùng trà mát gan và thanh nhiệt cơ thể, giải độc cho gan. Như thế thì nên dùng trà atisô, trà cam tiền thảo, trà mã đề, trà lạc tiên… đủ loại hòa tan, túi lọc. Hay dùng các loại bột hòa tan như rau má, khổ qua… hoặc dùng chung cả trà cùng với bột hòa tan.
Khi hỏi mua trà để giảm cảm giác mệt mỏi, người bán hàng nói, nên uống trà giải cảm như trà hoa cúc, trà nhài tạo cảm giác thoải mái, hưng phấn trong cơ thể cộng với bột nhân sâm, linh chi tăng sức đề kháng. “Toàn những loại thuốc quý, chỉ cần chăm chỉ uống một thời gian là sẽ khỏe” - người bán hàng tư vấn. Thậm chí, người bán hàng còn nói, có thể uống những loại trà này thay cho uống nước hàng ngày trong thời gian chữa trị.
Tuy nhiên, dẫn chứng về trường hợp cụ thể của chị Ngân Nga (25 tuổi) cho thấy, có một dạo mặt chị nổi rất nhiều mụn bọc to. Được bạn bè giới thiệu, chị có tìm đến một cửa hàng bán trà thảo dược trên đường Hải Thượng Lãn Ông (quận 5 – Tp HCM), được người bán hàng bốc cho loại trà nhuận gan, thanh nhiệt: Trà hoa cúc, khổ qua và mã đề để uống một thời gian. “Ban đầu thấy mụn cũng lặn, người cũng có cảm giác thoải mái hơn. Nhưng sau một thời gian, mụn lại nổi nhiều hơn, luôn thấy tức ngực. Khi đi khám thì BS nói rằng bị suy gan” - chị Nga chia sẻ.
40% trà thảo dược chứa hóa chất bảo vệ thực vật
Gần đây, thông tin từ Sở Y tế Hà Nội cho thấy, kết quả 40% trà thảo dược có hóa chất bảo vệ thực vật được nhóm nghiên cứu của Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia và Trường Đại học Dược Hà Nội công bố. Các sản phẩm thực phẩm chức năng dạng trà thảo dược được lấy tại 6 tỉnh, thành miền Bắc là Thái Nguyên, Hà Nội, Hải Dương, Lạng Sơn, Hà Giang, Nam Định.
Trong 50 mẫu được phân tích có 20 mẫu (chiếm 40%) có chưa hóa chất bảo vệ thực vật, trong đó có 7 mẫu đồng thời phát hiện có 2 loại hóa chất bảo vệ thực vật. Đặc biệt, endosulfan sulfat là hóa chất bảo vệ thực vật nhóm clor hữu cơ đã bị cấm sử dụng nhưng vẫn có mẫu chứa chất này với hàm lượng 0,011mg/kg. Một số hóa chất bảo vệ thực vật có hàm lượng rất cao, gấp đến hàng nghìn lần so với giới hạn 0,01mg/kg như cypermethrin 8,0mg/kg, permethrin 2,3mg/kg.
Một số trà thảo dược chứa thành phần độc hại. Ảnh minh họa
Riêng thành phố Hà Nội có 20 mẫu được lấy, trong đó có 6 mẫu có hóa chất bảo vệ thực vật. Trong số 50 mẫu nghiên cứu, có 40 mẫu thực phẩm chức năng trà thảo dược được sản xuất trong nước và 10 mẫu nhập khẩu. Tỷ lệ phát hiện hóa chất bảo vệ thực vật ở các mẫu nội địa cao hơn các mẫu nhập khẩu.
Cụ thể 17/40 mẫu (42,5%) trà nội địa và 3/10 mẫu (30%) trà nhập khẩu có hóa chất bảo vệ thực vật. Tỷ lệ phát hiện khá cao trong mẫu nhập khẩu cho thấy thực phẩm chức năng trà thảo dược nhập khẩu vẫn chứa đựng nguy cơ cao. Tỷ lệ phát hiện ở mẫu sản xuất trong nước cao hơn cũng được nhóm nghiên cứu cho biết là chưa khẳng định được nguyên nhân là từ dược liệu trong nước, vì nhiều loại thực phẩm chức năng được chế biến từ dược liệu nhập khẩu, đa số là từ Trung Quốc.
Người dùng nên tham khảo ý kiến chuyên gia trước khi sử dụng trà thảo dược
Dược sĩ Phạm Thị Liền, Phó khoa Dược Bệnh viện Y học cổ truyền TP.HCM cảnh báo: “Mỗi loại trà có tác dụng ngừa, chữa bệnh khác nhau. Cùng một lúc có thể dùng nhiều loại trà vì đặc tính của đông y là ít kỵ nhau. Tuy nhiên, khi dùng trà thảo dược để chữa bệnh, bệnh nhân nên đến các phòng khám đông y hoặc bệnh viện để được khám và tư vấn, không nên sử dụng tùy tiện vì rất dễ gây nhầm bệnh, làm cho bệnh trầm trọng thêm”.
Dược sĩ Phạm Thị Liền cũng khuyến cáo, người dân đừng quá tin vào các loại trà thảo dược. Chỉ nên uống tham khảo vì trà thảo dược không phải là thần dược chữa được bách bệnh như những người bán hàng quảng cáo “thảo dược rất lành tính nhưng chỉ có tác dụng khi chữa đúng người đúng bệnh”.
Đặc biệt, một chuyên gia hóa học tại TP.HCM cho biết: “Các loại hóa chất được tẩm ướp trong các loại trà thảo dược hiện nay có nguồn gốc từ các hóa chất Penzylacetat, P-Dimethoxy penzin... Đây là chất độc hại hữu cơ, người nào tiếp xúc thường xuyên sẽ bị chóng mặt, tác động đến hệ thần kinh. Ngoài ra, một số cửa hàng còn sử dụng chất giữ mùi cho trà là chất định hương có tên Fixateur. Chất này được đánh giá là cực độc, gây hại lớn nếu sử dụng số lượng nhiều trong thời gian dài. Vì thế người dân nên hạn chế sử dụng trà thảo dược có mùi thơm ngào ngạt, vì mùi càng thơm thì nồng độ tẩm ướp hóa chất càng cao.
Nói chung, nên đi khám bệnh trước, trong và sau khi uống trà thảo dược. Không nên chỉ đọc cách dùng sản phẩm mà không có y lệnh của thầy thuốc. Ngay cả những người có bệnh khi dùng trà thảo dược cũng phải thật cẩn thận, dùng sai có thể bệnh nặng hơn. Với người không có bệnh, tuỳ tiện uống nhiều trà thảo dược có thể bị ngộ độc dược chất.
Người bệnh đang dùng thuốc, dù sử dụng bất kỳ loại trà thảo dược nào, cũng cần tham khảo ý kiến bác sĩ điều trị để tránh các tương tác không mong muốn làm giảm hiệu lực điều trị. Ngoài ra, khi mua bất kỳ một loại trà thảo dược nào cần xem kỹ công bố chất lượng, thành phần, giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, nơi sản xuất, hướng dẫn và hạn sử dụng…
Theo Zing.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]