Hiện nay, ngày càng nhiều người bệnh trên thế giới du lịch đến Ấn Độ để chữa bệnh hoặc tìm mua thuốc sản xuất tại đây, nguyên nhân rất đơn giản: chúng rẻ hơn.
Rất nhiều loại thuốc đặc trị ở Ấn Độ được bán với giá thấp hơn các nơi sản xuất khác, qua đó thu hút một lượng lớn khách hàng không đủ khả năng hoặc không có điều kiện mua chúng ở quê nhà.
Để được điều trị theo đường chính ngạch, bệnh nhân sẽ phải đối mặt với nhiều thủ tục và rảo cản ngôn ngữ tại Ấn Độ và đây là lý do ngành buôn bán dược phẩm tiểu ngạch tại đây lên ngôi.
Ông Gregg Bigsby, một lái buôn ngành thủy sản tại bang Alaska-Mỹ bị viêm gan C đã 40 năm nay và ông hầu như đã bị xơ gan. Bác sĩ khuyên ông dùng thuốc đặc trị là Sofosbuvir nhưng hãng bảo hiểm tế từ chối trả tiền cho loại thuốc này trong khi ông không đủ khả năng thanh toán hàng trăm ngàn USD tiền thuốc.
Vì vậy, ông Bigsby buộc phải lên mạng và liên hệ với một nhóm bán thuốc ở Ấn Độ, những thương nhân tìm kẽ hở trong luật bản quyền, bằng sáng chế hay các quy định trong ngành dược để cung cấp thuốc giá rẻ cho bệnh nhân.
Trên toàn cầu hiện nay có khoảng 130 triệu người bị viêm gan C và bệnh nhân có thể tử vong nếu không có thuốc điều trị. Loại thuốc Sofosbuvir được sản xuất bởi công ty Mỹ Gilead năm 2013 là một trong những dược phẩm có thể trị loại bệnh trên.
Tuy nhiên giá của loại thuốc này khá đắt với 84.000 USD cho 12 tuần điều trị nên ngành bảo hiểm y tế Mỹ chỉ đủ khả năng chi trả tiền thuốc cho những bệnh nhân ốm nặng nhất.
Trong khi đó, giá loại thuốc trên cho 12 tuần điều trị nếu mua ở Ấn Độ chỉ vào khoảng 500 USD.
Bệnh nhân phải tự thân vận động
Đầu tiên, ông Bigsby liên hệ với một blogger có tên Greg Jefferys, vốn cũng là một bệnh nhân viêm gan C. Ông này đã từng đến thành phố Chennai của Ấn Độ vào năm 2015 để có thể mua được Sofosbuvir với giá rẻ.
Câu chuyện mua thuốc giá rẻ của ông Jefferys nhanh chóng được chia sẻ trên mạng xã hội và ông bắt đầu nhận được email đề nghị giúp đỡ, mua hộ thuốc từ khắp nơi trên thế giới.
Ngay lập tức, người đàn ông này đã tìm hiểu kỹ hơn về ngành dược phẩm tại Ấn Độ và mở rộng các mối quan hệ tại đây, sau đó xây dựng một hệ thống cung cấp thuốc giá rẻ cho những bệnh nhân hiểm nghèo trên toàn thế giới.
Ông Greg Jefferys
“Có hàng triệu người đang mắc bệnh viêm gan C trên thế giới và mọi người đang chết dần chỉ vì một loại thuốc giá rẻ đang bị bán thách”, ông Jefferys nói.
Người đàn ông này cho biết ông nhận được khoảng 100 email mỗi ngày nhờ giúp đỡ, một nửa trong số đó đến từ Mỹ.
Một số người nhờ ông sắp xếp một chuyến đi tới Ấn Độ để mua thuốc, số khác nhờ ông mua hộ và gửi chuyển phát nhanh về nơi họ ở.
Tại Ấn Độ, số thuốc hợp pháp được phép xuất khẩu là có hạn do các quy định về bản quyền nên thị trường tiểu ngạch ở đây khá phát triển và hầu hết các bệnh nhân phải “tự thân vận động” nếu muốn mua được thuốc giá rẻ.
Một số người hoạt động trong ngành này đã bị bắt, nhưng hầu hết trong số họ đều tránh được các rắc rối pháp lý lớn bởi ngành kinh doanh này không được cho là một tội quá nặng. Các công ty sản xuất thuốc muốn bán thêm sản phẩm nhưng phải chịu giới hạn do các quy định, những bệnh nhân thì lại sẵn sàng mua loại thuốc này do chúng bán quá đắt tại quê nhà.
