Tại Lệ Chi (Gia Lâm, HN), các cửa hàng bán đồ trung thu bày la liệt đồ chơi trẻ em có xuất xứ từ Trung Quốc, một số loại đồ chơi truyền thống: Đèn ông sao cũng được bày bán nhưng không thu hút được người mua. Ngay cả mẫu đèn lồng về biển đảo quê hương, một loại đồ chơi đang rất “hot” mùa trung thu năm nay thì ở đây cũng chịu cảnh “đìu hiu”.
Theo một người bán hàng, đa số các bậc phụ huynh khi chọn đồ chơi cho con mùa Trung thu đều “tặc lưỡi” chiều theo sở thích của con, với trẻ em nông thôn, những chiếc đèn ông sao, đèn kéo quân,… đã quá quen thuộc mỗi dịp rằm trung thu, bởi vậy, những mẫu đồ chơi Trung Quốc trở thành “ham muốn” của trẻ em nông thôn.
“Súng hơi, búp bê, cánh thiên thần, chùy, hay những chiếc vương miện công chúa… là những đồ chơi xuất sứ Trung Quốc được trẻ em lựa chọn rất nhiều, mấy ngày hôm nay, những mặt hàng này bán rất chạy, đèn ông sao và những đồ chơi truyền thống tiêu thụ chậm, ngày cao điểm mới bán được 4-5 chiếc”, một người bán hàng cho biết.
Đồ chơi Trung Quốc nhập lậu "thống lĩnh" các miền quê.
Vừa chọn đồ chơi cho con, anh Thảo (Gia Lâm, HN) cho biết: “Mua đèn ông sao về, chơi chưa đến nửa tiếng lũ trẻ đã chán, mà cũng chỉ chơi được một buổi tối. Trong khi những loại đồ chơi khác: Súng, búp bê,… bọn trẻ có thể chơi lâu dài. Chỉ là đồ chơi thôi mà, sợ gì độc hại, hàng Trung Quốc hay hàng Việt cũng thế, miễn trẻ thích và chơi được lâu”.
Tại nhiều cửa hàng bách hóa trên địa bàn huyện Thuận Thành (tỉnh Bắc Ninh) đồ chơi Trung Quốc được bày bán khá nhiều, và không thấy có mặt của những loại đồ chơi truyền thống.
Một số gắn nhãn mác hàng Trung Quốc, một số thì mập mờ “áo gấm đi đêm”. Những người tiêu dùng “dễ tính”, không quan sát kĩ thường bỏ qua điều này.
La liệt trên các sạp hàng là súng phun tạo bong bóng hình cá heo và ngựa giá 60.000 đồng/bộ, trống Trung Quốc giá dao động từ 25.000 đến 60.000/chiếc tùy loại, đèn phát sáng 20.000 – 50.000 đồng/chiếc.
Đặc biệt, mặt hàng tạo điểm nhấn của thị trường đồ chơi trung thu năm nay là mặt nạ kinh dị, gớm ghiếc và dữ tợn, giá dao động từ 20.000 đến 150.000 đồng/chiếc tùy loại to, nhỏ.
Nhiều bậc phụ huynh không quan tâm đến xuất xứ khi mua đồ chơi cho con em mình.
Chị Mai (Thuận Thành, Bắc Ninh) cười nói: “Tôi chả biết hàng nào là hàng tàu, hàng nào là hàng Việt, cứ thấy giá rẻ, nhìn bắt mắt thì mua về cho con chơi. Đèn ông sao chơi được mỗi buổi tối rằm là “vứt xó” trong khi búp bê, gươm, kiếm,… có thể chơi được lâu dài, mà giá cả lại sêm sêm như nhau”.
Theo một chuyên gia trong lĩnh vực đồ chơi cho biết hàng Trung Quốc không chỉ thống lĩnh thị trường Việt Nam mà trên toàn thế giới. Do sản xuất số lượng lớn, nên dù lãi ít với một sản phẩm nhưng bù lại họ vẫn có lời nên giá hàng của họ luôn rẻ. Hơn nữa, doanh nghiệp (DN) Trung Quốc sớm quan tâm đến thị trường này nên đã có những nền tảng vững chắc. Đội ngũ thiết kế mẫu mã hùng hậu, họ có thể “biến tấu” thành nhiều sản phẩm đa dạng, sáng tạo ra những vật liệu mới cho ngành đồ chơi thu hút trẻ em.
Thực tế, đồ chơi Trung Quốc có nhiều phân khúc, trong đó hàng xuất khẩu đi các nước Châu Âu, Mỹ... chất lượng rất tốt và có thương hiệu do DN lớn sản xuất. Ngược lại, hàng do các cơ sở nhỏ lẻ ở địa phương sản xuất, chất lượng kém bởi dùng nhựa phế phẩm, tái sinh, nhựa trôi nổi... rồi đưa vào Việt Nam và một số nước lân cận. Họ nghiên cứu thị trường khá kỹ, nắm bắt tâm lý của người tiêu dùng Việt Nam nên sản xuất đồ chơi, giá nào cũng bán.
Theo Nguoiduatin
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]