Một đoạn cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây được đưa vào khai thác. (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN)
Theo đề xuất của đơn vị lập dự án, tuyến cao tốc Dầu Giây-Liên Khương có điểm đầu (Km0) tại Km1829 +850, Quốc lộ 1-trùng với Km54+794 cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây (thuộc địa phận xã Xuân Thạnh, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai); điểm cuối tại Km199 +717 trùng với Km208 +250 đường cao tốc Liên Khương-Prenn, tỉnh Lâm Đồng.
Tuyến đường cao tốc trên có tổng chiều dài hơn 200km, bao gồm cả 140km trùng với đoạn thuộc đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây.
Theo ông Nguyễn Xuân Lâm, Phó Tổng giám đốc Ban Quản lý dự án 1, dự án được đầu tư sẽ kết nối hoàn chỉnh với đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây và Biên Hòa-Vũng Tàu, góp phần tạo ra mối liên kết thuận tiện giữa các tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, giữa khu vực phía Nam với Tây Nguyên đồng thời xây dựng mạng lưới đường bộ cao tốc hoàn chỉnh, hợp lý, đáp ứng nhu cầu phát triển lâu dài của đất nước.
Theo quy hoạch, sau khi xây dựng hoàn chỉnh, tuyến cao tốc trên sẽ có quy mô 4 làn xe, chiều rộng nền đường 25,5m. Tổng mức đầu tư dự kiến hơn 65.350 tỷ đồng. Quy mô phân kỳ đầu tư gồm 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 đầu tư xây dựng 2 làn xe, giai đoạn hoàn chỉnh đầu tư với quy mô 4 làn xe.
Tuy nhiên, để đảm bảo tính khả thi và nhu cầu vận tải, Ban Quản lý dự án 1 đề xuất Bộ Giao thông Vận tải cho phép phân kỳ theo giai đoạn.
Cụ thể, giai đoạn đầu sẽ xây dựng đường cao tốc 2 làn xe, cho đoạn Dầu Giây-Bảo Lộc (Lâm Đồng), từ Km0-Km126+500, có làn dừng xe khẩn cấp theo quy định và ưu tiên đầu tư trước những đoạn cấp bách kết nối các khu vực quan trọng với tổng mức đầu tư 20.508 tỷ đồng.
Giai đoạn tiếp theo sẽ đầu tư đoạn từ Bảo Lộc đến Liên Khương, Km126+500-Km199 +717, khi lưu lượng xe tăng lên với ước tính số vốn khoảng 11.847 tỷ đồng.
“Tổng mức đầu dư của dự án khoảng 32.356 tỷ đồng. Việc đầu tư xây dựng dự án bằng toàn bộ nguồn vốn ngân sách Nhà nước sẽ không khả thi về mặt huy động vốn. Do vậy, để dự án được triển khai xây dựng, cần nghiên cứu thêm các hình thức huy động vốn khác,” ông Lâm cho biết.
Đối với đoạn Dầu Giây-Bảo Lộc dự kiến đầu tư trước, Ban Quản lý dự án 1 đề xuất áp dụng hình thức đầu tư BOT với hai phương án.
Theo đó, phương án 1, đầu tư đoạn Dầu Giây-Tân Phú dài khoảng 60 km, quy mô 2 làn xe, kinh phí là 7.079 tỷ đồng. Đoạn từ Tân Phú-Bảo Lộc dài 66,5 km, có chi phí 13.429 tỷ đồng kiến nghị đầu tư theo hình thức vốn Ngân sách hoặc Hợp đồng BT (xây dựng-chuyển giao). Với phương án này, thời gian hoàn vốn đoạn BOT là khoảng 21 năm.
Phương án 2, đầu tư theo hình thức BOT đoạn Dầu Giây-Tân Phú dài 60 km, nhà đầu tư được thu phí trên đoạn Dầu Giây-Tân Phú và 2 trạm thu phí trên Quốc lộ 20 đoạn Dầu Giây-Bảo Lộc. Với phương án này, chi phí đầu tư BOT là 7.079 tỷ đồng và thời gian hoàn vốn là khoảng 17 năm.
Nếu được Bộ Giao thông Vận tải xem xét và phê duyệt, dự án sẽ được khởi công vào năm 2015 và hoàn thành vào năm 2018./.
Theo Vietnamplus.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]