Người dân lưu thông qua cầu Bình Lợi mới (thuộc dự án Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - vành đai ngoài)
Dự án đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - vành đai ngoài (nay là đường Phạm Văn Đồng) là dự án BT (đầu tư, chuyển giao) do nước ngoài thực hiện theo phương thức đổi đất lấy hạ tầng giao thông.
Đây là phương thức huy động vốn đầu tư tư nhân trong tình hình nguồn ngân sách eo hẹp. Theo đó, Công ty GS E&C (Hàn Quốc) đầu tư khoảng 360 triệu USD xây dựng tuyến đường dài 13,6km (hiện chưa thi công 1,53km đoạn từ Nguyễn Kiệm đến sân bay Tân Sơn Nhất) cho 8-12 làn xe lưu thông, đổi lại đơn vị này được giao đất tại Q.2, Q.9 và Q.10.
Có thể nói việc huy động vốn các doanh nghiệp đầu tư theo phương thức BT đổi đất lấy hạ tầng như dự án đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - vành đai ngoài mà không thu phí giao thông cầu, đường ở TP.HCM là rất hiếm hoi.
Bởi vì trước đó TP đã kêu gọi và có nhà đầu tư Công ty cổ phần đầu tư phát triển hạ tầng IDICO vào dự án xây dựng đường song hành Hà Huy Giáp (Q.12) dài 4km có lộ giới 40m cho sáu làn xe lưu thông để kết nối với dự án cầu Phú Long - Q.12 (đã khánh thành vào tháng 12-2012) và quốc lộ 13 - tỉnh Bình Dương, có tổng vốn đầu tư khoảng 3.000 tỉ đồng.
Tuy nhiên, sau gần hai năm nghiên cứu, tháng 4-2014, IDICO-IDI đã trình UBND TP xin tạm dừng dự án. Theo lãnh đạo đơn vị này, nguyên nhân là do tình hình tài chính, thị trường bất động sản đóng băng và một số lý do khác.
Tương tự, cách đây năm năm (2010) UBND TP.HCM đã giao cho Tổng công ty Xây dựng số 1 - Bộ Xây dựng đầu tư BT dự án xây dựng cầu Bình Tiên (Q.6 - Q.8) theo phương thức đổi đất lấy hạ tầng và đến nay dự án này vẫn đình trệ.
Theo một lãnh đạo Tổng công ty Xây dựng số 1, sở dĩ dự án đình trệ vì trong quá trình làm thủ tục đầu tư dự án đơn vị quản lý giao những khu đất quá nhỏ và nằm rải rác ở nhiều địa phương khác nhau nên không thể đầu tư xây dựng khu dân cư đô thị để lấy lợi nhuận bù đắp vốn đầu tư dự án.
Một chủ đầu tư cho biết nếu được giao những khu “đất vàng” như Công ty GS E&C (Hàn Quốc) ở dự án Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - vành đai ngoài thì chắc chắn sẽ thu hút các nhà đầu tư thực hiện phương thức đổi đất lấy hạ tầng.
Cũng theo vị này, đầu tư theo hình thức BT đòi hỏi vốn rất lớn cho một dự án xây dựng cầu, đường: cần 2.000 tỉ đồng vốn xây lắp và vốn đền bù giải tỏa và phải có thêm 4.000 tỉ đồng để xây dựng nhà ở, trường học, bệnh viện, khu thương mại. Tuy nhiên khi hoàn thành xây dựng chưa chắc đã được nhiều người mua, trong khi phải trả lãi vay ngân hàng từng tháng.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]