Nhiều đại lý ở bán sữa Abbott vượt giá trần
Tại một đại lý sữa trẻ em ở Đông Anh (Hà Nội), một hộp Grow G Power Vanilla loại 900 gr bán đến tay người tiêu dùng với giá 428.000 đồng, trong khi giá bán tối đa của Abbott chỉ là 414.000 đồng. Nghĩa là nếu mua hộp sữa này người tiêu dùng sẽ bị thiệt 14.000 đồng. Tương tự, hộp sữa Abbott Grow 3 loại 900 gr vẫn cao hơn tới 13.000 đồng so với giá trần quy định.
Lý giải điều này, chủ đại lý sữa cho biết, dù đã nhận được thông báo về giá bán tối đa, nhưng nhân viên phân phối của hãng sữa không nói rõ chính sách hỗ trợ chênh lệch giá. Vậy nên, cửa hàng này vẫn bán theo giá cũ.
Tình trạng tương tự với sữa Similac Gain Plus loại 1,7 kg có giá bán 805.000 đồng đã vượt mức trần tới 11.000 đồng.
Lý giải nguyên nhân của việc không giảm giá theo quy định, chủ các đại lý sữa cũng cho biết do đại lý phân phối không có chính sách hỗ trợ giá đối với lượng hàng tồn từ trước đây, mà chỉ áp dụng với đơn hàng mới.
Nhiều đại lý vẫn giữ nguyên giá bán một số sản phẩm trong danh mục áp trần (ảnh minh họa).
Được biết, chính sách bán lẻ sữa theo giá trần của Abbott được áp dụng từ ngày 28/5, tức là trước 3 ngày kể từ ngày quy định áp trần có hiệu lực. Thông tin tích cực này khiến nhiều người tiêu dùng vui mừng khi mua được một hộp sữa có giá giảm khoảng vài chục nghìn đến gần 300.000 đồng/hộp. Thế nhưng, với thực trạng một số cửa hàng vẫn chưa thực hiện áp trần theo quy định vì nhiều lý do khách quan khác nhau thì người tiêu dùng khó lòng có niềm tin tuyệt đối với việc triển khai áp trần giá sữa cho trẻ dưới 6 tuổi.
Cơ quan Quản lý giá thuộc Bộ Tài chính cho biết, đã nắm bắt được tình trạng giá bán lẻ cao hơn mức giá trần. Tuy nhiên, theo đại diện cơ quan này, do đến ngày 21/6 tới mới là thời hạn chính thức thực hiện áp trần giá bán lẻ, nên trong thời gian này cơ quan quản lý chưa can thiệp sâu tới việc thực hiện giảm giá của các hãng sữa.
Phải tăng cường hậu kiểm
Thời điểm áp trần giá sữa từ ngày 1-6 chỉ mang tính chất tự nguyện của các hãng sữa là chính; tới ngày 21-6 Bộ Tài chính sẽ chính thức áp trần giá sữa bán lẻ. Theo Bộ Tài chính, mức giá bán lẻ tối đa tới người tiêu dùng không vượt quá 15% của giá bán buôn tối đa. Do vậy, mới có mức bán lẻ chênh lệch từ 40.000 đến 50.000 đồng/hộp tùy nơi bán.
Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy trong năm 2013 tại Việt Nam, tỷ lệ trẻ em bị suy dinh dưỡng, thấp còi ở độ tuổi dưới 5 chiếm gần 26%. Theo Viện Dinh dưỡng quốc gia, trung bình cứ 6 trẻ dưới 5 tuổi thì có 1 trẻ thiếu cân, 4 trẻ dưới 5 tuổi thì có 1 trẻ bị thấp còi… Do vậy, Quyết định 1079/QĐ-BTC của Bộ Tài chính về việc áp trần giá sữa có hiệu lực được nhiều bậc phụ huynh kỳ vọng sẽ đem lại cơ hội mua sữa cho trẻ em với giá hợp lý. Tuy nhiên, thực tế cho thấy mặt bằng thị trường sữa bán lẻ ở các cửa hàng, tiệm tạp hóa… nhìn chung còn nhiều bất ổn. Để Quyết định 1079 đi vào cuộc sống, rất cần các cơ quan chuyên trách (quản lý thị trường, công an kinh tế…) thường xuyên tăng cường hơn nữa công tác hậu kiểm.
Theo Nguoiduatin
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]