Giá thực phẩm tươi sống ổn định trong tháng 9. Ảnh Internet.
Theo nhận định của Cục Quản lý giá, chỉ số giá tiêu dùng tháng 9-2014 có thể chịu áp lực tăng giá do một số yếu tố như: Nhu cầu mua sắm trang phục, đồ dùng học tập tăng do chuẩn bị cho năm học mới 2014-2015; nhu cầu đi lại, vui chơi, giải trí vào dịp Lễ Quốc khánh 2-9; bên cạnh đó, mùa mưa bão tiếp diễn... có thể gây sức ép lên mặt bằng giá.
Ngoài ra, giá lúa, gạo trong thời gian tới có thể tiếp tục xu hướng tăng nhẹ do các doanh nghiệp thực hiện các hợp đồng xuất khẩu gạo; giá dịch vụ giáo dục (học phí) được điều chỉnh theo lộ trình thị trường tại một số địa phương trong đó có TP.HCM... sẽ khiến giá cả tăng nhẹ trong tháng này.
Tuy nhiên, bên cạnh nỗi lo chỉ số giá tiêu dùng tăng, trong tháng 9 cũng có nhiều yếu tố giúp giảm áp lực lên mặt bằng giá. Đó là: Giá nhiều hàng hoá nguyên nhiên vật liệu thiết yếu trên thị trường thế giới nhìn chung vẫn trong xu hướng giảm; trong nước, cân đối cung- cầu hàng hóa, dịch vụ tiếp tục được giữ vững; giá một số hàng hóa thiết yếu dự báo tiếp tục ổn định hoặc giảm như thực phẩm, đường, sữa, LPG...
Đồng thời, những tác động theo độ trễ của việc điều chỉnh giảm giá xăng dầu lên nhóm nhiên liệu và các hàng hóa khác; các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai các giải pháp tăng cường quản lý, kiểm soát, bình ổn thị trường, giá cả theo Nghị quyết số của Chính phủ; và chương trình bình ổn thị trường, tháng khuyến mại tại các thành phố lớn tiếp tục được thực hiện góp phần bình ổn thị trường giá cả... sẽ là những yếu tố làm giảm áp lực lên mặt bằng giá.
Trong nhóm các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu được dự báo tăng giá đó là mặt hàng lúa, gạo. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, xuất khẩu gạo trong tháng 8 đạt 454.952 tấn, trị giá FOB là 197,866 triệu USD. Luỹ kế xuất khẩu gạo từ đầu năm đến cuối tháng 8 đạt 4,071 triệu tấn, trị giá FOB là 1,758 tỷ USD. Nguyên nhân do giá chào bán gạo xuất khẩu trên thị trường Thái Lan tiếp tục tăng so với tháng 7-2014 do nguồn cung hạn hẹp trong khi Chính phủ vẫn chưa bán thêm gạo dự trữ. Giá chào bán gạo của Việt Nam tăng do nhu cầu nhập khẩu gạo Việt Nam của các nước khá cao.
Trong nước, giá lúa, gạo tiếp tục tăng so với tháng 7-2014 do các nhà xuất khẩu gạo tăng cường thu mua gạo để phục vụ cho các hợp đồng xuất khẩu đã ký; ngoài ra giá gạo tăng một phần do tác động từ khối lượng xuất khẩu qua Trung Quốc theo đường tiểu ngạch khá lớn.
Do đó, dự báo giá chào bán gạo thế giới tháng 9-2014 có thể tiếp tục xu hướng tăng do nguồn cung hạn chế trong khi nhu cầu gia tăng. Giá lúa, gạo trong nước cũng tăng nhẹ do tác động từ thị trường thế giới. Cùng nhóm các mặt hàng tăng nhẹ trong tháng 9 được dự báo là: Giá phân bón Urê; giá thép và xi măng.
Tin vui là giá đường và thức ăn chăn nuôi dự báo sẽ giảm nhẹ hoặc ổn định trong thời gian tới do giá thế giới tiếp tục giảm nhẹ.
Giá các mặt hàng được dự báo sẽ ổn định đó là: Giá các loại thực phẩm tươi sống; muối; giá sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi.
Đáng chú ý, 2 mặt hàng có ảnh hưởng lớn đến "sức khỏe” của nền kinh tế là xăng dầu và LPG (gas) được dự báo sẽ ổn định hoặc giảm. Trên cơ sở phân tích tình hình kinh tế, xã hội và nguồn cung dầu mỏ trên thế giới, Cục Quản lý giá cho biết, trong tháng 9 dự báo giá xăng, dầu thành phẩm thế giới ổn định so với tháng 8-2014.
Giá nhập khẩu CP thế giới có thể giảm tiếp 25 USD/tấn từ đầu tháng 9-2014 do dự báo nguồn cung LPG ổn định; thời tiết còn nóng nên nhu cầu sử dụng LPG không tăng cao. Giá bán LPG trong nước dự kiến cũng có thể giảm tương ứng khoảng 7.000 đồng/bình 12kg trong tháng 9-2014.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng cả nước tháng 8-2014 tăng 0,22% so với tháng 7-2014, tốc độ tăng thấp hơn so với 2 tháng trước, đồng thời cũng thấp hơn so với cùng kỳ một số năm gần đây. Trong đó, xét theo cơ cấu nhóm hàng thì có 8 nhóm hàng cấp I có chỉ số giá tăng và 3 nhóm có chỉ số giá giảm.
Hai nhóm có đóng góp lớn nhất vào mức tăng chỉ số giá tháng 8 là Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,45%, May mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,32% (bằng khoảng 92,3% mức tăng chung). Các nhóm khác có chỉ số giá tăng bằng hoặc thấp hơn mức tăng chung là: Thuốc và dịch vụ y tế và Giáo dục cùng tăng 0,22%, Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,18%.
So với tháng 12-2013, chỉ số giá tiêu dùng tháng 8-2014 tăng 1,84%. Đây là mức tăng thấp nhất so với mức tăng cùng kỳ các năm giai đoạn từ 2004 đến nay. Trong đó, chỉ số giá tăng cao nhất ở nhóm Giao thông, tăng 3,14%, tiếp đến là Đồ uống và thuốc lá tăng 2,69%; Nhà ở và vật liệu xây dựng là nhóm có mức tăng thấp nhất, tăng 0,23%; riêng Bưu chính viễn thông giảm 0,38%.
So với tháng 8-2013, chỉ số giá tiêu dùng tháng 8-2014 tăng 4,31%, mức tăng này chỉ cao hơn tốc độ tăng cùng kỳ năm 2009 nhưng thấp hơn cùng kỳ các năm từ năm 2008-2013.
Theo Zing.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]