Ảnh minh họa.
Theo ý kiến từ Công ty tư vấn nghiên cứu BĐS Knight Frank và một số chuyên gia, "Vùng tứ giác BĐS" bao gồm khu vực Long Thành (Đồng Nai), Bà Rịa (Bà Rịa - Vũng Tàu), huyện Dĩ An (Bình Dương) và quận 2, 9 (TP.HCM).
Các địa phương này đều có thế mạnh riêng, thu hút nhiều đại gia BĐS đầu tư dự án trên cơ sở tập trung tận dụng lợi thế của các tuyến đường cao tốc kết nối các khu vực này với nhau, hệ thống cảng biển, logistics đã và đang hình thành.
Trong đó, Bà Rịa Vũng tàu có thế mạnh về du lịch, cảng biển, Bình Dương có thế mạnh về công nghiệp, TP.HCM sẽ đóng vai trò hạt nhân trong phát triển kinh tế, du lịch, công nghiệp...
Chiều 8-9, ông Đinh Quốc Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cho biết trong tương lai, Đồng Nai sẽ hình thành sân bay quốc tế Long Thành, cảng Phước An.
Cạnh đó, hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng giao thông như: mở rộng quốc lộ 51, cao tốc TP. HCM – Long Thành – Dầu Giây, tuyến cao tốc Bến Lức – Long Thành và các tuyến giao thông huyết mạch nối các tỉnh trong vùng … sẽ hình thành những khu đô thị, khu dân cư, đáp ứng được nhu cầu nhà ở của người dân và chuyên gia nước ngoài ngày càng tăng cao.
“Cùng với đó, Đồng Nai buộc phải hình thành nên những chính sách mới nhằm thu hút đầu tư, phát triển thị trường bất động sản (BĐS) bền vững thì mọi kế hoạch đề ra mới thành hiện thực”, ông Thái khẳng định.
Theo quy hoạch, dự án đầu tư xây dựng sân bay Long Thành sẽ được xây dựng trên diện tích 21.000 ha, trải dài trên 6 xã thuộc huyện Long Thành và 3 xã thuộc huyện Cẩm Mỹ (Đồng Nai). Vị trí này gắn liền với đường cao tốc TP.HCM-Long Thành-Dầu Giây.
Khu phía bắc sân bay sẽ dành khoảng 5.720ha để đầu tư xây dựng khu dịch vụ, không gian xanh của sân bay. Khu phía Nam gần 4.400ha sẽ được đầu tư xây dựng trung tâm trung chuyển, các khu công nghiệp. Vị trí này sẽ phát triển thuận lợi nhờ tuyến cao tốc Bến Lức-TP.HCM-Long Thành, quốc lộ 51.
Địa điểm quy hoạch cuối cùng này được đánh giá là nơi mà dòng vốn đầu tư vào BĐS sẽ tăng cao trong giai đoạn tới. Theo đó khu vực 11.000 ha phía Đông Bắc và Tây Nam sân bay sẽ được ưu tiên phát triển những dự án khu dân cư, resort và trung tâm thương mại, khách sạn cao cấp.
“Đây là một trong những vị trí phát triển các loại hình kinh doanh BĐS vì đây là cửa ngõ của phía Nam, tận dụng lợi thế của các tuyến đường cao tốc đang được xây dựng kết nối TP.HCM với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và ra thế giới”, ông Lý Thành Phương, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đồng Nai, cho biết.
Tuy nhiên, ông Phương cũng thừa nhận rằng những khu đô thị, khu dân cư đã được chấp thuận đầu tư sẽ kéo theo nguy cơ bùng nổ dân số tại đây khá lớn, gây ra áp lực về môi trường sống, hạ tầng giao thông.
Ông Phương cho biết thêm, Đồng Nai đang phối hợp cùng Bộ Xây dựng để thuê các chuyên gia tư vấn quy hoạch nước ngoài hoạch định lại quy hoạch. Hiện tỉnh cũng đang chờ đợi những thông tin phản hồi từ các cơ quan chức năng. Sau đó, tỉnh sẽ trình lại bản đồ siêu quy hoạch này để Chính phủ xem xét thông qua.
Liệu thị trường đang là thật hay ảo khi quá nhiều dự án BĐS có số vốn hàng tỷ đô la được đầu tư vào Đồng Nai như thế? Nhà đầu tư có lập lại chiến lược đăng ký vốn đầu tư rồi giành đất để đấy hay không?
Về những câu hỏi này, ông Đinh Quốc Thái, khẳng định: “Chúng tôi không chiều theo ý nhà đầu tư được. Mọi dự án phải được dựa trên các quy hoạch đã có và các nhà đầu tư phải chứng minh đúng thực lực của mình với từng dự án. Cam kết tiến độ, ký quỹ đầu tư tương thích với số vốn dự án, báo cáo nghiên cứu khả thi là việc mà Đồng Nai sẽ làm trước khi chấp thuận dự án”.
Theo LANDTODAY.NET
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]