Thông tin gạo giả gây chết người của Trung Quốc đã "xâm nhập" vào thị trường các nước Chây Á, trong đó có Việt Nam, khiến nhiều người tiêu dùng hết sức lo lắng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nếu thực sự tồn tại loại gạo này trên thị trường thì cách "nhận diện" chúng cũng hết sức dễ dàng...
Những ngày qua, mạng xã hội và báo chí Malaysia đưa tin gạo giả làm bằng nhựa độc hại của Trung Quốc được làm từ khoai tây, khoai lang với nhựa tổng hợp, ép thành dạng hạt gạo, được cho là đã có mặt tại những vùng nông thôn ở châu Á, như Ấn Độ, Indonesia, Việt Nam và gần đây là Singapore.
Báo Straits Times của Singapore ngày 19/5 cho biết loại gạo giả này được làm từ nguyên liệu là khoai tây, khoai lang trộn với nhựa tổng hợp có chứa độc tố. Hợp chất này được trộn lẫn vào nhau rồi sau đó được đem đi định hình thành hạt gạo.
Giới chuyên gia y tế và dinh dưỡng Singapore cảnh báo loại gạo này khi nấu lên rất dai, ăn vào có thể bị tổn hại nghiêm trọng đến hệ tiêu hóa hoặc thậm chí tử vong.
Hiện nay có thông tin loại gạo này đã tràn sang các quốc gia có dân số nông thôn đông như Indonesia, Ấn Độ và Việt Nam. Mới đây có tin gạo giả đã xuất hiện ở Singapore.
Giới chuyên gia y tế và dinh dưỡng Singapore cảnh báo loại gạo giả này khi nấu lên rất dai, ăn vào có thể bị tổn hại nghiêm trọng đến hệ tiêu hóa hoặc thậm chí tử vong.
Tin tức về loại gạo giả đang lan truyền rất nhanh trên các ứng dụng mạng xã hội như WhatsApp và Facebook. Theo Straits Times, loại gạo làm từ nhựa này từng được bán rất nhiều ở thị trường Trung Quốc, nhất là tại thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thiểm Tây.
Bộ Nông nghiệp Malaysia cho biết dù chưa nhận được bất kỳ khiếu nại nào liên quan đến “gạo làm từ nhựa” nhưng cơ quan này cũng đã hướng dẫn người tiêu dùng Malaysia cách phân biệt loại gạo giả này.
Còn Bộ trưởng Thương mại nội địa Malaysia Hasan Malek cho biết cho dù thông tin đang lan truyền trên Internet là thật hay giả thì bộ này cũng không thể xem nhẹ vấn đề trên.
Ông cũng lưu ý có khả năng gạo giả được bán sang các nước bằng đường buôn lậu qua biên giới. Rất khó phát hiện nếu những nhóm buôn lậu trộn loại gạo làm bằng nhựa như trên với gạo thật để qua mắt cảnh sát biên phòng và bán ra thị trường ở các nước châu Á.
“Chúng tôi sẽ tiến hành điều tra trên phạm vi toàn quốc. Các nhóm điều tra sẽ tập trung vào những cửa hàng nhỏ lẻ để kiểm tra liệu họ có đang bán loại gạo giả này hay không, nhất là ở các khu vực ngoại ô và vùng nông thôn”- ông Hasan cho biết.
Theo một nguồn tin giấu tên trong ngành lúa gạo Malaysia, những loại gạo như vậy chắc chắn không thể bày bán công khai ở các siêu thị lớn.
"Nếu loại gạo này có ở Malaysia, rất có thể nó được bán ở các cửa hàng nhỏ," nguồn tin cho biết. Ông này cũng lưu ý, để tránh bị phát hiện, gạo rởm rất có thể được trộn lẫn với gạo thường, và buôn lậu qua đường biên giới.
Chuyên gia dinh dưỡng Mary Easaw-John ,Viện Tim mạch quốc gia Malaysia cho biết, "một số chất, chẳng hạn như nhựa tổng hợp, không thể ăn được, và về lâu dài sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hệ tiêu hóa."
Tại Việt Nam, thông tin về gạo giả Trung Quốc có khả năng gây chết người đã xâm nhập vào thị trường Việt khiến nhiều người tiêu dùng không khỏi lo sợ.
Về vấn đề này, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, ngay sau khi xuất hiện thông tin,cơ quan này đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng để xác minh và sẽ có thông tin sớm nhất đến cộng đồng nếu phát hiện trường hợp bất thường về gạo đang tiêu thụ trên thị trường.
Cục An toàn VSTP cũng lưu ý người dân không nên hoang mang và đề nghị trong quá trình kinh doanh, tiêu dùng gạo, nếu phát hiện những nghi ngờ, bất thường cần thông báo ngay cho các cơ quan chức năng như Công An, Quản lý thị trường, Ủy ban nhân dân xã/phường, Y tế xã phường.
Theo một chuyên gia về an toàn thực phẩm, khả năng gạo bị làm giả là rất khó. Giá một kg gạo thông thường chưa đến 20.000 đồng, nếu cộng tiền nguyên liệu khoai lang, khoai tây, nhựa… và chi phí công nghệ chế biến, sẽ đẩy giá thành đắt ngang ngửa gạo thật hoặc thậm chí hơn. Tính về lợi nhuận, không một người làm kinh doanh nào lại đi làm việc này. Hơn nữa, nếu có thành phần nhựa trong gạo, khi nấu sẽ có mùi rất khó chịu.
Trước đó, đầu năm 2012, nghi vấn gạo nhựa cũng gây xôn xao ở Hà Nội khi nhiều người dân ở quận Hoàng Mai khẳng định đã mua gạo nhựa về nấu cơm và không thể ăn được.
Tuy nhiên, thời điểm đó, Cục an toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã khẳng định thông tin gạo giả tại Hà Nội là chưa chính xác.
Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia đã có kết quả phân tích năm mẫu gạo cho thấy có các chỉ tiêu (protein, tinh bột, vitamin B1) phù hợp với thành phần gạo Việt Nam, không phải là gạo giả. Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia cũng không phát hiện chất tẩy trắng, chất đánh bóng trong các mẫu phân tích.
Các chuyên gia cũng cho biết, nếu thực sự có gạo giả được làm từ nhựa thì cũng không đáng lo ngại vì cách phân biệt loại gạo giả này hết sức đơn giản.
Các nhà khoa học khuyến cáo với cách thử rất đơn giản mà bất cứ người dân nào cũng có thể thực hiện được như: Cho gạo lên chảo rang dưới ngọn lửa to. Nếu là gạo giả thì sẽ nóng chảy ra, còn gạo thật thì sẽ chín thơm. Cách nữa đó là lấy 1 chậu nước, cho gạo vào ngâm. Gạo thật sau 1 thời gian sẽ trương nở, còn gạo giả thì không mà nổi lên mặt nước.
Đáng quan ngại là gạo giả nếu bị trà trộn với gạo thật đem bán trên thị trường thì cách phân biệt sẽ là rất khó. Các chuyên gia khuyến cáo, người tiêu dùng nên quan sát kỹ trước khi mua như hình dáng (gạo thông thường chỉ dài 6-7mm nhưng gạo này dài tới 10mm, bề ngang gạo này nhỏ hơn nhiều so với gạo thông thường). Bên cạnh đó, không nên mua loại gạo trắng sạch và đều trăm hạt như trăm bởi bình thường, gạo xay xát xong có độ tấm là 5%. Cuối cùng, gạo thật thường có mùi thơm đặc trưng, nắm vào tay có bột cám để lại trong lòng bàn tay còn gạo nhựa thì không.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]