Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Chỉ số tăng cao nhờ... Tết muộn
Nhận định về sự tăng/giảm này, theo các chuyên gia là do bị ảnh hưởng Tết nguyên đán, năm 2014 Tết rơi vào tháng Một dương lịch, thời gian nghỉ Tết kéo dài, tình hình sản xuất giảm xuống. Nhưng năm nay Tết Nguyên đán có tháng nhuận, nên chỉ số tăng hơn hẳn so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nếu so với thời gian chạy nước rút cuối năm (tháng Mười Hai năm 2014) thì đã có độ giảm nhẹ.
Cụ thể, trong các ngành công nghiệp cấp I, Ngành chế biến, chế tạo có mức tăng khá cao 19,4%, đóng góp 12,3 điểm phần trăm. Ngành khai khoáng tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 3,8 điểm phần trăm. Bên cạnh đó, ngành phân phối điện tăng 20,9%, đóng góp 1,2 điểm phần trăm.
Tại ngành công nghiệp cấp II, có một số chỉ số sản xuất trong tháng tăng cao so với cùng kỳ năm trước là sản xuất xe có động cơ tăng 57,6%, sản xuất sản phẩm điện tử, máy tính và quang học tăng 46,4%; dệt tăng 33,8%...
Về sản phẩm công nghiệp có mức tăng cao so với cùng kỳ là điện thoại di động tăng 91,1%, ti vi tăng 88,7%, sắt thép thô tăng 71%, ô tô tăng 69,6%, sơn hóa học tăng 40,1%...
Trong tháng, Thái Nguyên là địa phương dẫn đầu về chỉ số sản xuất công nghiệp tháng Một tăng so với cùng kỳ năm trước và đạt 523,5%, Quảng Nam tăng 46,4%, Bình Dương tăng 19,4%; Đà Nẵng tăng 19,2%...
Tiêu thụ có bước "khởi sắc”
Tuy nhiên, điểm sáng trong báo cáo là chỉ sổ tiêu thụ toàn ngành đã có sự khởi sắc. Trong tháng 12/2014, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,4% so với tháng 11/2014 và tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2013.
Tính chung cả năm 2014, chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11% so với năm 2013.
Các ngành có chỉ số tiêu thụ năm 2014 tăng cao so với năm trước là sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 46%, sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 23,7%...
Về tồn kho, tại thời điểm 1/1/2015, chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,6% so với cùng thời điểm năm 2014.
Cụ thể, một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao hơn nhiều so với mức tăng chung là sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 100,1%, sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 74,4%, sản xuất đồ uống tăng 59,5%...
Như vậy, tỷ lệ tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bình quân 12 tháng năm 2014 là 73,8%, trong đó một số ngành có tỷ lệ tồn kho bình quân cao là sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu 151,3%, sản xuất chế biến thực phẩm 93,2%, sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn 90,6%, sản xuất kim loại 86,8%./.
Theo Vietnamplus.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]