Hai tháng là tiêu hết Quỹ
Khó có thể ngờ rằng, giá bán lẻ xăng dầu trong nước vừa qua đã đổi chiều nhanh như vậy. Từ mức dương 1.900 đồng/lít đã chuyển sang âm gần 2.500 đồng/lít ( đối với xăng-so với giá cơ sở) chỉ trong vòng một tháng. Đối với các doanh nghiệp xăng dầu, mức chênh lệch âm giữa giá bán lẻ và giá cơ sở này là minh chứng cho tình trạng bán lỗ.
Theo Bộ Công Thương, xăng A92 thành phẩm trên thị trường Singapore bình quân 15 ngày gần đây đã tăng giá tới 11,5 USD/thùng, tương ứng 20,5%. Dầu diezen tăng 10,1 USD/thùng, tỷ lệ tăng là 16,3%. Dầu hoả tăng nhẹ nhất cũng đã là 9,8 USD/thùng, tức khoảng 15,3%. Riêng dầu madut, mức tăng được ghi nhận là cao nhất với tỷ lệ 21,4%, tăng 64,5 USD/tấn.
Giá xăng dầu 15 ngày tới liệu có tăng.
Trước chiều hướng tăng mạnh này, Bộ Công Thương gánh trọng trách đảm bảo "ổn định tâm lý người tiêu dùng" dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán theo chỉ đạo của Thủ tướng, nên đã quyết định kìm giá bán lẻ lần thứ 2 bằng công cụ Quỹ bình ổn.
Tuy nhiên, "việc xả Quỹ bình ổn giá xăng dầu hiện nay để giữ giá chỉ là một biện pháp tình thế, mang tính nhất thời", ông Trần Ngọc Năm, Phó tổng giám đốc Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) nhận định.
Chia sẻ với VietnamNet, ông Năm nhấn mạnh: "Với tốc độ tiêu thụ xăng dầu hiện nay, Quỹ sẽ hết rất nhanh, có thể chỉ được 2 tháng. Chúng ta sẽ không thể sử dụng mãi một công cụ tài chính để bình ổn giá, nhất là khi Quỹ có giới hạn".
Trước đó, Bộ Tài chính công bố, số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu tính đến hết năm 2014 có 4.018,711 tỷ đồng. Đây là mức tích luỹ lớn nhất từ trước tới nay kể từ khi Quỹ này ra đời năm 2009. Hơn 50% số dư này là thuộc về Petrolimex do có thị phần lớn nhất, với con số 2.160 tỷ đồng.
Một đại diện của SaigonPetro tính toán, trung bình hiện nay, cả nước tiêu thụ 45 triệu lít, kg xăng dầu, riêng xăng chiếm khoảng 18 triệu lít/ngày. Nhân với mức sử dụng Quỹ bình ổn 2.448 đồng/lít đối với xăng, chỉ trong vòng 1 tháng, mặt hàng này sẽ ngốn khoảng 1.350 tỷ đồng, tức mất 33% số dư Quỹ trên.
"So với nhiều thời điểm từng phải sử dụng Quỹ trước đây thì các mức trên là mức xả rất lớn. Một lít xăng được bù từ Quỹ gấp 8 lần mức đóng góp, một lít dầu diezen được bù gấp 4 lần mức trích lập Quỹ nên Quỹ sẽ không thể trụ được lâu", vị chuyên gia này đánh giá.
Không tránh khỏi tăng giá
Những doanh nghiệp xăng dầu lớn nhất trên thị trường hiện nay đều dự báo, trong 15 ngày tới, nếu như giá xăng dầu thế giới vẫn đà tăng trở lại, không loại trừ trường hợp giá bán lẻ xăng dầu trong nước sẽ phải tăng giá.
Theo lập luận của giới này, Quỹ bình ổn cạn kiệt, Bộ Tài chính lại chưa thể giảm thuế nhập khẩu, các doanh nghiệp vốn đã lỗ kinh doanh xăng dầu năm 2014 nên không có lý do gì để có thể tiếp tục nén giá xăng dầu.
