Tại một sạp hàng bán hàng hoa quả trên phố Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội, thấy khách hàng có vẻ lưỡng lự, chị Nguyễn Thị Minh, người bán hàng nhanh nhẹn chào mời: “Mua lựu đi em, lựu ngọt lắm, toàn là lựu Việt Nam cả. Chị bán hàng lâu năm ở đây nên cứ yên tâm mà mua!”
Lựu Trung Quốc luôn được người bán hàng khẳng định là lựu Việt Nam.
Tương tự, bất cứ người bán lựu nào khi được hỏi về nguồn gốc lựu có phải của Trung Quốc không đều nhanh chóng phủ nhận và khẳng định lựu mình bán là lựu Việt Nam.
Trong khi đó, trao đổi với phóng viên, ông Trần Văn Hoàng, Chi cục phó Chi Cục Kiểm dịch vùng VIII (Lào Cai) cho biết, lựu Trung Quốc đang vào mùa cao điểm. Theo ông Hoàng, mặt hàng lựu được nhập chủ yếu tập trung vào tháng 7 đến tháng 12, chính vụ khoảng từ tháng 7 đến tháng 10. “Ở những lúc cao điểm, mỗi ngày nhập khoảng trên dưới 100 tấn lựu”, ông Hoàng nói.
Được biết, năm 2014, lựu được nhập khẩu qua cửa khẩu Lào Cai lên đến hơn 7.200 tấn.
Trao đổi về vấn đề này, ông Phùng Hữu Hào, Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, từ năm 2008 đến nay, giữa Việt Nam và Trung Quốc đã thực hiện cam kết kiểm soát nhãn hiệu và truy xuất nguồn gốc trái cây nhập khẩu giữa hai bên.
Theo đó, các loại nông sản Việt Nam xuất sang Trung Quốc cũng như nông sản nhập về đều phải dán nhãn bao bì, doanh nghiệp phải có hồ sơ, địa chỉ nguồn hàng nhập khẩu, nơi trồng để khi xảy ra sự cố có thể truy xuất tận gốc. Tuy nhiên, tình trạng tư thương cố tình lập lờ để đánh lừa người tiêu dùng là không thể chấp nhận được, cơ quan chức năng có trách nhiệm cần phải vào cuộc và quản lý tốt hơn.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]