Xuất khẩu gạo đang khá khó khăn, liên tục sụt giảm cả lượng lẫn giá trị từ đầu năm đến nay, trong khi đó, điều kiện được xuất khẩu gạo lại quá ràng buộc là phản ánh lớn nhất của các chuyên gia cũng như doanh nghiệp tại hội thảo “Góp ý Đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo và Dự thảo Thông tư quản lý cây ngắn ngày” tổ chức ngày 25/8, tại Hà Nội.
Theo ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Việt Nam xuất khẩu khoảng 6-7 triệu tấn gạo mỗi năm nhưng lợi nhuận còn thấp, nhất là giá xuất khẩu gạo của Việt Nam luôn thấp hơn Thái Lan. Về mặt thị trường, lại phụ thuộc quá lớn vào thị trường dễ “nóng lạnh” như Trung Quốc.
Ngoài đối thủ lớn là Thái Lan, xuất khẩu gạo Việt Nam cũng đang phải cạnh tranh mạnh với Ấn Độ, Pakistan, Hoa Kỳ. Myanmar cũng có triển vọng trở thành một nước xuất khẩu gạo lớn tại châu Á.
Ông Trần Mạnh Báo, Tổng Giám đốc Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình đánh giá, xuất khẩu gạo đang rất khó khăn, nhưng tại sao phải có giấy phép xuất khẩu.
Còn ông Trần Văn Khởi, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, cho rằng phải nới tiêu chuẩn trong cơ chế xuất khẩu gạo để các doanh nghiệp được tham gia. Quy định hiện nay của Việt Nam phải có nhà máy chế biến, có kho lớn…, trong khi ở Thái Lan, tiêu chí doanh nghiệp được tham gia xuất khẩu gạo rất đơn giản, thoải mái xuất khẩu đối với bao dưới 12kg. Vì vậy, lợi nhuận chỉ tập trung một số doanh nghiệp lớn và bất lợi cho nông dân Việt Nam.
Ông Trần Văn Khởi đề nghị, cần phải mạnh dạn thay đổi vấn đề hạn điền trong sản xuất lúa vì Luật Đất đai đã cho phép chuyển nhượng, chuyển quyền sử dụng đất nhưng hiện hạn điền vẫn quy định là 3ha (hạn mức giao đất cho mỗi hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp).
Nhiều đại biểu cũng cho rằng, Việt Nam đang khuyến khích sản xuất nông nghiệp hàng hóa, đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nhưng “nút thắt” hạn điền lại chưa được tháo gỡ.
Theo đại diện Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch, vấn đề hạn điền trong sở hữu về ruộng đất hiện nay là hạn chế lớn nhất. Cơ giới hóa có tác động mạnh mẽ tới thu hút doanh nghiệp nhưng vẫn chưa có cơ chế đủ mạnh trong hỗ trợ người dân đẩy mạnh cơ giới hóa cũng như phát triển chế tạo máy nông nghiệp của Việt Nam.
Theo dự thảo Đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo, mục tiêu cụ thể của đề án đặt ra đến năm 2020 là đảm bảo lợi nhuận cho người trồng lúa ở vùng sản xuất lúa hàng hóa từ 30% trở lên; tỷ lệ sử dụng giống xác nhận chiếm trên 75% diện tích; giảm lượng giống gieo sạ ở các tỉnh phía Nam xuống bình quân còn 80kg/ha.
Ngoài ra, giảm 30% lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật so với hiện nay; giảm tổn thất sau thu hoạch dưới 8%; giảm phát thải gây hiệu ứng nhà kính 10% so với hiện nay. Tại vùng chuyên canh sản xuất lúa hàng hóa, diện tích liên kết sản xuất, tiêu thụ, xây dựng cánh đồng lớn, vùng nguyên liệu chiếm từ 20% trở lên.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]