Trong khi Bộ Tài chính đang lên kế hoạch áp dụng giá trần cho sữa dành thì trên thị trường, một số nhãn hiệu sữa đã “nhanh tay” thay đổi mẫu mã, giảm trọng lượng hộp để lách giá. Hệ quả là người tiêu dùng vẫn bị "móc ví". Các hãng sữa dành phần lớn lợi nhuận để quảng cáo, chi hoa hồng.
Khảo sát của phóng viên Dân trí về không khí mua bán mặt hàng sữa - nguồn thực phẩm không thể thiếu đối với trẻ nhỏ - tại Hà Nội chiều ngày 13/5 thì hầu hết giá các mặt hàng sữa vẫn chưa hề giảm, thậm chí còn tăng nhẹ so với trước.
Nhân viên bán hàng của cửa hàng HTsoft trên phố Xã Đàn cho biết: “Hiện tại cửa hàng chưa thấy có thông báo giảm giá từ các nhà phân phối”.
Một chủ cửa hàng sữa trên đường Trường Chinh (xin giấu tên) cho hay: “Cửa hàng cũng muốn các nhà phân phối giảm giá sữa để giảm cho khách hàng. Nhưng điều này rất khó, bởi một vài nhãn hiệu còn thông báo miệng là sẽ có sự điều chỉnh tăng trong thời gian tới”.
Trong khi đó, mới đây, nhà phân phối độc quyền các sản phẩm sữa Abbott tại Việt Nam là Công ty TNHH Dinh Dưỡng 3A lại tiếp tục có văn bản gửi lên Bộ Tài chính đề nghị được áp dụng mức giá bán mới từ ngày 9/5 với mức tăng khoảng 5%. Tuy nhiên, Bộ Tài chính đã “bác” việc tăng giá sữa của Abbott.
Điều đáng nói, Công ty TNHH Dinh Dưỡng 3A là một trong số 5 doanh nghiệp nằm trong nhóm năm đơn vị có thị phần lớn nhất của cả nước vừa được Bộ Tài chính thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ các quy định của pháp luật về thuế và giá. Kết luận của thanh tra Bộ Tài chính cho thấy, Công ty TNHH Dinh Dưỡng 3A kê khai thiếu gần 1,9 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp của năm 2013. Đặc biệt, công ty chi quảng cáo, khuyến mãi, tiếp thị vượt mức quy định gần 70 tỷ đồng. Đây chính là nguyên nhân làm đội giá thành sữa thời gian qua.
Trong khi Bộ Tài chính đang triển khai kế hoạch áp giá trần đối với mặt hàng sữa dành cho
trẻ em dưới 6 tuổi thì trên thị trường, nhiều hãng sữa đã kịp tung ra nhiều sản phẩm mới như đổi mẫu mã vỏ hộp, giảm trọng lượng và niêm yết thấp hơn giá cũ, đồng thời thông báo ngừng bán các sản phẩm cũ để đối phó.
Theo tìm hiểu của phóng viên Dân trí, thực chất của những “chiêu bài” trên, dù là thay đổi mẫu mã, thêm thành phần dinh dưỡng, hay giảm trọng lượng thì mục đích cuối cùng của các hãng sữa vẫn là giữ nguyên giá cũ, thậm chí tăng giá bán mới một cách có tính toán. Và như vậy, người tiêu dùng vẫn bị "móc ví" một cách khéo léo mà doanh nghiệp thì không vi phạm luật.
Ví dụ, sản phẩm Pediasure B/A hộp 900g của Abbott sẽ thay bằng loại hộp 850g, giá bán lẻ cho người tiêu dùng là 610.000 đồng/hộp; sữa Ensure Gold hộp 900g cũng bị thay bằng loại hộp mới có trọng lượng 850g, giá bán được giữ ở mức 715.000 đồng/hộp. Theo tính toán, sản phẩm này tăng gần 40.000 đồng/hộp. Còn hãng sữa Mead Johnson thì công khai hơn khi tăng giá từ 5-7% với lý do thay đổi mẫu mã sản phẩm: như Enfa A+ loại 1,8kg mới sẽ tăng lên 850.000 đồng/hộp, giá cũ là 805.000 đồng/hộp. Enfamil A+ và Enfagrow A+ sẽ được thay thế dần bằng các sản phẩm Enfamil A+ 360* Brain Plus và Enfagrow A+ 360* Brain Plus và bán cao hơn sản phẩm cũ khoảng 50.000 đồng/lon 900g.
Nhiều hãng sữa ăn lời "trên lưng" người tiêu dùng.
Chị Thu Nguyên (nhà ở Giải Phóng, Thanh Xuân) cho biết: “Tôi thường mua sữa 2 hộp/1 lần cho con và cứ thấy giá sữa chỉ tăng chứ ít khi giảm. Thời gian gần đây, sữa có tăng… mềm mại hơn, tức chỉ tăng thêm khoảng 5.000 đồng/hộp. Một số hãng sữa lại thông báo giảm giá hoặc giữ nguyên giá, nhưng nhìn kỹ thì trọng lượng hộp sữa lại bị vơi đi. Sữa là thực phẩm hàng ngày của con nên nhiều khi đành “cắn răng” mà mua, dù biết giá sữa ở nước mình tăng rất vô lý”.
Thực tế này cũng được ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội cho biết: “Trên thị trường đang có tình trạng một số doanh nghiệp sữa lách luật bằng cách giảm trọng lượng, từ hộp 500g xuống còn 480g; từ 900g xuống còn 850g với giá bán không đổi. Như vậy, thực chất là các doanh nghiệp đã tăng giá bán sản phẩm”.
Theo ông Phú, việc áp giá trần là cần thiết và nên làm ngay đối với 3 hoặc 4 hãng sữa chiếm thị phần lớn nhất, với những loại sữa đang được tiêu thụ mạnh. Tuy nhiên, ông Phú cho rằng, về lâu dài, việc áp dụng biện pháp hành chính là hạ sách. Cơ quan quản lý cần phải điều phối lại cung - cầu, đồng thời tổ chức sản xuất và nhập khẩu mặt hàng sữa để giảm bớt độc quyền.
Theo Baotinhanh