Trong khi một số doanh nghiệp phải chi hàng tỉ đồng mỗi năm để kiểm tra hàm lượng formaldehyde (chất có nguy cơ gây ung thư) với các sản phẩm dệt may nhập khẩu, người tiêu dùng vẫn đối diện nhiều nguy cơ mua phải sản phẩm có hại cho sức khỏe.
Trong thực tế, sản phẩm dệt may trên thị trường gồm rất nhiều nguồn, kể cả hàng nhập lậu và sản xuất trong nước không đáp ứng tiêu chuẩn, được đưa vào kinh doanh theo kiểu “vàng thau lẫn lộn”, không có dấu hiệu nhận biết sản phẩm nào đã được kiểm tra hay chưa. Người tiêu dùng có ý thức cũng khó xác định đâu là hàng an toàn, đâu là hàng kém chất lượng.
Khó nhận biết sản phẩm an toàn
Chị H.Thư - nhân viên của một công ty thời trang có trụ sở ở Q.3, TP.HCM - cho biết do tính chất công việc, chị khá am hiểu thông số an toàn của các chất liên quan đến sản phẩm dệt may dành cho trẻ em dưới 3 tuổi (quần áo, tã, mũ, găng tay...), như phải đảm bảo hàm lượng formaldehyde không quá 30mg/kg mới được lưu hành trên thị trường VN.
Thế nhưng, khi mua quần áo trên thị trường, chị cũng không thể phân biệt hàng có đảm bảo hay không vì không có tem, nhãn nào chứa thông tin đó.
“Cách tốt nhất là tôi dựa vào kinh nghiệm mua sắm của bản thân, chọn mua thương hiệu có uy tín, địa chỉ rõ ràng” - chị Thư chia sẻ.
Khảo sát nhanh ở gian hàng bán quần áo trẻ em tại siêu thị trên đường Phan Văn Trị (Q.Gò Vấp), hầu hết khách hàng khi chọn sản phẩm chỉ chú ý đến kích thước, sau đó dùng tay sờ vào vải cảm nhận độ dày, mỏng, có 100% cotton hay không.
Có khách hàng kỹ hơn thì nhìn vào hướng dẫn sử dụng như giặt máy, nhiệt độ ủi, cảnh báo không dùng chất tẩy rửa...
Chị Quỳnh Mai, một khách hàng tại siêu thị, cho biết rất khó cho người tiêu dùng biết sản phẩm có chất độc hại hay không, nên chị chỉ có thể loại bỏ những loại quần áo quá màu mè cho... an tâm.
Hàng dệt may của Trung Quốc bị phát hiện chứa hàm lượng formaldehyde cao quá mức cho phép đầu tiên trên thế giới, nhưng trên thị trường VN quần áo, vải sợi Trung Quốc vẫn tràn ngập, người tiêu dùng không khó để mua được những chiếc áo, cái quần giá rẻ, không rõ nguồn gốc ở chợ, trên vỉa hè... do yếu tố giá rẻ.
Theo cơ quan quản lý thị trường, các vụ vận chuyển, kinh doanh quần áo, vải sợi không rõ nguồn gốc luôn chiếm số áp đảo trong các vụ vi phạm về hàng hóa mà cơ quan này bắt giữ trong nhiều năm qua.
Trong khi đó, để nhận biết dư lượng formaldehyde tồn tại trong vải chỉ có thể thực hiện nhờ các phương pháp kiểm tra chứ không thể bằng mắt thường hoặc... ngửi, sờ nên những lô hàng này thường bị phạt lỗi hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ... nên luôn thoát được “án” buộc phải tiêu hủy.
Không chỉ mặt hàng quần áo, mà ngay với nhiều đồ dùng mật thiết với gia đình như chăn, drap trải giường, nệm bọc ghế... cũng có thể tồn tại chất formaldehyde và ảnh hưởng đến sức khỏe con người qua thời gian vì chúng có tính tích lũy.
Chỉ nắm kẻ có tóc?
Từ năm 2009, theo thông tư 32 của Bộ Công thương, tất cả các loại vải, quần áo nhập khẩu vào VN phải kiểm nghiệm formaldehyde và amin thơm để bảo vệ người tiêu dùng. Tuy nhiên, với cách quản lý thị trường hiện nay, nhiều doanh nghiệp may hàng thời trang trong nước cho rằng việc kiểm tra chỉ dừng ở mức “nắm kẻ có tóc”.
Các lô hàng thực hiện việc kiểm tra và giám định hàm lượng formaldehyde, axit amin thơm... có chi phí từ 3 - 5 triệu đồng/lô hàng. Thời gian thủ tục này thường kéo dài do yêu cầu của quy trình kiểm định, lô hàng chậm được đưa vào sản xuất, vì từ khi gửi mẫu nguyên liệu đi kiểm tra và lấy kết quả giám định, thông quan mất khoảng 15 ngày.
Thế nhưng, không có quy định về dấu hiệu nào trên hàng hóa sau kiểm tra, giám định khi lưu thông trên thị trường được nhận diện rằng hàng đó đã đáp ứng các yêu cầu về hàm lượng formaldehyde, amin thơm.
Do đó, khi mua hàng trên thị trường, người tiêu dùng cũng không thể nhận biết được sản phẩm mình dùng đã an toàn hay chưa bởi không có dấu hiệu để nhận diện.
“Chưa kể làm thế nào để cơ quan quản lý thị trường kiểm tra và nhận diện sản phẩm nào đạt chuẩn hay không để bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng như mục tiêu mà Bộ Công thương đặt ra?” - giám đốc một công ty thời trang thắc mắc.
