Tạo điều kiện cho người nước ngoài mua nhà là giải pháp tăng cung cho thị trường bất động sản.
Việc cho phép cá nhân, tổ chức nước ngoài mua nhà tại Việt Nam được xem là giải pháp hữu hiệu để thu hút mọi nguồn lực cả trong và ngoài nước, tận dụng tối đa mọi nguồn vốn, góp phần thúc đẩy, vực dậy thị trường bất động sản trong giai đoạn vẫn còn không ít khó khăn.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam được xem là hình thức xuất khẩu tại chỗ, thu ngoại tệ về nhưng tài sản vẫn ở lại trong nước. “Tâm lý ngần ngại sợ người nước ngoài mua nhà rồi chiếm đất là tư duy trì trệ, cũ kỹ bởi họ có đem nhà về nước họ được đâu”, ông Lê Hoàng Châu nhấn mạnh.
Dự thảo Luật cho phép cá nhân, tổ chức nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mua nhà tại Việt Nam cũng nhận được sự ủng hộ từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, nên cho phép người nước ngoài mua nhà với thời hạn từ 50-70 năm theo luật Việt Nam. Ông Vinh cũng cho rằng, nếu được như vậy sẽ giải phóng rất lớn lượng căn hộ cao cấp, biệt thự tồn kho hiện nay.
Theo Ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và kinh doanh địa ốc Hưng Thịnh Corp cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến gói kích cầu 30.000 tỷ đồng không phát huy được tác dụng đó chính là gói này chỉ nhắm đến đối tượng người có thu nhập thấp, trong khi thực tế thị trường bất động sản chủ yếu tồn đọng các dự án căn hộ trung cấp hay biệt thự và để tiếp cận gói này cũng khó. “Nếu được mở tối đa, một số lượng lớn người nước ngoài đang làm việc, sinh sống tại Việt Nam sẵn sàng bỏ tiền để sở hữu những dự án này”,
Trong dự thảo lần này cho phép cá nhân người nước ngoài được nhập cảnh vào Việt Nam và người không thuộc diện được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao lãnh sự được mua nhà ở tại Việt Nam. Đây là một yếu tố rất thông thoáng và tạo điều kiện rất thuận lợi. Có hai vấn đề chính trong này. Thứ nhất là dòng tiền, hiện tại dòng tiền của bất động sản chôn vùi rất lâu, 4-5 năm nay chưa khai thông. Thứ hai là tiêu thụ được hàng hóa, sản phẩm bất động sản và người nước ngoài cũng rất là mong đợi.
Mở cửa cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam là phù hợp xu thế hội nhập. Tuy nhiên, một vấn đề lớn đặt ra là, làm thế nào để việc mở rộng điều kiện cho cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà tại Việt Nam không làm mất cơ hội mua và sở hữu nhà của đại đa số người Việt Nam có thu nhập trung bình và thấp trong nước. Do vậy, Luật Nhà ở sửa đổi cần quy định, cá nhân nước ngoài chỉ nên được mua chung cư cao cấp trong dự án để tránh cạnh tranh trực tiếp với người dân Việt ở phân khúc bình dân và để tránh tích tụ bất động sản.
Ông Trung cũng cho rằng, việc mở nút thắt cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam không chỉ đơn thuần là hỗ trợ, tháo gỡ thị trường, giải phóng hàng tồn kho mà ý nghĩa quan trọng hơn còn nằm ở chỗ nó góp phần vun đắp niềm tin và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đặc biệt là ở khối ngoại. Mặc khác, hiện nay Thông tư 02/2013/TT-BXD về điều chỉnh cơ cấu căn hộ, chuyển dự án nhà ở thương mại thành nhà ở xã hội của Bộ Xây dựng đã có hiệu lực từ ngày 22-4-2013 nhưng cho đến nay UBND các tỉnh, thành phố vẫn còn chậm ban hành văn bản liên quan và triển khai cho lĩnh vực dự án căn hộ. Thời hạn hết hiệu lực của thông tư đang cận kề (đến ngày 31-12-2014). Nhiều ý kiến đề nghị Bộ Xây dựng gia hạn thêm hiệu lực hoặc đưa vào Luật nhà ở của kỳ họp Quốc hội lần này để mang đến hiện thực cho hàng triệu người dân đang khát khao được an cư lập nghiệp, sở hữu chính ngôi nhà của mình. Quy định cho phép chẻ nhỏ căn hộ là phù hợp với thị trường hiện tại bởi hàng triệu người dân đang chen chúc trong những căn nhà nhỏ ọp ẹp thì nay cơ hội sở hữu một căn hộ vừa túi tiền là có thể. Kiến nghị UBND TP Hồ Chí Minh chỉ đạo các cấp giải quyết thủ tục hồ sơ trong thời gian sớm nhất, Ông Trung nhận định.
Ông Marc Townsend, Giám đốc điều hành Công ty bất động sản CBRE Việt Nam thẳng thắn cho rằng, bản thân ông là một người nước ngoài đang sinh sống và làm việc lâu năm tại Việt Nam, vấn đề mà ông thực sự quan tâm không hẳn là chuyện biên độ mở, đóng cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam tới đâu mà vấn đề nằm ở chỗ sự công bằng và minh bạch của chính sách này.
Theo Công ty tư vấn bất động sản Savills Việt Nam, khảo sát cho biết có rất nhiều nhà đầu tư là cá nhân, tổ chức nước ngoài đặc biệt quan tâm đến thị trường bất động sản Việt Nam, đặc biệt là khi thị trường đã bắt đầu định hình giá trị thật. Tuy nhiên, môi trường đầu tư chưa thật sự thông thoáng đã khiến đối tượng này còn e ngại, nhất là vấn đề thủ tục, pháp lý.
Thực tế cho thấy, những trường hợp người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam thời gian qua chủ yếu là những đối tượng đã kết hôn với công dân Việt Nam, trong khi đối tượng này không nhiều. Theo số liệu thống kê, hiện có trên 80.000 người nước ngoài đến từ hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam và số lượng này đang có chiều hướng gia tăng. Đây là nguồn lực rất lớn, kéo theo đó là dòng tiền đáng kể đầu tư vào Việt Nam nếu chúng ta biết tận dụng.
TS LÊ BÁ CHÍ NHÂN
(Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh)
Theo DiaOcOnline.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]