Ảnh minh họa ( internet)
Đến thăm làng nghề Quán Hương ở thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam vào những ngày giáp Tết, điều dễ nhận thấy ngay từ cổng làng là mùi hương thơm ngát và những bó tăm hương xòe với màu đỏ rực được phơi trên dọc những con ngõ nhỏ, trong từng sân nhà của người dân.
Làng nghề Quán Hương ra đời cách đây gần 200 năm và đã trải qua nhiều thăng trầm. Năm 2004, làng nghề được khôi phục. Làng được tỉnh Quảng Nam đầu tư quy hoạch, xây dựng cổng làng, nhà truyền thống, đường bêtông liên xóm... để tạo thuận lợi cho việc sản xuất.
Ông Võ Tấn Hiếu, Trưởng ban đại diện làng nghề Quán Hương cho biết làng có 180 hộ dân, trong đó hơn 100 hộ làm hương với trên 300 lao động. Trước đây, người dân làng nghề thường làm hương thủ công theo phương pháp se hoặc nhúng bột lên tăm hương, sau đó, việc sản xuất chuyển dần qua sử dụng bằng máy đạp chân. Hiện nay, hầu hết các gia đình làm nghề đều sử dụng máy điện. Việc sử dụng máy điện giúp tăng năng suất, rút ngắn được nhiều thời gian giao sản phẩm cho khách hàng.
Nghề làm hương tại làng thu hút mọi lứa tuổi tham gia, từ thanh niên là lực lượng lao động chính đến các cụ già và em nhỏ. Người dân trong làng làm nghề quanh năm nhưng trong dịp Tết là nhộn nhịp nhất. Để kịp giao các đơn hàng ở xa, những ngày này người dân Quán Hương còn tranh thủ làm tới 1-2 giờ sáng.
Gắn bó với nghề làm hương đã 16 năm, chị Trần Thị Thúy, chủ một hộ sản xuất cho biết việc sản xuất hương ngày Tết tuy vất vả nhưng làm tới đâu tiêu thụ hết tới đó nên ai cũng phấn khởi. Ngoài 4 thành viên trong gia đình, chị còn thuê thêm 2 nhân công nữa để kịp làm hàng giao cho khách. Trung bình mỗi tháng, thu nhập của mỗi lao động đạt khoảng 3 triệu đồng, trong tháng cuối năm này có thể tăng gấp đôi.
Nét đặc trưng trong sản phẩm của làng nghề Quán Hương là bột hương được làm từ hai hỗn hợp chính gồm bột quế Trà My (một loại đặc sản của vùng đất xứ Quảng) và bột vỏ cây bời lời đỏ ở vùng đất Tây Nguyên, chính vì vậy thẻ hương có mùi thơm ngát, tốc độ cháy chậm và không gây hại tới sức khỏe. Để đảm bảo thương hiệu, chất lượng hương, ở làng nghề hiện nay đã có 6 hộ đầu tư máy móc, cung ứng nguyên liệu tại chỗ cho các hộ sản xuất; trung bình mỗi tháng các hộ này cung ứng 30 tấn tăm hương và 50 tấn bột các loại.
Hàng năm làng nghề sản xuất khoảng 800 tấn hương, thị trường tiêu thụ khắp cả nước. Riêng trong dịp Tết mấy năm gần đây, số lượng hương của làng không đủ cung ứng cho thị trường, nhiều gia đình đã tranh thủ sản xuất ngay từ dịp hè vì thời điểm đó có nắng to. Sau khi sản xuất xong, người dân làng nghề đóng gói vào thùng xốp giữ mùi hương để bán trong dịp Tết. Hiện nay, nhiều gia đình còn sản xuất thêm mặt hàng hương vòng, viên hương trầm để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng.
Từ nghề truyền thống của cha ông truyền lại, với sự nỗ lực của người dân, sự quan tâm của chính quyền địa phương, làng nghề Quán Hương đang từng ngày khởi sắc. Cuộc sống của người dân ngày càng được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo của làng chỉ còn dưới 1%, nhiều hộ đã vươn lên làm giàu.
Theo Đỗ Trưởng - vietnamplus.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]