Bà H.M., phụ trách sản xuất của một thương hiệu thời trang trong nước, cho biết về mặt lý thuyết, sau khi đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn an toàn, doanh nghiệp sẽ lấy chính lô vải nhập khẩu được kiểm dịch để đưa vào sản xuất.
“Nhưng thực tế có không ít doanh nghiệp đăng ký kiểm định mẫu một loại, nhưng lại sử dụng nguồn vải khác có giá rẻ hơn, nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng để giảm giá thành sản phẩm, cũng không ai phát hiện được vì đâu có ai kiểm tra. Người tiêu dùng sẽ phải sử dụng sản phẩm có nguy cơ gây hại cho sức khỏe là rất lớn” - bà H.M. nói.
Thậm chí ở những khu vực kinh doanh, mua bán vải rầm rộ như các chợ Soái Kình Lâm, Tân Định, Nguyễn Tri Phương (TP.HCM)... chuyện buộc tiểu thương phải nắm rõ hàm lượng formaldehyde và amin thơm cho phép là bao nhiêu, đảm bảo nguồn vải đang kinh doanh có giấy kiểm định là điều gần như... không tưởng.
Vì phần lớn nguồn hàng ở những nơi này vô cùng đa dạng về nguồn gốc xuất xứ, nhập khẩu bằng... đủ loại hình thức nên không thể biết chính xác sản phẩm vải có an toàn, đạt tiêu chuẩn chất lượng sử dụng cho phép theo quy định hay không.
Bà Đặng Phương Dung, phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may VN (Vitas), nói với cách quản lý hiện nay, cả doanh nghiệp lẫn cơ quan quản lý nhà nước phải quá vất vả cả về thời gian, tiền bạc, nhân lực để thu về một kết quả ngăn chặn vi phạm không tương xứng, trong khi mục tiêu cuối cùng bảo vệ người tiêu dùng lại không đạt được.
“Phải chăng đó là sự lãng phí trong lúc các doanh nghiệp đang rất cần sự giúp đỡ, hỗ trợ trong cải cách thủ tục hành chính, giảm thời gian và chi phí thông quan, tăng sức cạnh tranh” - bà Dung đặt vấn đề.
Cần quy trình hợp lý Theo các doanh nghiệp, để kiểm tra hàm lượng formaldehyde đối với các sản phẩm dệt may, thủ tục quản lý chuyên ngành yêu cầu số lượng giấy tờ nhiều nhất, với 10 loại chứng nhận. Trong đó có 7 loại chứng từ bắt buộc phải có, gồm hợp đồng, invoice, packing list, B/L, C/O, tờ khai nhập khẩu, mô tả hàng hóa, chứng nhận chất lượng hàng hóa... Theo ông N.H., phụ trách xuất nhập khẩu Công ty may V, muốn hoàn thành đủ bộ hồ sơ này phục vụ cho các đơn hàng dệt may xuất khẩu, doanh nghiệp phải chứng minh lô nguyên liệu nhập khẩu là để sản xuất xuất khẩu, nghĩa là doanh nghiệp phải có văn bản giải trình gửi hải quan, kèm theo là hợp đồng nhập khẩu, hợp đồng xuất khẩu... Thậm chí, trong trường hợp doanh nghiệp được hệ thống phân “luồng xanh” cho lô hàng (miễn kiểm tra), nhưng vì thực hiện việc kiểm soát nói trên nên 100% hồ sơ nhập sản xuất xuất khẩu đều trở thành... luồng vàng (kiểm tra hồ sơ). Quản không chặt, khả năng gây ung thư cao Đại diện Bộ Công thương cho biết formaldehyde và các amin thơm là những chất có khả năng gây ung thư. Ở nhiều quốc gia, quy định hàm lượng đối với loại chất này được đưa vào luật, được làm rất nghiêm do xem trọng sự an toàn đối với người tiêu dùng, đặc biệt đối với những sản phẩm tiếp xúc trực tiếp với da người. Chất này tồn tại trong vải do sử dụng trong công đoạn in nhuộm và hoàn tất nhằm giữ màu và tạo liên kết ngang để chống nhăn trong khâu hoàn tất, cũng như chống nấm mốc. Vì giá thành rẻ nên dù bị cấm nhưng các nhà sản xuất vẫn rất thích dùng. Nên ghi hàm lượng formaldehyde trên sản phẩm Việc kiểm tra hàm lượng formaldehyde trên sản phẩm dệt may đã được các châu Âu, Úc hay Trung Quốc, Nhật Bản... triển khai từ lâu. Ông Peter Bennett, cố vấn về tạo thuận lợi thương mại của dự án GIG, cho biết ở Đức quy định các sản phẩm có chứa formaldehyde phải có nhãn, trên nhãn ghi giới hạn hàm lượng trong sản phẩm là bao nhiêu. Ở Anh thì kiểm soát tại nơi sản xuất và quy trình sản xuất được giám sát chặt chẽ. Trong khi các nước trong Liên minh châu Âu (EU) lại dựa trên quản lý rủi ro để sàng lọc ra những nhà cung cấp bên ngoài EU có nguy cơ vi phạm cao nhưng vẫn đảm bảo quy trình lấy mẫu ngẫu nhiên để phòng ngừa. Các cơ quan chuyên ngành, kiểm tra đo lường, chất lượng, chính quyền luôn phối hợp chặt chẽ trong việc thực thi, đặc biệt là thường xuyên kiểm tra ngẫu nhiên mẫu trên thị trường. |
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]