Lượng hàng hóa dồi dào nhưng giá vẫn ở mức cao
Thông tin từ Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), tại thị trường Việt Nam hiện đang có hơn 300 sản phẩm sữa của các công ty lớn như Vinamilk, Dutch Lady, Nutifood Việt Nam, About,...
Sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi là một thị trường có lượng hàng hóa dồi dào và sức mua lớn. Tuy nhiên, giá các loại sữa vẫn ở mức cao so với thu nhập bình quân trên đầu người, nguyên nhân khách quan do các loại chi phí tăng (như thuế nhập khẩu, giá xăng dầu, điện, nước, giá nguyên liệu đầu vào...), nguyên nhân chủ quan là do các nhà sản xuất, phân phối "lách luật" dưới hình thức chuyển tên gọi từ sữa sang thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng, thực phẩm công thức... và thay đổi nhãn hàng hóa, bao bì, các thông số về chất dinh dưỡng khác nhằm tăng giá sữa để thu lợi nhuận cao hơn.
Cụ thể, ngày 20/3, Đội quản lý thị trường Chống buôn lậu- Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Gian, phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ- Công an tỉnh Bắc Giang tiến hành kiểm tra kho hàng của Công ty Cổ phần thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu quốc tế Trường Lộc để tại kho của Xí nghiệp chế biến thực phẩm 2 thuộc Công ty Cổ phần thuốc lá và thực phẩm Bắc Giang (Khu Công nghiệp Thọ Xương, TP Bắc Giang, Bắc Giang).
Kết quả kiểm tra đã phát hiện Công ty Cổ phần thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu quốc tế Trường Lộc (Số 12, đường Thanh Niên, Phường Cẩm Thành, Cẩm Phả, Quảng Ninh) thuê người thực hiện việc tẩy xóa hạn sử dụng của nhà sản xuất, in lại hạn sử dụng trên các hộp sữa nhãn hiệu Hero Baby 1, Hero Baby 2, Hero Baby 3. Tang vật vi phạm bao gồm: Máy phun chữ nhãn hiệu Linx 4900, súng bắn keo, chất tẩy rửa Axeton, nhãn hàng hóa vi hạn sử dụng, xuất xứ dùng để dán lên bao bì sản phẩm, 6.852 hộp sữa Hero Baby loại 800g/hộp.
Còn theo kết quả thanh tra mới đây của Bộ Tài chính, từ năm 2013 đến hết quý I/2014, giá sữa của 5 doanh nghiệp lớn tiếp tục tăng từ 2,4- 30,6% tùy mặt hàng. Các doanh nghiệp sữa đã đổ quá nhiều tiền vào quảng cáo, khuyến mại, tiếp thị, vượt mức quy định của Luật thuế TNDN. Tổng số tiền ở 4 công ty có vi phạm này lên tới 386 tỷ đồng, làm tăng giá thành và giá bán sản phẩm sữa dành từ 2,18% đến 16,39%.
Một nghiên cứu của Bộ Công Thương cũng xác nhận, chi phí quảng cáo và tiếp thị, mức chiết khấu của hãng sữa luôn cao hơn 1,5-2 lần mức quy định và đều được tính vào giá thành sản phẩm. Do đó, thuế hay giá xăng, giá điện - chỉ là yếu tố rất nhỏ trong cấu thành giá sữa, đều không thể là lý do thuyết phục cho việc tăng giá bán lẻ ồ ạt. Các doanh nghiệp thường viện lý do giá nguyên liệu, chi phí đầu vào tăng, nhưng thực tế, có giai đoạn, các chi phí này trên thế giới giảm nhưng giá trong nước vẫn cứ tăng, điển hình như giai đoạn tháng 6/2011 đến tháng 9/2012.
Hiện giá các loại sữa ở VN vẫn ở mức cao so với thu nhập bình quân trên đầu người của người dân (Ảnh minh họa).
