Chậm cấp sổ đỏ, xây hạ tầng xã hội
Sở TN&MT Hà Nội cho biết, qua kiểm tra, rà soát, hiện có 352/859 dự án nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất có dấu hiệu vi phạm.
Đoàn Giám sát của HĐND thành phố phát hiện, khu đô thị Bắc quốc lộ 32 chưa được phê duyệt điều chỉnh quy hoạch, nhưng chủ đầu tư đã tự điều chỉnh xây dựng.
Hiện còn tới 175/410 dự án nhà ở thương mại trên địa bàn chưa giải phóng mặt bằng hoặc còn vướng về giải phóng mặt bằng, trong đó có dự án Nhà ở thương mại khu đô thị Xuân Phương, khu đô thị Bắc quốc lộ 32, khu đô thị Văn Phú, Việt Hưng.
Qua giám sát trực tiếp tại các khu đô thị, đoàn giám sát phát hiện tỷ lệ hộ, cá nhân được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà rất thấp.
Tại khu đô thị Bắc quốc lộ 32, đã bàn giao 551 căn hộ, nhưng vẫn chưa có hồ sơ cấp sổ đỏ; khu đô thị Văn Phú mới chỉ cấp được 200/2.578 trường hợp; khu đô thị Đặng Xá I đã bàn giao 200 nhà ở thấp tầng và 1.000 căn hộ chung cư từ năm 2010 được đưa vào sử dụng, nhưng đến nay vẫn chưa cấp sổ đỏ.
Một số ki-ốt xây dựng trái phép tại xã Tân Dân, huyện Sóc Sơn.
Từ năm 2011, Sở TNMT rà soát 32 ô đất thuộc 9 dự án với diện tích 152.793 m2 đất phải bàn giao cho thành phố, nhưng đến nay vẫn không rõ đã thực hiện cụ thể như thế nào.
Tình trạng “quên” hạ tầng xã hội vẫn diễn ra. Trường THCS tại khu đô thị Bắc quốc lộ 32 vẫn chưa được triển khai sau 1 năm có kết luận giám sát của HĐND thành phố.
Tại khu đô thị Đặng Xá I, trường THCS vẫn chưa biết đến khi nào mới được xây dựng, mặc dù đã có chỉ đạo của lãnh đạo UBND thành phố. Tại khu đô thị Văn Phú, trạm y tế, phòng khám đa khoa vẫn chưa được đầu tư. Sở TN&MT cho hay, nhiều chủ đầu tư đã bỏ mặc quyền lợi của người dân khi không phối hợp để làm các thủ tục cấp sổ đỏ.
Xử lý vi phạm trong quản lý, sử dụng đất
Tại xã Tân Dân, huyện Sóc Sơn, 10 ki ốt xây dựng trái phép tại khu Đồng Non ven quốc lộ 2 cũ có diện tích lên tới 457 m2 thuộc quỹ đất công ích. HĐND thành phố khẳng định, việc xã Tân Dân ký hợp đồng cho 10 hộ dân thuê đất như trên là vi phạm quy định của Luật Đất đai. Việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng của xã, huyện chậm, kéo dài.
HĐND thành phố kiến nghị UBND huyện Sóc Sơn phải chỉ đạo xã Tân Dân hủy bỏ hợp đồng thuê thầu không đúng quy định, tổ chức cưỡng chế phá dỡ các ki ốt vi phạm, khôi phục nguyên trạng đất đai.
Đối với vi phạm tại xã Phú Cường huyện Ba Vì, HĐND thành phố cho rằng, vi phạm trong quản lý, sử dụng đất tại xã Phú Cường kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân.
Đoàn giám sát yêu cầu UBND huyện Ba Vì chỉ đạo xã Vân Hòa đề xuất phương án xử lý hơn 4 ha đất nông nghiệp và 3,2 ha đất trang trại đã thu hồi theo quy định.
Trước đó, tháng 3, UBND thành phố yêu cầu UBND huyện Ba Vì làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân đối với sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai tại Vân Hòa. Về vi phạm tại xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, HĐND thành phố kiến nghị xem xét trách nhiệm của các phòng TCKH, GD&ĐT, Quản lý đô thị do thiếu kiểm tra dẫn đến tham mưu cho UBND huyện Gia Lâm chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng không đúng quy định.
Sự việc bắt nguồn từ sự thiếu trung thực của Trường THCS Ninh Hiệp khi cho Cty Đại Hùng Phát sử dụng đất của nhà trường đầu tư xây dựng ki ốt cho thuê, kinh doanh nhưng lại báo cáo UBND xã và UBND huyện là đầu tư cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng nhà cấp 4 để làm kho, văn phòng phẩm phục vụ hoạt động của nhà trường.
Tại huyện Mê Linh, Đoàn giám sát xác định, trong các năm 2004, 2005, 2006, công tác quản lý, sử dụng đất đai của UBND xã Vạn Yên phát sinh dấu hiệu vi phạm trong cấp, bán đất và giao thầu, đấu thầu đất đai. Địa phương đã giao đất trái thẩm quyền cho 326 hộ/141.397 m2 đất…
Theo Batdongsan.com.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]