1. Làng cổ Đường Lâm, Hà Nội
Nằm bên dòng sông Hồng đỏ ngập phù sa, làng Đường Lâm cổ kính với nhiều mái ngói đỏ rêu phong, những bức tường đá ong độc đáo, cùng giếng nước, sân đình như đưa du khách về một miền quá khứ tươi đẹp của những ngôi làng Bắc Bộ trước đây.
Chỉ cách Hà Nội 50 km, nhưng bạn sẽ ngỡ ngàng trước một không gian xưa cũ, trầm lặng của một làng cổ vẫn còn lưu giữ những sắc màu thời gian. Khi bước qua cánh cổng làng, những tất bật, chộn rộn của cuộc sống như bị đẩy lại phía sau. Làng cổ Đường Lâm được coi là ngôi làng cổ nhất miền Bắc, hiện còn tới khoảng hơn 900 ngôi nhà truyền thống có niên đại từ thế kỷ 16, nằm rải rác tại các thôn, xóm Đông Sàng, Cam Thịnh, Mông Phụ...
Làng có cấu trúc kín với một trục đường chính, từ đó tỏa đi khắp các ngõ ngách trong làng. Bao quanh làng là hệ thống ao, tạo nên phong cảnh lãng mạn, thơ mộng. Vào những ngày nắng nóng, hệ thống ao chính là chiếc điều hòa giúp không khí trong làng trở nên dễ chịu, mát mẻ.
2. Làng Nôm
Yên bình, tĩnh tại và đẹp đến nao lòng là ấn tượng của nhiều du khách khi lần đầu tiên đặt chân đến làng Nôm (Đại Đồng, Văn Lâm, Hưng Yên), một trong những ngôi làng Việt cổ đặc trưng xứ Bắc.
Ngày nhỏ, mỗi khi nghe câu ca dao "Đồng nát thì về cầu Nôm/Con gái nỏ mồm về ở với cha", tôi cứ thấy nó sao mà ác cảm với phụ nữ đanh đá. Một phần không thích, một phần thì tôi thấy khó hiểu vì chẳng biết địa danh cầu Nôm là ở đâu.
Từ Hà Nội, đi theo Quốc lộ 5 chừng 20km, rẽ trái khoảng mươi cây số nữa là đến làng Nôm. Bước qua cánh cổng làng uy nghi, dáng điệu hoài cổ, một bức tranh thủy mặc hiện lên. Làng Nôm đẹp mộc mạc, yên bình và có phần hơi trầm buồn.
Điều đáng quý là ngôi làng này lưu giữ được rất nhiều di tích cổ kính có niên đại ít nhất là 200 năm. Tất cả đều nguyên dạng, phủ bụi thời gian. Về đây, người ta có cảm giác như, 200 năm qua chỉ như một giấc mộng ngắn ngủi. Thời gian qua đi, để lại cho nơi đây những nếp gấp với nhiều sắc màu khác nhau nhưng không hề thay đổi bất cứ điều gì.
Làng doanh nhân Cự Đà
Nằm cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 15 km về phía tây, bên bờ sông Nhuệ, làng Cự Đà thuộc xã Cự Khê, huyện Thanh Oai được nhiều người biết đến với cái tên “đậm màu hào nhoáng” – làng doanh nhân. Từ những năm đầu thế kỷ 19, nhiều người dân trong làng ra Hà Nội buôn bán, làm ăn phát đạt, có điều kiện xây nhiều nhà đẹp. Không chỉ vậy, nơi đây còn nổi tiếng là làng cổ đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam được đánh số nhà, có biển ghi tên ngõ, xóm như ở phố. Cái tên “làng doanh nhân” cũng sóng đôi cùng Cự Đà bởi lẽ đó.
Tuy nhiên, những kiến trúc cổ của ngôi làng ít người biết đến này vẫn được người dân Cự Đà vô cùng coi trọng. Bên cạnh những cánh cổng, ngôi chùa, ngôi đình được xếp hạng, nhiều ngôi nhà cổ trong làng vẫn vẹn nguyên lối kiến trúc của đồng bằng Bắc Bộ và kiến trúc kiểu Pháp cách đây hơn 100 năm.
Đường đi đến Cự Đà: Đi từ trung tâm Hà Nội đến ngã tư Nguyễn Trãi – Khuất Duy Tiến, bạn men theo đường Nguyễn Xiển, đến đường Kim Giang thì rẽ phải, đi dọc bờ mương. Khi gặp ngã tư Phan Trọng Tuệ – Kim Giang, bạn đi thẳng tiếp qua cầu Hữu Hòa, rẽ trái men theo sông Nhuệ. Đi qua các thôn Hữu Chung, Hữu Thanh Oai, Phú Diễn là đến Cự Đà (đoạn đường khoảng 3 km tính từ cầu Hữu Hòa). Làng có cổng và biển ghi “Đình Vật Làng Cự Đà”.
Làng Kẻ Vẽ
Làng Đông Ngạc hay còn được biết đến với những cái tên thân thuộc như: làng Vẽ hay Kẻ Vẽ, nằm ở bên bờ sông Hồng, sát chân cầu Thăng Long. Mang vẻ đẹp cổ kính của các ngõ xóm lát gạch nghiêng, Kẻ Vẽ khiến nhiều du khách hết sức ngỡ ngàng khi bắt gặp những nét đẹp truyền thống của làng quê Việt ở nơi chỉ cách nội thành xô bồ náo nhiệt chưa đến 10km.
Đình làng được xây dựng từ thế kỷ 17 trên thế đất cao ráo, với lối kiến trúc cổ kính và còn giữ được nhiều hiện vật quý giá như bia đá, bộ tranh sơn mài từ thời Lê. Chùa của làng được xây dựng theo phong cách nghệ thuật từ thế kỷ 18-19, còn lưu giữ được quả chuông đồng đúc năm Diên Hựu thứ 2 (năm 1315), bia đá niên hiệu thời Thịnh Đức. Hiện nay làng còn giữ được nhiều ngôi nhà cổ có thời gian xây dựng trên 100 năm.
Bạn cũng sẽ tìm thấy Đông Ngạc khi tìm kiếm những làng cổ có nhiều tiến sĩ ở Việt Nam. Bởi lẽ nơi đây có rất nhiều các vị tiến sĩ Hán học và Tây học.Đường đi: Từ trung tâm Hà Nội theo triền đê đường Âu Cơ đến chân cầu Thăng Long, đi qua 20 mét bạn sẽ thấy Đình Vẽ (hay đình Đông Ngạc) ngay bên trái đường. Có nhiều cổng vào làng nhưng để dễ nhất bạn có thể vào cổng ngay sát đình hoặc cổng sát với trường phổ thông Đông Ngạc.
Làng Cựu – ngôi làng 500 năm của thủ đô Hà Nội
Thuộc xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên, nơi dòng sông Nhuệ uốn lượn bao quanh. Làng Cựu gây ấn tượng với những biệt thự pha lẫn kiến trúc Việt cổ và Pháp tạo ra sự độc đáo không đâu có được.
Bao trùm cả không gian là những ngôi nhà cổ với kiến trúc đặc trưng của Pháp. Đi từ đầu đến cuối làng, mỗi con ngõ nhỏ sâu hun hút là mỗi bí mật của kiến trúc. Đường trong ngõ được phủ kín bởi đá hộp xanh bóng nhẵn, phẳng lì. Ngõ nhỏ mà không bí, hẹp mà thoáng mát bởi những ô văng cửa sổ nhà bên thò ra đủ cao để che đi cái nắng gay gắt những buổi hè về.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]