Chính phủ vừa có văn bản thông báo thống nhất với đề nghị của Bộ Công Thương về việc kết thúc áp dụng biện pháp bình ổn giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi từ ngày 1/4/2017.
Đồng thời, Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương và các bộ, cơ quan liên quan thực hiện quản lý giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi theo quy định của Luật giá và các văn bản pháp luật có liên quan; đồng thời, tăng cường công tác quản lý nhà nước trong việc kiểm soát giá, chống đầu cơ, độc quyền.
Giá sữa sẽ được quản lý theo cơ chế thị trường.
Trong bối cảnh thị trường sữa cuối năm 2013, đầu năm 2014 liên tục biến động, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sữa liên tục điều chỉnh tăng giá sữa, Bộ Tài chính đã thực hiện bình ổn giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi thông qua việc áp giá trần. Biện pháp này được thực hiện từ ngày 1-6-2014 và có hiệu lực đến ngày 1-6-2015, sau đó được gia hạn đến ngày 31-12-2016 và tiếp tục gia hạn đến hết tháng 3/2017.
Việc áp dụng giá trần mặt hàng sữa trẻ em đã phần nào giúp thị trường sữa tại Việt Nam bình ổn hơn, tuy nhiên đó lại không phải là biện pháp căn cơ để quản lý trong nền kinh tế thị trường. Theo các chuyên gia, áp giá trần cho sản phẩm sữa bột trẻ em không thể kéo dài lâu vì Việt Nam đã ký một loạt các hiệp định thương mại tự do (FTA), không thể dùng các biện pháp hành chính để áp đặt thị trường.
Theo Luật Giá, sữa không thuộc danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá, bởi không phải sản phẩm độc quyền. Thực tế, đại diện các hãng sữa ngoại cũng như các phòng thương mại nước ngoài cũng đã đề nghị Việt Nam bỏ việc áp trần để tạo sự cạnh tranh bình đẳng.
"Để áp giá trần đối với sữa trẻ em, cần phải chứng minh có những doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp giữ vị trí thống lĩnh thị trường, hoặc mặt hàng này có biến động bất thường, tăng giá quá cao so với đầu vào. Nhưng thực tế các cơ quan chức năng vẫn chưa xác định được một doanh nghiệp sữa trẻ em nào chiếm thị phần 30%, hay 2 doanh nghiệp có tổng thị phần 50%, 3 doanh nghiệp tổng thị phần 65%, 4 doanh nghiệp có tổng thị phần 75%. Đồng thời, cũng chưa chứng minh được sự tăng giá bất thường của giá sữa trẻ em bởi mỗi lần tăng giá chỉ khoảng 7-9%, trong giới hạn cho phép", chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long phân tích.
Thực tế qua gần 3 năm áp dụng, biện pháp này bộc lộ nhiều hạn chế. Dỡ bỏ trần giá sữa là cần thiết, phù hợp với thể chế và tư duy quản lý giá trong nền kinh tế thị trường.
Theo các chuyên gia, sau khi bỏ trần giá sữa, Nhà nước cần khuyến khích cạnh tranh và tạo môi trường kinh doanh lành mạnh. Nhà nước chỉ điều tiết trong bối cảnh nếu doanh nghiệp độc quyền, vi phạm Luật Cạnh tranh hoặc khi có yếu tố bất thường, ảnh hưởng đời sống. Nhiệm vụ quan trọng nhất của cơ quan quản lý giá là theo dõi diễn biến yếu tố đầu vào, yếu tố hình thành giá theo cơ chế hậu kiểm, điều hành giá theo quy luật của thị trường.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]