5 năm không một chuyến tàu…
Không có tàu chạy, tuyến đường sắt Cầu Giát – Nghĩa Đàn (đoạn qua huyện Quỳnh Lưu) bị cỏ dại phủ đầy.
Tuyến đường sắt Cầu Giát - Nghĩa Đàn dài khoảng 32km, nối miền tây của tỉnh Nghệ An (NA) với trục đường sắt Bắc - Nam. Tuyến có điểm đầu tại thị trấn Cầu Giát (huyện Quỳnh Lưu) và điểm cuối là huyện Nghĩa Đàn (NA). Toàn tuyến có 3 ga chia làm 4 cung. Trước đây tuyến đường sắt này là một trong những tuyến đường huyết mạnh, chủ lực dùng để vận chuyển người và hàng hóa từ các huyện miền núi NA đi cả nước và ngược lại.
Theo thống kê của XN Vận tải đường sắt Nghệ - Tĩnh, thì đã 10 năm qua, tàu khách đã dừng chạy trên tuyến đường này, còn tàu hàng cũng đã ngừng 5 năm nay.
Mỗi năm đốt cả chục tỷ đồng để nuôi... “bảo tàng đường sắt”
Những ngày cuối tháng 6, chúng tôi có dịp thị sát dọc tuyến đường sắt này với cảm giác hết sức quạnh hiu, buồn lặng. Nhiều đoạn cỏ mọc che hết cả đường ray, cây cối hai bên tốt um tùm, che khuất lối đi. Tại cung đường Quỳ Châu – 1 trong 4 cung của tuyến đường sắt Cầu Giát – Nghĩa Đàn một số điểm ghi hoen gỉ, tà vẹt gỗ mối mọt chưa được thay thế.
Ông Lưu Đình Tuấn – Cung trưởng cung Quỳ Châu, cho biết: “Tàu dừng chạy trên tuyến đường đã lâu lắm rồi nhưng chúng tôi vẫn được giao nhiệm vụ trông coi, bảo dưỡng theo định kỳ. Thấy ghi, ray mối mọt cũng xót lắm nhưng không có tàu chạy thì kinh phí để sữa chữa cũng nhỏ giọt. Nói thật với các anh, chứ mấy năm liền không có tàu mà công nhân vẫn cứ nai lưng sửa đường, nhiều lúc cũng buồn lắm”.
Có nhiều nguyên nhân để tuyến đường sắt một thời “hoàng kim” này rơi vào dĩ vãng. Một trong những lý do đó chính là tốc độ tàu chạy. Theo công lệnh tốc độ chạy tàu của Tổng công ty ĐSVN, suốt 10 năm qua, tuyến đường này vẫn duy trì một mức tốc độ chạy tàu tối đa là 15km/h, năng lực khai thác tuyến cũng chỉ ở mức 4 chuyến/ngày.
Ông Phạm Hồng Nam – Giám đốc XN Vận tải đường sắt Nghệ- Tĩnh, cho biết: “Cách đây khoảng 5 năm, khi nhu cầu vận chuyển hàng hóa trên tuyến đường sắt Cầu Giát – Nghĩa Đàn đột ngột tụt giảm, công ty chúng tôi đã thực hiện một cuộc khảo sát tìm hiểu nguyên nhân. Lúc đó, đa phần chủ hàng đều phàn nàn về tốc độ chạy tàu quá chậm (15km/h) khiến hàng hóa bị ngừng trệ, không kịp thời gian giao trong hợp đồng. Bên cạnh đó, cước phí vận chuyển cao, cộng với việc phải tốn tới 4 lần bốc xếp cho nên họ đã chuyển sang vận chuyển bằng đường bộ.
... nhưng vẫn phải nuôi “bảo tàng đường sắt”
Mặc dù tuyến đường sắt Cầu Giát – Nghĩa Đàn nhiều năm nay không có tàu chạy, nhưng hằng năm, Tổng công ty Đường sắt VN vẫn phải chi tới 7 tỷ đồng để… “giữ đường”. Ông Cao Tiến Hùng - Phó Giám đốc công ty TNHH MTV QLĐS Nghệ- Tĩnh - cho biết: “Không có tàu chạy nhưng theo kế hoạch, nhiệm vụ từ Tổng công ty, chúng tôi vẫn phải thường xuyên thực hiện đầy đủ công tác duy tu, bảo dưỡng để luôn trong tình trạng bảo đảm chất lượng cầu đường khi có tàu chạy qua”. Theo số liệu cho thấy thì tổng kinh phí duy tu phân bổ năm 2013 là 7,4 tỷ đồng, năm 2012 là 6,2 tỷ đồng. Đó là chưa kể cả tỷ đồng tiền lương/năm chi trả cho hơn 30 công nhân đang làm nhiệm vụ trực ga, thông tin, duy tu trên tuyến đường sắt này.
Hiện nay, do cả nước đang thực hiện việc siết chặt tải trọng đường bộ, nên một số chủ hàng, DN khai thác mỏ, khoáng sản trên địa bàn các huyện Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Quỳ Châu của tỉnh NA đang “ngỏ ý” muốn tái ký hợp đồng vận chuyển bằng đường sắt. Tuy nhiên, vì thời gian tàu dừng chạy đã quá lâu nên chính bản thân các DN này cũng không biết phải bắt đầu từ đâu, thực hiện ra sao? Về vấn đề này, Giám đốc XN Vận tải đường sắt Nghệ- Tĩnh – ông Phạm Hồng Nam, cũng thừa nhận: “Các huyện miền tây NA nằm gần tuyến đường sắt này có tiềm năng rất lớn. Với trữ lượng khoáng sản, quặng, gỗ… nếu khai thác tốt thì sẽ có nguồn hàng lâu dài, bền vững. Bản thân XN cũng mong có hàng, có tàu, có việc làm cho công nhân nhưng khi lên mời gọi, các chủ hàng cũng chỉ khảo giá rồi không thấy hồi âm trở lại”.
Qua trò chuyện với 2 vị lãnh đạo đường sắt, có thể thấy rõ rằng, nếu DN có nhu cầu vận chuyển hàng hóa thì đường sắt cũng chỉ đáp ứng ở mức hết sức “khiêm tốn”. Lý do thứ nhất là do hiện nay ngành cũng đang thiếu toa xe phục vụ chở hàng hóa. Hiện toàn bộ toa xe phải điều từ Hà Nội vào, trong khi nhu cầu toa xe ở các tuyến đều tăng cao, đặc biệt là sau khi Bộ GTVT siết chặt tải trọng đường bộ. Lý do thứ 2 là tốc độ chạy tàu trên tuyến quá chậm, tối đa chỉ có 15km/h nên các chủ hàng thường không mấy mặn mà với việc vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt.
Theo Zing.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]