Đông trùng hạ thảo tự nhiên quý như thế nào?
Theo Đông y, đông trùng hạ thảo là vị thuốc đặc biệt quý hiếm. Đó là sự kết hợp của côn trùng và nấm. Vào mùa đông, một loại sâu trên núi tuyết ngủ trong đất bị nấm ký sinh hút chất và lớn lên. Đến mùa hè, sâu hết chất và chết, cây nấm cũng đủ lớn khỏe, trở thành thực vật quý với nhiều dưỡng chất có khả năng chữa bệnh.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Liễu, Trưởng khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện đa khoa Nông nghiệp, sở dĩ đông trùng hạ thảo có thể trở thành dược liệu quý quý bởi nó là kết tinh giữa động và thực vật, là sự tôi luyện trong thời tiết khắc nghiệt, giao hòa âm - dương và kết tinh của khí trời.
Trong tự nhiên, đông trùng hạ thảo được tìm thấy ở các cao nguyên, đặc biệt là những vùng cao hơn mặt biển từ 4.000-5.000 m của Trung Quốc như Tây Tạng, Tứ Xuyên, Thanh Hi, Cam Túc, Vân Nam...
Địa hình này khiến đông trùng hạ thảo phải trải qua sự khắc nghiệt của thời tiết, chênh lệch nhiệt độ khá lớn giữa ngày và đêm, nhưng cũng là môi trường sống rất trong lành cho loại dược liệu này phát triển.
Theo các nhà chuyên môn, đông trùng hạ thảo khai thác ngoài tự nhiên rất hiếm, đang dần cạn kiệt. Mỗi năm, sản lượng thu được chỉ khoảng 80 kg nên giá thành rất cao, từ 50.000 USD đến 90.000 USD/kg khô (khoảng 1,1-1,8 tỷ đồng/kg).
Do đó, hiện nay, nhờ sự tiến bộ của khoa học công nghệ, con người đã đưa loại dược liệu này vào trồng theo quy mô công nghiệp. Ở Việt Nam, do đã nuôi cấy thành công trong môi trường nhân tạo nên giá đông trùng hạ thảo rẻ hơn. Hầu hết các loại đang bán trên thị trường là nuôi trồng.
Đông trùng hạ thảo bạn đang dùng có phải loại thứ thiệt?
Trong cuốn Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, GS.TS Đỗ Tất Lợi cho biết đông trùng hạ thảo của Trung Quốc không giống Việt Nam do địa hình, khí hậu sinh trưởng hoàn toàn khác biệt. Loại của Trung Quốc đã được chứng minh có nhiều tác dụng, còn Việt Nam vẫn chưa được nghiên cứu. Tuy nhiên, hiện nay đông trùng hạ thảo Việt Nam vẫn được bán và sử dụng rất phổ biến.
Khi được hỏi về sự khác nhau giữa loại tự nhiên và được nuôi trồng, bác sĩ Dư Quang Châu, Giám đốc Trung tâm Năng lượng Cảm xạ, cho rằng: "Đông trùng hạ thảo mọc trên vùng núi rất cao chẳng hạn như Tây Tạng chất lượng sẽ khác loại được trồng dưới đồng bằng.
Không phải ngẫu nhiên mà đông trùng hạ thảo lại sinh sống nhiều ở Tây Tạng (Trung Quốc). Bởi đây là cao nguyên có khí hậu đặc thù, mặc dù khô nóng nhưng mùa đông độ ẩm tương đối cao, đất xốp, thuận lợi cho đông trùng hạ thảo sinh trưởng.
Những yếu tố đó khiến chất lượng của đông trùng hạ thảo Tây Tạng so với của Việt Nam lại càng cách xa một trời một vực".
Đặc biệt, với công nghệ nuôi trồng hiện nay, đông trùng hạ thảo không có quá trình sống lâu, ủ lại để tích lũy chất dinh dưỡng, khiến chúng không thể có những đặc tính sinh học như loại khai thác từ thiên nhiên.
Về những nguy cơ có thể xảy ra khi nuôi trồng đông trùng hạ thảo như dùng hóa chất độc hại, biến chất, ông Châu cho biết chưa thể khẳng định được mức độ ảnh hưởng của chúng. Về cơ bản, đây vẫn là một loại dược liệu quý giá.
Cách phân biệt hàng giả
Theo thạc sĩ Lê Quốc Thịnh, Trưởng khoa Dược, Bệnh viện Trung Ương 71, hàng giả thường được chế bằng thân củ của địa tàm và thảo thạch. Đông trùng hạ thảo giả có cạnh gờ hơi cong và số đốt là 3-15, bên ngoài có màu vàng nhạt, dài khoảng 2-3 cm, giòn hơn so với thông thường, khi cắt ra có màu trắng.
Một số loại giả do Trung Quốc sản xuất được làm từ bột ngô, bột mạch hay thạch cao… Chúng được sản xuất bằng cách gia công ép màng nên bên ngoài có màu trắng ngà, hình sâu non nhẵn bóng, rõ các vằn khía, mặt cắt có màu trắng nhạt, cầm thấy nặng, không nhẹ bông như thật, khi nhai lâu thì dính răng. Hàng giả sâu non không có chân, vị ngọt, dính.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]