Ngày 5/1, ông Châu Văn Hiệp - Chủ tịch Hội Nông dân xã Hiệp Hòa (TP Biên Hòa, Đồng Nai) cho biết: "Trong ngày 3 - 4/1, lượng cá bè của ngư dân nuôi trên nhánh sông Đồng Nai (xã Hiệp Hòa) chết trên 100 tấn. Có khoảng 215 hộ dân bị ảnh hưởng với mức độ khác nhau. Nhiều gia đình thiệt hại trên 20 tấn, rơi vào cảnh trắng tay”.
Theo một chủ bè cá, 2 ngày trước, nước nhánh sông Đồng Nai chuyển màu đen và có mùi hôi nồng nặc. Cá nuôi nổi lên mặt nước đớp bọt khí và có biểu hiện kiệt sức, đến rạng sáng 4/1 thì chết hàng loạt.
Ông Nguyễn Văn Dương cho biết, gia đình nuôi 16 bè cá trắm, chép và điêu hồng để bán Tết Nguyên đán nhưng bị chết gần hết. "Mỗi lần xúc cá vào bao tải đưa đi thiêu hủy, tôi tiếc ứa nước mắt. Công chăm sóc cả năm trời, tốn hàng tỷ đồng nhưng giờ tay trắng. Trong 2 ngày, gia đình tôi mất trên 15 tấn cá”, ông Dương nói.
Để vớt vát, nhiều người chọn những con còn tươi bán cho người có nhu cầu. Theo các hộ nuôi, bình thường mỗi kg chép, trắm, điêu hồng giá từ 50.000 đồng đến 80.000 đồng, còn cá chết chỉ bán được khoảng 2.000 đồng/kg.
Theo ông Đỗ Chí Kiên - chuyên viên Phòng Kinh tế TP Biên Hòa, trong sáng 4/1, đoàn liên ngành gồm UBND TP Biên Hòa, Chi Cục thủy sản Đồng Nai, Hội Nông dân xã Hiệp Hòa... đã đến hiện trường ghi nhận vụ việc, lấy mẫu nước kiểm tra.
Nhà chức trách chưa xác định được nguồn ô nhiễm khiến oxy trong nước sụt giảm. Ảnh: Ngọc An
Kỹ sư Phạm Thị Kiều Diễm - Trưởng phòng quản lý nuôi trồng, phát triển thủy sản (Chi cục Thủy sản Đồng Nai) cho biết, mẫu nước tại làng cá bè có hàm lượng ôxy hòa tan giảm. Đây là nguyên nhân khiến cá chết hàng loạt trong những ngày qua.
"Chúng tôi không xác định được nguồn ô nhiễm khiến nồng độ ôxy hòa tan tại các bè cá giảm. Theo cơ chế, lượng khí này bị sụt do nước sông bị ô nhiễm hữu cơ sinh học hoặc ô nhiễm hóa học. Ngoài ra, có thể do biến động đột ngột của thời tiết và dòng chảy. Để xác định nguồn ô nhiễm thì phải chờ kết quả xét nghiệm", bà Diễm nói.
Cũng theo bà, đa phần các bè cá của ngư dân khu vực trên phân bổ chưa đúng quy trình kỹ thuật. Lượng bè nhiều và sát nhau gây cản trở dòng chảy, làm giảm sự trao đổi nước. Mật độ cá trong mỗi bè cao (120 - 130 con cá/m3) nên có thể không đủ dưỡng khí duy trì sự sinh trưởng.
Kỹ sư Phạm Thị Kiều Diễm khuyến cáo, ngư dân nên sử dụng sục oxy hoặc dội nước thủ công để tạo nguồn dưỡng khí trong các bè nuôi. Bổ sung cho cá các chất hỗ trợ miễn dịch và không cho ăn các loại thức ăn tự chế.
Ông Lê Văn Trung - Chánh văn phòng UBND TP Biên Hòa cho biết, nhà chức trách đang thống kê số lượng thiệt hại và tìm hướng hỗ trợ cho ngư dân; đồng thời chỉ đạo các đơn vị liên quan xác định nguyên nhân cá chết để có hướng xử lý.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]