Bốc xếp sản phẩm phân đạm Phú Mỹ tại cảng Cần Thơ. (Ảnh: Hà Thái/TTXVN)
Theo ông Lư Thành Đồng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Cần Thơ, trong số vốn trên thì dự án xây dựng cảng biển Cái Cui có vốn đầu tư lớn nhất là 1.200 tỷ đồng.
Hiện, thành phố đang thực hiện giai đoạn 2 và khu hậu cần Logistics thuộc cảng này.
Đây là cảng biển lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long, khi hoàn thành giai đoạn 2 có khả năng tiếp nhận tàu có tải trọng 20.000 tấn, công suất bốc dỡ từ 2,3-2,5 triệu tấn/năm.
Cảng được xây dựng 3 bến tàu tổng chiều dài 500m; trang bị hệ thống thiết bị vận chuyển, bốc dỡ hàng, cần trục có sức nâng 40 tấn, tầm với 35m, cần trụ bánh hơi có sức nâng 80 tấn.
Riêng khu hậu cần rộng 16ha, khi xây dựng hoàn chỉnh rộng 37ha.
Cảng Cái Cui đã hoàn thành giai đoạn 1 vào tháng 4/2006, rộng 9ha với các hạng mục: nhà kiểm soát hải quan, kho hàng tổng hợp, bãi chứa container, công suất bốc dỡ từ 600.000-650.000 tấn hàng/năm.
Cảng này nằm cạnh sông Hậu, cách trung tâm thành phố Cần Thơ 10km và cách cầu Cần Thơ 5km thuận lợi trong việc tiếp nhận và bốc xếp hàng hóa.
Theo quy hoạch, cảng Cái Cui thuộc nhóm cảng biển số 6 của Việt Nam và là cảng chính của cụm cảng Cần Thơ, trực tiếp phục vụ khu công nghiệp Hưng Phú (Cần Thơ) đồng thời góp phần phát triển kinh tế xã hội các tỉnh phía Tây sông Hậu (thành phố Cần Thơ, tỉnh An Giang, Hậu Giang, Kiện Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau).
Cùng với việc xây dựng cảng Cái Cui, thành phố cũng đã xây dựng cầu cảng Cần Thơ mới, nâng chiều dài cầu cảng từ 144m lên 304m, tải trọng 120 tấn và trang bị thêm 2 cần cẩu có năng lực bốc dỡ hàng siêu trường, siêu trọng (mỗi cần cẩu có khả năng bốc dỡ khối hàng nặng tối đa 150 tấn).
Bên cạnh đó, thành phố mở rộng diện tích cảng từ 3 lên 6ha, mở rộng bãi chứa hàng container từ 5.000m2 lên 9.000m2; xây dựng 6 phao neo tàu trên sông Hậu, mỗi phao có khả năng tiếp nhận tàu có tải trọng 10.000 tấn/chiếc neo đậu; mua sắm thêm nhiều thiết bị khác phục vụ bốc xếp hàng hóa.
Cùng với cảng Cần Thơ, cảng Trà Nóc (nằm ven sông Hậu, tại Cần Thơ) được hoàn thiện cơ sở hạ tầng với các hạng mục chính là cảng xăng dầu, khí hóa lỏng, có khả năng tiếp nhận tàu có tải trọng từ 5.000-6.500 tấn; công suất vận chuyển 400.000 tấn/năm.
Theo Sở Giao thông Vận tải Cần Thơ từ đầu năm đến nay đã có 900.000 tấn hàng đã được bốc dỡ qua các cảng nói trên, tăng 25% so cùng kỳ năm trước; trong đó có khoảng 30% là hàng bốc dỡ từ tàu nước ngoài.
Hàng bốc dỡ tại đây rẻ hơn so với các cảng Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 5 USD/tấn. Riêng gạo, trước đây, phí vận chuyển qua các cảng tại Cần Thơ lên tới 15.000 đồng/tấn, nay chỉ còn 4.500 đồng/tấn. Còn với Clanh-ke giảm từ 45.000 đồng xuống còn 16.000 đồng/tấn./.
Theo Vietnamplus.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]