Những tín hiệu về tăng trưởng tín dụng bất động sản, số lượng giao dịch tăng đột biến, tồn kho giảm và giá BĐS có xu hướng tăng...một số chuyên gia cho biết thị trường đang tiềm ẩn nguy cơ tăng "nóng" trở lại. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia địa ốc thì thị trường hiện nay chưa "bong bóng".
“Năm 2015, tăng trưởng tín dụng khoảng 17-18%, trong đó nông nghiệp là 11%, công nghiệp 6%, xây dựng 19% trong khi tiêu dùng và bất động sản tăng đến 38%. Phải chăng bất động sản đang trở lại chu kì tăng trưởng nóng và đang tạo ra những nguy cơ tiềm ẩn trong thời gian tới?”, ông Trần Đình Thiên đặt vấn đề trong cuộc hội thảo tổ chức tại Tp.HCM mới đây.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng, nợ xấu giống như “con thú dữ” đang bị xích lại nhưng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm và khi nó được thả ra sẽ càng “hung dữ” gấp bội, tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho nền kinh tế. Trong đó, nợ xấu của lĩnh vực BĐS đang có dấu hiệu tăng trở lại.
Ông Marc Townsend, CEO công ty tư vấn CBRE Việt Nam, cũng đưa ra nhận định rằng thị trường bất động sản Việt Nam đang tiềm ẩn những khó khăn như: kém lạc quan, đầu tư ra nước ngoài tăng mạnh, các nhà cung cấp không chịu giảm giá, chứng khoán đầu tư bị hạn chế và nhà đầu tư ngày càng thận trọng.
Trong khi đó Báo cáo của ông Bùi Quốc Dũng, Vụ Chính sách Tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy, tăng trưởng tín dụng trong năm 2015 bắt đầu vượt cao hơn tăng trưởng huy động vốn toàn hệ thống (17,29% so với 15,64%) do kinh tế khởi sắc và tiền nhàn rỗi trong người dân đã giảm.
Nguồn: trích tại tham luận của PGS-TS Trần Đình Thiên
Tăng trưởng tín dụng bất động sản cao năm qua, phần nhiều do các dự án BĐS vay vốn thi công trở lại, lượng nhà ở bán ra tăng đột biến do đó khách hàng cá nhân vay vốn từ ngân hàng khá cao. Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, lượng giao dịch thành công năm 2015 cao gấp đôi năm 2014, lượng tồn kho BĐS cũng giảm một nửa so với đầu năm 2013.
Nhiều chuyên gia địa ốc nhận định trong năm qua thị trường BĐS đã phục hồi và khởi sắc trở lại, góp phần vào sự tăng trưởng của nền kinh tế, tạo ra công ăn việc làm, kinh tế khởi sắc,...
Tuy nhiên, khi thị trường phát triển khởi sắc thì các chuyên gia cũng đang lo ngại đến vấn đề "nóng" của thị trường là nợ xấu, tồn kho,... nhiều báo cáo tài chính cho thấy đống nợ hàng nghìn tỷ đồng đang đè nặng lên nhiều doanh nghiệp bất động sản.
Thống kê vào cuối năm 2015, giá trị tồn kho của 55 doanh nghiệp bất động sản đã công bố báo cáo tài chính đạt giá trị gần 91,000 tỷ đồng, tăng hơn 17% so với cùng kỳ năm trước và cũng là mức cao nhất trong 3 năm gần đây.
Con số trên là chưa bao gồm chi phí xây dựng cơ bản dở dang dài hạn gần 31,000 tỷ đồng, tương ứng tăng đến 93% so với cùng kỳ năm trước.
Nhiều công ty có lượng tồn kho cao như Kinh Bắc (KBC) tăng mạnh lên 8,364 tỷ đồng, chủ yếu do chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang tại các khu đô thị Tràng Cát, Tân Phú Trung, Phúc Ninh, Quang Châu, Tràng Duệ…
Ngoài ra, một số đại gia địa ốc khác cũng có lượng hàng tồn kho cao như Phát Đạt - PDR (6,029 tỷ đồng), Khang Điền - KDH (5,857 tỷ đồng), Tân Tạo - ITA (5,219 tỷ đồng), công ty CP PHát triển hạ tầng kỹ thuật - IJC (4,390 tỷ đồng), công ty CP kinh doanh & phát triển Bình Dương - TDC (3,772 tỷ đồng)…
Các DN địa ốc trong năm qua cũng đã tăng vay nợ. Tổng nợ phải trả của các doanh nghiệp tại thời điểm 31/12/2015 đạt gần 179,000 tỷ đồng, tăng 38% so với cuối năm 2014. Trong đó, nợ ngắn hạn hơn 104,000 tỷ đồng, tăng 62%, gồm vay nợ từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng khác gần 62,000 tỷ đồng, nhích nhẹ 3%.
Với sự khởi sắc của thị trường BĐS là một điều tốt, nhưng nhiều chuyên gia kinh tế khuyến nghị cần đưa cả luồng vốn vào các ngành sản xuất kinh doanh khác, nhằm tạo ra giá trị thực và việc làm cho xã hội. Điều này sẽ là động lực để các doanh nghiệp có niềm tin và tiếp tục đầu tư nâng cao năng lực cạnh tranh với các đối thủ ngoại.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]