Ảnh minh họa
Đây cũng là thời điểm để các cơ sở chế biến, sản xuất thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) tung ra những hàng hóa kém chất lượng, hàng giả, hàng kém an toàn để đánh lừa người tiêu dùng tạo thành nỗi lo về VSATTP của hàng hóa, nhất là lương thực, thực phẩm tăng lên, nạn hàng lậu, hàng giả, hàng nhái; mất VSATTP; giá cả hỗn loạn…
Mặc dù đã nỗ lực trong công tác bảo đảm VSATTP, song tình trạng vi phạm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm vẫn rất phổ biến. Trong khi đó, công tác quản lý ATTP vẫn chưa đủ mạnh để siết chặt thực trạng này. Mới đây nhất, báo chí đã ghi nhận hàng loạt sai phạm tại một cơ sở chuyên sản xuất sản xuất bánh, mứt, kẹo tại làng nghề truyền thống. Việc sản phẩm được sản xuất ở bất cứ chỗ nào - từ nơi chăn thả gia cầm, gia súc đến những khu phụ bẩn thỉu, mất vệ sinh... vi phạm về điều kiện vệ sinh, dụng cụ nhà xưởng khiến nhiều người không khỏi rùng mình khi nghĩ đến món mứt khoái khẩu trong những ngày Tết.
Bên cạnh đó, tình trạng buôn bán thực phẩm kém chất lượng, quá hạn sử dụng, vận chuyển, kinh doanh thực phẩm tươi sống, phủ tạng gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc, nguyên liệu dùng để chế biến thực phẩm bị ô nhiễm vi sinh, hóa chất, rượu pha chế từ cồn công nghiệp, kinh doanh, sử dụng phụ gia thực phẩm không đúng quy định... đang gia tăng. Ngày nào cũng có những thông tin công an và các lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra bắt giữ, xử lý hàng nghìn vụ buôn lậu ở biên giới phía Bắc, biên giới Tây Nam, trên đường biển và ngay cả đường bộ nội địa. Vấn đề VSATTP đang trở thành nỗi lo của người dân khi thị trường vẫn tràn lan thực phẩm bẩn. Năm vừa qua đã xảy ra nhiều vụ ngộ độc tập thể nghiêm trọng, chủ yếu do nhà cung cấp chạy theo lợi nhuận, coi thường tính mạng người tiêu dùng. Mới đây dư luận xã hội lại có dịp xôn xao việc một số siêu thị lớn trên địa bàn Hà Nội bày bán rau không rõ nguồn gốc dưới mác rau an toàn.
Dường như cứ đi kiểm tra là cơ quan chức năng lại phát hiện việc buôn bán, giết mổ, chế biến thực phẩm kém chất lượng, ôi thiu, tẩm ướp hóa chất độc hại như hay mực khô xé sợi làm bằng chất xơ tẩm hóa chất, thịt lợn, bò ứ nước hay tồn dư lượng chất tăng trọng và bảo vệ thực vật, thịt gà nhập lậu kém chất lượng; bánh, mứt, giò, chả chứa các chất tạo màu, tạo ngọt, phụ gia cấm; rượu giả, rượu không có nguồn gốc xuất xứ...
Luật An toàn thực phẩm đã có hiệu lực với những quy định khá nghiêm ngặt và mức xử phạt các cơ sở vi phạm về VSATTP cũng đã được nâng lên với mức phạt cao nhất tới 100 triệu đồng. Nhưng thực tế, việc vi phạm VSATTP vẫn ngày càng phổ biến. Các cơ quan quản lý từ trung ương đến địa phương vẫn loay hoay tìm giải pháp và xem ra chưa có giải pháp nào thực sự hữu hiệu. Trong một số trường hợp các đoàn kiểm tra khi phát hiện vi phạm chưa xử lý nghiêm thường mới chỉ là “phạt cho tồn tại”, mà chưa thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng tên các cơ sở sản xuất, tên sản phẩm vi phạm để người dân không sử dụng các sản phẩm đó hoặc rút giấy phép lưu hành sản phẩm.
Vẫn biết câu chuyện VSATTP dịp Tết đang căng thẳng hơn khi phải đối mặt với số lượng hàng hóa, thực phẩm rất lớn, rất khó kiểm soát. Có câu hỏi lớn là ATVSTP không phải là mới, nhưng sao đến nay các ngành chức năng vẫn chưa thống nhất và phối hợp đồng bộ? Biết đến bao giờ nỗi lo muôn thuở là an toàn thực phẩm ngày Tết mới được xóa bỏ để người tiêu dùng hết hoang mang lo lắng.
Theo DanViet
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]