Barem điều hành thuế nhập khẩu xăng dầu "ăn" theo giá dầu thô của Bộ Tài chính đã quy định, chỉ khi giá dầu trên 75 USD/thùng thì xăng và dầu hoả mới được giảm thuế từ 35% hiện nay xuống 25%, dầu diezen và madut mới được giảm từ 30% hiện nay xuống 20%. Trong khi đó, mức đỉnh nhất mới của dầu thô vừa qua chỉ là 53,5 USD/thùng vào ngày 17/2. Mức bình quân dầu thô 15 ngày qua hiện là hơn 51 USD/thùng.
Đại diện SaigonPetro cho rằng, Liên Bộ có thể cần phải cân đối giữa việc tăng giá và sử dụng Quỹ, ví dụ như chỉ tăng khoảng 1.000 đồng/lít, phần còn lại là bù đắp từ Quỹ. Việc này cũng là nhằm tránh tái diễn kịch bản điều hành giật cục như 3 năm về trước.
Quỹ bình ổn bù giá xăng dầu chỉ trụ được 2 tháng.
Năm 2011, kịch bản điều hành giá xăng dầu khi đó cũng là một thời gian dài chỉ sử dụng Quỹ để kìm giá rồi sau đó, giá xăng dầu trong nước vẫn tăng và mức tăng rất sốc. Ví dụ, đầu năm 2011, sau 2 đợt điều chỉnh ngày 24/2 và ngày 28/3, tổng mức tăng của xăng là tới 4.900 đồng/lít, dầu diesel tăng tới 6.155 đồng/lít, dầu hỏa tăng 5.700 đồng/lít, dầu madut tăng 4.110 đồng/kg.
Vị chuyên gia của SaigonPetro chia sẻ: "Đợt tăng giá cao khi đó đã gây ra hiện tượng rối loạn trên thị trường. Ngay cả hiện nay, ngoài thị trường cũng bắt đầu có chuyện đầu cơ rồi".
Ông Trần Ngọc Năm hy vọng: "Tôi tin là Liên Bộ Công Thương-Tài chính bây giờ sẽ điều hành giá khác những năm trước. Nhìn lại diễn biến hơn nửa năm qua, giá được xử lý đều theo quỹ đạo của thị trường, giá thế giới giảm thì trong nước đã giảm. Nên tới đây, nếu thế giới tăng thì giá cũng sẽ tăng".
Tuy nhiên, ông Năm cho biết, thị trường dầu thô diễn biến khó lượng, 15 ngày qua tăng mạnh, nhưng không phải tăng liên tục một mạch mà vẫn cũng có những ngày giảm gần 2 USD/thùng. Sẽ rất khó dự đoán liệu 15 ngày tới giá tiếp tục tăng nữa hay là lại chững lại và giảm.
Ví dụ như ngày 9/2, giá dầu thô WTI hồi phục lên 52 USD/thùng thì 2 ngày sau đó, 11/2, đã lại sụt xuống 48,8 USD/thùng. Hay như phiên giao dịch này 17/2, dầu thô bứt phá lên 53,5 USD/thùng thì đến nay, phiên ngày 23/4 chỉ còn 49,24 USD/thùng. "Nhưng giá dầu không giảm mãi được, bởi nguyên nhân giảm vừa qua là do yếu tố địa chính trị chứ không phải do chi phí khai thác", ông Năm nhấn mạnh.
Những dự báo trên dường như đã tiên liệu trước đối với người tiêu dùng rằng, xăng dầu trong nước "hồi phục" theo dầu thô là tất yếu.
CPI liên tiếp 4 tháng qua vẫn tăng trưởng âm. So với giá đỉnh ngày 28/7/2014, giá xăng đã giảm tới 9.970 đồng/lít, dầu diezen cũng giảm 7.380 đồng/lít, dầu madut giảm 6.720 đồng/kg và dầu hoả giảm 6.930 đồng/lít. Mặt bằng thị trường xăng dầu đang rẻ nhất trong vòng 4 năm trở qua, chỉ dưới 16.000 đồng/lít. Riêng madut dưới 12.000 đồng/kg.
Trong một bối cảnh như vậy, các doanh nghiệp xăng dầu có vẻ đang kỳ vọng sẽ có một quyết định tăng giá dễ dàng, dễ được chấp nhận hơn giai đoạn trước. Duy chỉ có một điều nếu có còn lấn cấn nhất là liệu việc tăng giá nếu có tới đây có khiến cho ngành vận tải vội vã tăng theo, sau khi bị kiểm soát gắt gao ép phải giảm giá cước dịp Tết vừa qua.
Theo DanViet
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]