Từ nhiều năm nay, hàng hóa Trung Quốc đã khiến người tiêu dùng luôn mang tâm lý dè chừng khi đi mua sắm. Tình hình biển Đông căng thẳng càng khiến cho phong trào tẩy chay hàng Trung Quốc diễn ra mạnh mẽ hơn. Những ngày gần đây, rất nhiều lời kêu gọi tẩy chay hàng Trung Quốc của người tiêu dùng Việt liên tục đăng trên các mạng xã hội.
Nhiều trang mạng kêu gọi tẩy chay hàng Trung Quốc .
Hàng loạt fanpage đã được lập ra để bàn luận biện pháp tẩy chay hàng Trung Quốc, cộng đồng mạng kêu gọi người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam rầm rộ trên nhiều trang mạng xã hội. Chia sẻ trên trang cá nhân, một người tiêu dùng Việt Nam cho rằng: “Trước giờ khi mua một món đồ nếu có 2 xuất xứ thì không bao giờ mình chọn hàng China. Nhưng thật sự có những thứ mình cần mà chỉ có hàng China nên đành bấm bụng mua. Qua xứ Mỹ lật cái nhãn mác cũng toàn thấy xuất xứ từ China mà rầu thúi ruột. Có cách nào tẩy chay hàng hóa made in China không?”.
Chia sẻ này đã nhận được nhiều lời bình luận, phân tích. “Không ai muốn dùng hàng Trung Quốc nhưng quan trọng là nó hợp với túi tiền của đại đa số người dân và mẫu mã cũng đa dạng hơn. Họ không có lựa chọn nào khác. Em là tín đồ “made in Việt Nam” nhưng ra Hà Nội toàn bị hàng ảo. Rõ ràng mua ở hàng made in Việt Nam, do tin tưởng nên em không để ý, đến lúc về mới thấy là đã bị lừa mua hàng Trung Quốc. Để tác động vào cả một ý thức hệ thực sự rất khó”, nickname T.T bày tỏ quan điểm.
Nhiều thành viên còn chia sẻ cho nhau cách nhận biết hàng Trung Quốc.
Ngoài ra, nhiều người dùng trên cộng đồng mạng cũng đã thay đổi hình ảnh đại diện là biểu tượng tẩy chay hàng Trung Quốc. Có rất nhiều ý kiến khác nhau về việc tẩy chay hàng Trung Quốc. Nhiều người cho rằng không tẩy chay được hoàn toàn, nhưng cũng không nên chỉ là một "chiến dịch", mà phải gieo cái ý thức một cách bền vững, lâu dài hơn. Nhưng cũng có rất nhiều người nêu ra thực trạng hiện nay, là hầu hết đồ gia dụng đều có xuất xứ Trung Quốc. Hơn nữa, cùng một mặt hàng nhưng hàng Việt Nam và các nước khác lại đắt hơn rất nhiều so với hàng Trung Quốc. Điều này dẫn đến người có thu nhập thấp không muốn dùng hàng Trung Quốc cũng không được.
Một số biện pháp được cộng đồng mạng đề ra để tẩy chay hàng Trung Quốc như: Thay mới đồ dùng Trung Quốc trong nhà bằng các sản phẩm khác, kể cả đồ chơi trẻ em, đồ điện gia dụng nên chọn xuất xứ từ Malaysia, Thái Lan, Hàn Quốc...; các siêu thị, cửa hàng không bán hàng Trung Quốc...
Nhiều mặt hàng Trung Quốc tại các chợ truyền thống ở TP.HCM bị khách quay lưng.
Tại các siêu thị và chợ truyền thống trên địa bạn TP.HCM, nhiều mặt hàng Trung Quốc rơi vào tình trạng ế ẩm trong vài ngày qua. Ghi nhận tại siêu thị Co.op Mart Đinh Tiên Hoàng (Bình Thạnh), hầu hết khách hàng đều tỏ ra quan tâm hơn đến xuất xứ của hàng hóa. Chị Ngọc Lan (Bình Thạnh) cho biết: “Qua nhiều thông tin về hàng Trung Quốc chưa chất độc hại, tôi cương quyết không dùng hàng Trung Quốc từ vài năm nay. Mỗi lần đi mua hàng tôi đã biết cách xem xét kỹ lưỡng nguồn gốc xuất xứ rồi mới mua. Hơn nữa, hàng hóa Việt Nam ngày càng đa dạng và phù hợp với mức sống của người dân, không có lý do gì để tôi bỏ qua hàng trong nước”.
Nhiều người bán hàng ở chợ Bà Chiểu cũng cho biết, vài ngày qua khách mua hàng luôn luôn dò xét kỹ nguồn gốc hàng hóa chứ không “mua đại” như trước. Nhiều mặt hàng rau củ Trung Quốc vì thế rất ế ẩm.
Ngoài ra, các chợ đêm trên địa bàn TP.HCM, vốn được xem là nơi tiêu thụ nhiều mặt hàng Trung Quốc, chủ yếu là giày dép, quần áo, phụ kiện thời trang... mấy hôm nay cũng vắng khách. Những đặc điểm mẫu mã nhiều, giá rẻ... của hàng Trung Quốc đã không còn hấp dẫn với người tiêu dùng Việt Nam, nhất là trong những ngày này.
Tuy nhiên, rất nhiều ý kiến cho rằng, người tiêu dùng Việt Nam nên khéo léo hơn khi bày tỏ thái độ phản đối Trung Quốc thông qua hành động tẩy chay hàng hóa.
Theo Zingnews
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]