Nghề trồng mía của nông dân rất bấp bênh. Trong ảnh: Thu hoạch mía ở huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang. Ảnh: GIA TUỆ
Giá đường nước ta ở mức bình quân 12.000-13.000 đồng/kg, trong khi giá đường nhập lậu từ Thái Lan chỉ 9.000-11.000 đồng/kg. Do lợi thế giá rẻ hơn nên mỗi năm có khoảng 400.000-500.000 tấn đường lậu từ nước này chảy ồ ạt vào Việt Nam.
“Nếu không có giải pháp ngăn chặn đường lậu thì với giá thành thấp, lại không phải chịu thuế, đường Thái có nguy cơ giết chết dần ngành mía đường trong nước” - ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), cảnh báo.
Thua lỗ, đóng cửa
Trên thực tế sức ép của đường lậu Thái là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến không ít doanh nghiệp (DN) thua lỗ, nhiều nhà máy đường phải đóng cửa. Những DN còn hoạt động cũng bị thu hẹp thị trường, lượng tồn kho lớn..., dẫn tới phải giảm giá thu mua mía nguyên liệu của nông dân.
Nông dân đành phải chặt mía, trồng cây khác vì không có lợi nhuận. Đây cũng là một trong những nguyên nhân lý giải vì sao điệp khúc chặt mía, đốt mía, để mía chết khô trên đồng… cứ lặp đi lặp lại.
Bên cạnh đường lậu, một số công ty mía đường còn cho hay có hiện tượng đường tạm nhập tái xuất được chuyển đóng thành những túi 1 kg để bán lẻ ra thị trường nội địa. Trong khi đó việc xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc lại giảm.
Câu hỏi đặt ra là tại sao đường lậu lại tràn vào quá nhiều nguy cơ bóp chết ngành mía đường trong nước? Ông Long thừa nhận ngành mía đường Việt Nam không chỉ thua Thái Lan mà còn thua các nước trên thế giới quá nhiều mặt, chi phí sản xuất cao dẫn đến giá thành cao không cạnh tranh nổi.
Cụ thể, giá mía nguyên liệu để sản xuất đường của Việt Nam khoảng 45-50 USD/tấn, còn Thái Lan chỉ khoảng 30 USD/tấn, trong khi tỉ lệ chi phí mía chiếm 75%-80% trong giá thành đường. Điều này dẫn đến đường Việt Nam có tính cạnh tranh kém hơn đường thế giới.
Cần học hỏi các nước
Theo phân tích của GS Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp, ngành công nghiệp chế biến mía đường của nước ta đang phát triển trên cơ sở nông nghiệp lạc hậu, ruộng đất manh mún.
Ở Thái Lan, Brazil có khi một nông hộ trồng tới vài trăm ha, còn nước ta sản xuất theo nông hộ nhỏ lẻ 1-2 ha. Sản xuất công nghiệp với quy mô lớn nên nông dân Thái có lợi nhuận cao, có thể đầu tư vào máy móc và khoa học công nghệ.
Thêm nữa, giống mía và quy trình chăm sóc tưới tiêu của họ tốt hơn nên chất lượng cho đường cũng cao hơn. Chẳng hạn ở Thái Lan khoảng 8 kg mía cho 1 kg đường nhưng Việt Nam phải tới 12-13 kg mía mới có 1 kg đường.
Ngoài ra, cách quản lý ngành đường ở Thái Lan cũng rất khác biệt. Ngành đường của họ được chính phủ giám sát chỉ tiêu hạn ngạch quota A, quota B và quota C.
Trong đó, loại đường quota A quy định các DN mía đường phải cung cấp cho thị trường nội địa, giá đường cũng bằng giá đường tại Việt Nam 12.000-13.000 đồng/kg. Dư thừa thì chuyển sang loại quota B được cấp phép cho xuất khẩu dài hạn.
Lượng đường dư thừa tiếp tục chuyển sang quota C là loại DN Thái tự tiêu thụ, được ưu đãi về thuế, phí, cộng với giá thành thấp nên họ bán lậu sang Việt Nam qua biên giới Campuchia với giá rất rẻ.
Do vậy, theo nhiều ý kiến, ngành mía đường nước ta cần học hỏi phương thức điều hành chuỗi giá trị từ sản xuất đến thương mại của ngành đường Thái và một số nước khác.
Bắt tay với Coca-Cola, Vinamilk…
Nhiều ý kiến cho rằng điều lo ngại nhất với ngành đường Việt Nam trong thời gian tới là sự cạnh tranh mạnh mẽ hơn của đường các nước, nhất là Thái Lan. Bởi tới năm 2018, khi thuế suất nhập khẩu đường từ các nước ASEAN giảm xuống còn 5%, đường và sản phẩm sau đường của họ sẽ tràn vào nhiều hơn hiện nay.
Để ngành mía đường có thể trụ vững, theo ông Phạm Hồng Dương, Chủ tịch Ủy ban Mía đường thuộc Tập đoàn TTC, chỉ có đầu tư vào khoa học kỹ thuật, công nghệ chế biến để giảm giá thành, tăng tính cạnh tranh. Đặc biệt các DN phải liên kết với nông dân tạo thành những vùng nguyên liệu lớn.
“Bên cạnh đó đầu tư sản xuất điện, phân bón sinh học từ bã mía, tận dụng các phụ phẩm khi sản xuất đường, để giảm giá thành sản phẩm, tăng lợi nhuận” - ông Dương nói.
Ông Nguyễn Thành Long, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ, thông tin hiện nay một số công ty mía đường ở khu vực miền Trung đã thuê, mua đất với diện tích lớn, ứng dụng khoa học kỹ thuật, ký kết đầu ra tiêu thụ với những công ty lớn như Coca-Cola, Vinamilk… Đồng thời ngành mía đường cần phải thay đổi cách làm giống như cách làm của đại gia Đặng Văn Thành (TTC) hay bầu Đức (HAGL).
“Nhờ cách làm trên, chữ đường của một số vùng ở các tỉnh miền Trung đã bằng Thái Lan với khoảng 8 kg mía cho ra 1 kg đường” - ông Long nói.
Thêm nữa, theo GS Võ Tòng Xuân, trong ngành mía đường, nhu cầu sản phẩm đường của các quốc gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) lên đến 9 triệu tấn/năm, do vậy cơ hội xuất khẩu cho ngành mía đường Việt Nam là rất lớn. Trong TPP, Mỹ là nước có nhu cầu nhập khẩu đường rất lớn và giá đường nội địa của họ cũng rất cao.
Hiện đã có một số công ty nhìn thấy cơ hội này và họ đã đầu tư một cách bài bản như áp dụng kỹ thuật hiện đại, xây dựng trung tâm nghiên cứu về cây mía nên có giống chất lượng cao... để vượt qua những thách thức.
“Với việc đầu tư bài bản như vậy, trong khoảng hai năm nữa năng suất, chất lượng đường của Việt Nam có thể sẽ không thua Thái Lan” - ông Xuân tự tin.
Thị trường đầy hứa hẹn Với hơn 90 triệu dân, Việt Nam là một thị trường lớn, đầy hứa hẹn với ngành đường Thái. Đặc biệt, với việc mua lại các hệ thống bán lẻ Việt Nam, đường Thái càng có thêm nhiều cơ hội tấn công thị trường Việt Nam. Nhìn nhận về vấn đề này, ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch VSSA, nói Việt Nam cần phải có hàng rào kỹ thuật về chất lượng đường nhập. Đồng thời chuẩn bị tốt các công cụ phòng vệ thương mại như kiện chống bán phá giá. |
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]