Đầu vào tăng, đầu ra giảm
Theo ông Võ Hùng Dũng – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Cá tra Việt Nam, tình hình xuất khẩu cá tra từ năm 2000 – 2012 rất ảm đạm, giá xuất khẩu bình quân giảm liên tiếp từ sau năm 2000, xu hướng giảm theo hình răng cưa từ năm 2001 – 2006, sau đó là chuỗi giảm. Trong năm 2011, sự phục hồi giá chẳng qua là do thiếu nguyên liệu hơn là chiến lược kinh doanh.
Chế biến cá tra xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở ĐBSCL.
“Năm 2011, xuất khẩu cá tra đạt trên 1,8 tỷ USD đã đưa đến việc đặt mục tiêu năm 2012 phải cán mốc 2 tỷ USD. Tuy nhiên, năm 2012, xuất khẩu chỉ đạt 1,75 tỷ USD và ngành cá rơi vào tình trạng gần như khủng hoảng, kéo dài sang năm 2013. Câu hỏi đặt ra là: Cái gì đang diễn ra bên trong ngành cá? Ngành cá đang đi theo chiến lược gì và đang đi theo hướng nào? Ai đóng vai trò dẫn dắt chuỗi ngành cá?” – ông Dũng lập luận.
Cũng theo ông Dũng, 5 khó khăn chính của ngành cá hiện nay là: Giống, giảm sản lượng để tăng giá, thông tin, tín dụng và thể chế. Cụ thể, tính đến cuối tháng 8.2013, toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã thả nuôi đạt 4.700ha (tăng 4,2% so với cùng kỳ), năng suất bình quân chỉ đạt 215 tấn/ha (năm 2012 là 270 tấn/ha).
Trong khi đó, giá nguyên liệu đầu vào tăng, như giá thức ăn tăng từ 300 – 500 đồng/kg, thuốc thú y tăng bình quân 10%, nguyên liệu đầu vào tăng... Ngược lại, giá bán cá tra nguyên liệu dao động từ 20.500 – 22.700 đồng/kg (tức chỉ bằng hoặc dưới giá thành sản xuất). Trong những ngày đầu tháng 4 và cuối tháng 7, giá cá nguyên liệu xuống dưới 20.000 đồng/kg; thậm chí có những thời điểm giá xuống 19.000 đồng/kg, người nuôi lỗ từ 2.000 – 4.000 đồng/kg cá.
Nguy cơ nước ngoài thâu tóm thị trường
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay doanh nghiệp (DN) có vùng nuôi riêng ước tính chiếm khoảng 60% tổng diện tích nuôi cá tra của toàn vùng ĐBSCL. Một số DN có tiềm lực tăng cường đầu tư mở rộng vùng nguyên liệu bằng cách thuê lại ao của dân hoặc đầu tư xây dựng vùng nuôi và tận dụng được lợi thế mua vật tư đầu vào như:
Thức ăn, thuốc được chiết khấu khoảng 8 – 10% (mua trực tiếp nhà sản xuất được chiết khấu 3 – 5% và hưởng 5% thuế VAT)... Do đó giá thành sản xuất cá nguyên liệu của DN thấp hơn so với các hộ nuôi nhỏ lẻ khoảng 1.000 – 2.000 đồng/kg.
Từ đó, khi giá mua nguyên liệu ngoài thị trường xuống thấp, một số DN chế biến đã thực hiện bù lỗ chéo từ các hoạt động chế biến cá tra sang cho vùng nuôi cá nguyên liệu. Một số ít DN mặc dù tiếp tục gặp khó khăn trong sản xuất, thị trường tiêu thụ giảm sút, giá cá nguyên liệu giảm nhưng vẫn tiếp tục đầu tư nuôi vì có như vậy mới được tiếp tục vay vốn ngân hàng để duy trì hoạt động của DN.
Ông Dương Quốc Xuân - Phó Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ nhận định: Một trong những yêu cầu quan trọng là sớm đưa ra nghị định nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra, để ngành cá tra đi đúng hướng. Tiếp theo cần phải rà soát lại quy hoạch nuôi cá tra cho vùng ĐBSCL. Thời gian tới, Ban chỉ đạo, Hiệp hội Thủy sản, các địa phương có điều kiện nuôi cá cần ngồi lại bàn cụ thể về vấn đề quy hoạch vùng nuôi cá tra. Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng mối liên kết chuỗi từ nuôi cá đến chế biến, xuất khẩu một cách chặt chẽ.
Hiện toàn vùng ĐBSCL có trên 70 DN chế biến cá tra; một số DN do thiếu vốn, còn lượng hàng tồn kho lớn nên hoạt động cầm chừng.
Trước bối cảnh ngành xuất khẩu cá tra đang gặp rất nhiều khó khăn, theo tìm hiểu của phóng viên NTNN, hiện nay một số DN chế biến cá tra hoạt động cầm chừng, có DN giảm 2/3 công suất và cắt giảm 30 – 50% lao động; hiện tượng các DN chế biến gia tăng xuất khẩu cá tra nguyên con (giá 1 USD/kg), cá tra bỏ đầu và nội tạng (1,5 – 1,6 USD/kg) khá phổ biến.
Mặt khác, một số DN chế biến còn hạ giá bán sản phẩm xuất khẩu (gây nên hiện tượng các nhà nhập khẩu lo ngại rủi ro nên hạn chế giao dịch hợp đồng nhập khẩu lớn và tiếp tục nhập khẩu nhỏ giọt để ép giá), và quay lại ép giá thu mua cá nguyên liệu trong nước.
Trong bối cảnh khó khăn của ngành cá tra kéo dài, thời gian qua đã có rất nhiều ý kiến bức xúc về vai trò, trách nhiệm của Ban chỉ đạo sản xuất và tiêu thụ cá tra ĐBSCL còn quá mờ nhạt. Ban chỉ đạo có vai trò quan trọng trong việc tháo gỡ khó khăn cho ngành cá tra, nhưng qua nhiều năm hoạt động không giải quyết được vấn đề gì cho ngành cá tra.
Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Cần Thơ - ông Võ Đông Đức lo ngại: “Hiện đã có một số DN nước ngoài nhảy vào lĩnh vực này. Đây là mối lo vì các DN nước ngoài có nguồn vốn lớn, ổn định, tốt hơn chúng ta. Do vậy vấn đề tổ chức lại sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị là rất cần thiết. Tuy nhiên, cái khó nhất hiện nay của nông dân và DN là thiếu vốn”.
Theo nhận định của Bộ NNPTNT, xuất khẩu cá tra hiện nay có quá nhiều đầu mối nên xảy ra tình trạng chào bán phá giá lẫn nhau (để giành hợp đồng); sự cạnh tranh không lành mạnh như lạm dụng tỷ lệ mạ băng, gia tăng hàm lượng nước... làm trầm trọng thêm tình trạng mất cân đối cung - cầu, ảnh hưởng tới chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh. Đây cũng là nguyên nhân giá cá trong nước sụt giảm ảnh hưởng không ít đến phát triển bền vững ngành cá.
Theo Đức Khánh - Danviet.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]