Phật thủ - loại quả có mùi thơm đặc trưng, hình dáng giống bàn tay phật được trồng nhiều tại các huyện Hoài Đức, Phúc Thọ… (Hà Nội). Tết Đinh Dậu năm nay, phật thủ được mùa. Tuy nhiên, giá bán không có nhiều biến động. Tùy thuộc vào mẫu mã, trọng lượng mà giá phật thủ tại vườn khác nhau. Nhìn chung, mức giá phổ biến dao động từ 50.000 đồng đến 500.000 đồng/trái. Nhiều quả phật thủ dáng độc, lạ và trọng lượng lớn có giá vài triệu đồng. Thậm chí, có những quả phật thủ giá gần 10 triệu đồng.
Phật thủ được mùa, người dân thu tiền tỷ mỗi năm
Bắt đầu trồng phật thủ từ năm 2004, đây là loại cây cho quả quanh năm, mỗi năm cũng mang về cho thu nhập của gia đình chị Giang Thị Mai Vân vài tỷ đồng. Riêng mùa Tết và Rằm tháng Giêng, thu nhập khoảng vài trăm triệu đồng.
“So với trồng lúa hay trồng rau thì trồng phật thủ kinh tế hơn. Tuy nhiên, khâu chăm sóc rất vất vả và tốn nhiều thời gian. Từ lúc trồng cây con đến khi ra quả khoảng 6 đến 8 tháng. Năm nay, thời tiết thuận lợi, mùa đông không quá lạnh nên phật thủ cho nhiều trái”, chị Mai Vân nói.
Mỗi mùa Tết, phật thủ cũng mang thu nhập về cho người dân vài trăm triệu đồng
Theo chị Mai Vân, giá bán tại vườn được thương lái mua khá rẻ so với bán lẻ. Tuy nhiên, vì là trồng số lượng lớn nên buộc chị vẫn phải bán 2/3 số quả trong vườn cho thương lái với giá bình quân khoảng 200.000 đồng/trái. Một số trái đặc biệt với dáng độc, lạ và có trọng lượng thì ưu tiên bán lẻ, bán online và những người quen.
Tết Đinh Dậu, vườn nhà chị Vân giá quả phật thủ đắt nhất là 8 triệu đồng. Đó là quả phật thủ đã được một đại gia đặt mua, đang trong chế độ chăm sóc đặc biệt chờ ngày hái xuống trưng Tết.
Giá trung bình Tết Đinh dậu năm nay phật thủ khoảng 300.000 đồng/trái
Không có trái phật thủ đắt đỏ đến 8 triệu đồng/trái, nhưng tại vườn phật thủ nhà chị Thu Quỳnh ở Phúc Thọ (Hà Nội) thì phổ biến giá từ 1 triệu – 3 triệu đồng/trái tương đối nhiều. Theo chị Quỳnh, phật thủ trưng Tết được nhiều người lựa chọn vì có mùi thơm dễ chịu, quả hình tay phật và hơn hết, thời gian trưng Tết lại được lâu ngày.
“Một trái phật thủ có thể trưng Tết được 1 tháng mà mùi hương càng để lâu càng thơm. Năm nay, vườn nhà chị có khoảng hơn 1.000 trái phật thủ bán Tết. Trọng lượng, kích thước phật thủ năm nay to hơn mọi năm, vậy nên được giá bán hơn. Tính trung bình cũng khoảng 600.000 đồng/quả. Số lượng quả có giá hơn triệu đồng chiếm khoảng 1/3 vườn. Tổng doanh thu vườn phật thủ cả năm khoảng 2 tỷ đồng, tính riêng mùa Tết là hơn 600 triệu đồng”, chị Quỳnh nói.
Mỗi năm, phật thủ cũng mang về doanh thu cho những người trồng vài tỷ đồng
Theo chị Quỳnh cho biết, thời điểm này phật thủ tại vườn nhà chị Quỳnh đã được các thương lái đến hái. Năm nay, chị Quỳnh bán cho thương lái số lượng rất ít và chỉ bán phật thủ loại 2 trở đi. Với phật thủ đẹp, loại 1 thì chị Quỳnh bán lẻ khách quen đặt và bán thêm qua mạng xã hội để không bị mất giá.
Nghe người dân tư vấn cách chọn phật thủ đẹp chơi Tết
Theo ông Phạm Minh Tâm, một người có thâm niên trồng phật thủ tại Hoài Đức (Hà Nội) thì, trái Phật thủ đẹp phải nhiều ngón tay.
“Thông thường mỗi quả có 20-30 ngón tay. Các ngón tay tỏa tròn đều xếp thành nhiều vòng như hình bông hoa, ngón của vòng ngoài cùng trùng với các số đẹp sẽ có giá trị. Khi chọn mua quả phật thủ, nên chọn quả to, ngón tay của Phật Thủ càng nhiều, dài mập, các ngón đều nhau. Nên chọn quả có gia trơn cật, màu hơi mơ vàng là quả già để được lâu và thơm hơn”, ông Tâm cho biết.
Phật thủ đẹp trước hết phải có nhiều ngón tay
Ông Tâm nhấn mạnh, có một nguyên tắc chọn phật thủy đẹp là tuân theo quy luật “Thịnh – Suy – Bĩ – Thái”. Theo đó, người mua nên đếm các ngón quả lần lượt theo 4 từ trên, lặp đi lặp lại, nến ngón cuối cùng rơi vào chữ Thịnh hoặc Thái thì rất quý. Tuy nhiên, giá những quả như thế khá đắt, khoảng chục triệu một quả, vì cả vườn hàng nghìn quả may ra chỉ được 1 đến 2 quả.
Ngoài ra, nên chọn mua những quả phật thủ có mẫu mã đẹp, tránh mua quả bị xước sát, bị sâu đục khoét, bị dập hoặc gãy các ngón phật thủ.
“Không chọn phật thủ non dù chúng cũng có màu vàng nhưng lại rất nhanh hỏng. Một quả phật thủ trưởng thành thì các túi tinh dầu tròn trịa, cách đều nhau, căng mọng, bề mặt quả rắn và cứng”, ông Tâm chia sẻ.
Một nguyên tắc chọn phật thủy đẹp là tuân theo quy luật “Thịnh – Suy – Bĩ – Thái”
Ông Tâm cũng cho biết thêm, sau khi mua phật thủ về, người dùng nên pha loãng nước rửa bát rồi lấy chổi quét sơn nhẹ nhàng rửa sạch quả Phật thủ để loại bỏ nhện đỏ thường có trên quả và các chất bẩn khác. Trong quá trình rửa tránh để xước, ngoài ra, cũng giống như bưởi, người dùng cũng nên rửa phật thủ với rượu để bảo quản và lưu giữ mùi hương.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]