Mới đây, cơ quan chức năng về kiểm dịch thực phẩm phía Trung Quốc cho biết đang thẩm định việc mở cửa chính ngạch cho mặt hàng sữa Việt Nam. Thị trường rộng lớn và tiềm năng ở Trung Quốc là “miền đất hứa” cho các nhà sản xuất sữa.
Trong buổi hội đàm với Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh hồi cuối tháng 5, ông Chi Thụ Bình, Tổng cục trưởng Tổng cục Giám sát chất lượng kiểm nghiệm - kiểm dịch quốc gia Trung Quốc cho biết: Việc nhập khẩu sữa từ Việt Nam cũng sẽ qua các quy trình đánh giá, giám định từ phía Trung Quốc và ông đề nghị phía Việt Nam cung cấp hồ sơ phục vụ cho việc đánh giá này. Sắp tới, các chuyên gia Trung Quốc cũng sẽ đến các doanh nghiệp sản xuất sữa lớn của Việt Nam để khảo sát thêm.
Theo ông Quỳnh, các doanh nghiệp sữa Việt Nam đang bàn với nhau tổ chức một đoàn công tác sang Trung Quốc trong quí 3 năm nay để chủ động thảo luận thêm với cơ quan chức năng kiểm dịch Trung Quốc về các vấn đề liên quan đến xuất khẩu sữa theo đường chính ngạch. |
Trao đổi với PV, ông Vũ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Sữa Việt Nam, cho biết một số khảo sát thị trường gần đây cho thấy nhiều sản phẩm sữa của Việt Nam được người dân Trung Quốc ưa chuộng, như các loại sữa chua có đường, sữa chua không đường, sữa chua tiệt trùng, sữa chua nguyên kem và một số loại sữa nước khác.
Một vị đại diện Vinamilk cho biết, ước tính sơ bộ tổng giá trị thị trường sữa bột của Trung Quốc lên đến 30 tỉ đô la Mỹ mỗi năm. Là quốc gia sản xuất sữa lớn thứ tư trên thế giới nhưng Trung Quốc cũng nhập khẩu một lượng lớn sữa bột hàng năm. Dù vậy, từ hơn chục năm qua, mặt hàng sữa Việt Nam chưa thể xuất sang thị trường này qua đường chính ngạch do vướng các “thủ tục kiểm dịch” về chất lượng, an toàn thực phẩm từ phía Trung Quốc.
Một số nhà sản xuất sữa của Việt Nam hoàn toàn có khả năng cạnh tranh với những đồng nghiệp trên thế giới.
Trên thực tế, cũng theo vị đại diện Vinamilk, xét về điều kiện sản xuất, một số nhà sản xuất sữa của Việt Nam hoàn toàn có khả năng cạnh tranh với những đồng nghiệp trên thế giới. Những điểm cần lưu ý đối với thị trường Trung Quốc là cần khảo sát thị trường thật kỹ, về xu hướng tiêu dùng, khẩu vị người tiêu dùng..., nhất là cho những sản phẩm dành cho trẻ em, trẻ sơ sinh; cần xây dựng hệ thống phân phối đủ mạnh thì mới mong đáp ứng được nhu cầu đa dạng ở thị trường này.
Theo đánh giá của Hiệp hội Sữa, ngành sữa Việt Nam hiện nay có các nhà sản xuất lớn, đủ lực xuất khẩu ra nước ngoài. Doanh thu ngành sữa những năm gần đây có mức tăng trưởng mạnh mẽ. Năm 2015 đạt 92.000 tỉ đồng, tăng 23% so với năm 2014, trong đó, sữa nước chiếm 30%.
Bà Võ Thúy Anh, Tổng giám đốc Anova Milk, cho biết công ty này đang quan tâm việc xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Myanmar, Lào và Campuchia. Bà chia sẻ: “Qua khảo sát, chúng tôi thấy giá sữa ở Trung Quốc cao hơn nhiều so với giá các sản phẩm sữa cùng loại ở Việt Nam. Sau một số sự cố sữa kém chất lượng tại Trung Quốc, hiện người tiêu dùng Trung Quốc rất sẵn sàng chi trả cho các loại sữa chất lượng cao. Chúng tôi sẽ chọn ra những sản phẩm có lợi thế để xuất khẩu vào thị trường này”.
Ông Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam nhìn nhận: Để ra “sân chơi” lớn, các nhà sản xuất sữa trong nước cần sớm cải thiện khâu tổ chức thu mua sữa tươi nguyên liệu vốn vẫn chưa ổn định về chất lượng, giá thành còn cao. Đó là chưa kể mối liên kết giữa người chăn nuôi và người chế biến còn chưa tốt, chưa minh bạch về tiêu chuẩn trong quảng cáo sản phẩm...
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]