Giám đốc một doanh nghiệp chuyên nhập khẩu sữa bột về thị trường VN cho biết khi bị quản lý giá, các hãng sữa sẽ có nhiều chiêu để lách. Không chỉ bằng việc thay bao bì mới, rút bớt trọng lượng mà còn có thể điều chỉnh độ ẩm một tỉ lệ nhất định để tăng lợi nhuận. Do đó, để đảm bảo người tiêu dùng có lợi và các doanh nghiệp sữa cạnh tranh bình đẳng hơn, không chỉ quản lý giá mà cơ quan chức năng phải kiểm tra sự thay đổi bên trong như thế nào.
Những tháng đầu năm 2014, giá sữa liên tực tăng gây bức xúc và làm ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng. Trước tình hình trên, ngày 20/5, Bộ Tài chính ra quyết định về áp dụng biện pháp bình ổn giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi nhằm thực hiện bình ổn giá ở cấp vĩ mô, Cục Quản lý thị trường cử công chức tham gia Đoản khảo sát về giá sữa do Bộ Tài chính chủ trì tại một số tỉnh, thành phố trên cả nước.
Cùng ngày 20/5/2014, Bộ Tài chính cũng ban hành công văn về việc hướng dẫn thực hiện biện pháp bình ổn giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi.
Những quyết định mới về việc bình ổn giá sữa của các cơ quan chức năng khiến các bậc phụ huynh "dễ thở" hơn vì giá sữa không "lúc năng lúc mưa" như thời gian trước đó.
Nhiều khó khăn trong quản lý giá sữa
Cũng theo một đại diện của Cục quản lý thị trường, tình hình vi phạm trong sản xuất, kinh doanh mặt hàng sữa vẫn diễn biến phức tạp, nhiều vụ việc vi phạm kéo dài gây bức xúc cho dư luận do một số khó khăn và nguyên nhân từ phía cơ chế, chính sách.
"Nhiều các văn bản quy định, hướng dẫn nhưng vẫn còn chồng chéo, không phân định rõ ràng trách nhiệm quản lý giữa các bộ, ngành và còn thiếu sót, chưa phủ hết các lĩnh vực, có khoảng trống giữa các khâu trong trách nhiệm quản lý liên tục một sản phẩm. Các cơ sở thực hiện ghi nhãn không đúng với tên sản phẩm trên hồ sơ công bố tiêu chuẩn sản phẩm. Song các nhãn sản phẩm này lại đã được cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận, công bố tiêu chuẩn sản phẩm thực phẩm và xác nhận cho phép sử dụng. Vì vậy, mặc dù bị phát hiện vi phạm nhưng cơ quan chức năng không thể xử lý được", vị này cho biết.
Mặt khác, việc chỉ đạo và tổ chức kiểm tra, kiểm soát bước đầu đã đi vào trọng tâm, trọng điểm, nhưng chưa làm được nhiều, mới dừng lại ở một số địa bàn; việc chia sẻ thông tin giữa các Chi cục Quản lý thị trường và các lực lượng chức năng khác có lúc chưa kịp thời, còn nặng về hành chính.
Nhận thực về tác hại gây ra từ việc tăng giá sữa liên tục còn hạn chế, việc chấp hành các quy định về giá của các doanh nghiệp còn chưa cao. Vấn đề chấp hành các quyết định của đoàn kiểm tra đối với các cơ sở sản xuất và kinh doanh sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi còn chưa nghiêm. Không ít các cơ sở có hành vi đối phó với cơ quan chức năng.
Giảm giá, ổn định giá sữa là niềm mong mỏi bấy lâu nay của người tiêu dùng. Tuy nhiên, việc quản lý, kiểm soát giá bán lẻ đảm bảo không cao hơn 15% so với giá bán buôn thực tế còn gặp nhiều khó khăn. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp, hộ kinh doanh có ý thức chấp hành nghiêm quy định của Bộ Tài chính, tránh tình trạng lách luật để tăng giá, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng.
Theo Nguoiduatin
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]