Lãi hàng tỷ USD nhưng không giảm giá thuốc
Việc điều chỉnh giá thuốc đặc trị đang là tâm điểm tranh cãi dữ dội tại Mỹ sau khi CEO Martin Shkreli của hãng dược Turing Pharmaceuticals nâng giá một loại thuốc điều trị HIV/AIDS từ 13,5 USD lên 750 USD một viên, qua đó thổi bùng lên sự giận dữ trong công chúng.
Tuy nhiên, phần lớn những tranh cãi trên chỉ mới tập trung vào những loại thuốc đặc trị cho các bệnh hiểm nghèo cực khó chữa như HIV. Trong khi đó, trường hợp của Sofosbuvir lại khác nhau hoàn toàn.
Giám đốc Y tế Steve Miller của hãng Express Scripts cho biết có rất nhiều loại thuốc đặc trị đắt hơn Sofosbuvir nhưng đây là lần đầu tiên một loại thuốc như thế này bị bán quá đắt cho số lượng bệnh nhân vô cùng lớn. Tổng số người mắc HIV theo ước tính của Liên hiệp quốc (UN) cuối năm 2014 là 36,9 triệu người, trong khi số người mắc viêm gan C trên toàn cầu là 130 triệu.
Hãng Gilead đã trả 11,2 tỷ USD để sở hữu và phát triển thuốc Sofosbuvir và đây là một khoản đầu tư thành công lớn của công ty. Năm 2015, doanh số loại thuốc này chiếm 2/3 tổng doanh số 32,2 tỷ USD của Gilead.
Giá thuốc Sofosbuvir tại các nước
Nhằm bảo vệ thị phần thuốc viêm gan C trước những dược phẩm mới, hãng Gilead đã giảm giá thuốc xuống 84.000 USD cho liều 12 tuần điều trị, nhưng như vậy vẫn là quá cao đối với nhiều bệnh nhân.
“Nếu cho thang điểm giá thuốc từ 1 đến 10 thì giá Sofosbuvir đáng...35 điểm”, Giám đốc dự án Hepatitis/HIV của tập đoàn Treatment Action Group nói.
Trước các cáo buộc rằng Gilead đang làm giàu trên tính mạng của bệnh nhân, hãng cho biết rằng giá thuốc của công ty là hợp lý và thấp hơn so với tiêu chuẩn chi phí điều trị trước đây. Công ty cũng cho biết đã thành lập một chương trình giúp bệnh nhân mua thuốc trả góp nếu họ chứng minh được thu nhập, giấy tờ bảo hiểm và thẻ cư trú (chứng minh thư nhân dân) tại Mỹ.
Kỷ nguyên thuốc giá rẻ chấm dứt?
Những quy định về bản quyền sáng chế tại Ấn Độ từ lâu đã khiến các hãng dược phẩm quốc tế “khó chịu”.
Không giống các quốc gia khác, đặc biệt là Mỹ, Ấn Độ không cấp bản quyền cho những phát minh dược phẩm không đem lại hiệu quả vượt trội so với thuốc cũ, trừ khi các nhà khoa học chứng minh được điều đó.
Hệ quả là những loại thuốc như Sofosbuvir được sản xuất với giá rẻ hơn ở Ấn Độ do không bị ràng buộc bởi quá nhiều chi phí khác nhau về bản quyền như ở Mỹ.
“Ấn Độ đang cố chứng minh rằng họ muốn sự đổi mới và cải tiến nhưng vẫn đảm bảo các bằng sáng chế được cấp đúng cách”, nhà sáng lập Tahir Amin của Tổ chức Iniative forr Medicines, Access & Knowledge nói.
Các hàng dược phẩm Mỹ cũng như chính quyền Washington đã có nhiều động thái phản đối quyết liệt quy định này của Ấn Độ. Bản thân hãng Gilead đã giảnh được một “ chiến thắng” vào tháng 5/2016 khi Ấn Độ chấp nhận một trong các phát minh của công ty trên dòng thuốc Sofosbuvir.
Thuốc Sofosbuvir được bán rộng rãi tại Ấn Độ
Những người ủng hộ quyết định này của Ấn Độ cho rằng việc duy trì thuốc giá rẻ có thể khiến các công ty dược phẩm trên thế giới chịu thiệt hại về doanh số.
Tuy nhiên, Giám đốc chương trình y tế Medecins San Frontieres, bà Leena Menghaney cho rằng quyết định này có thể là dấu hiệu cho sự chấm dứt kỷ nguyên thuốc giá rẻ tại Ấn Độ cho những bệnh nhân hiểm nghèo.
Trở lại với câu chuyện của ông Bigsby, bệnh nhân này đã bay đến Ấn Độ chỉ một tuần sau khi liên lạc với ông Jefferys và ông đã mua được Sofosbuvir cùng một số loại thuốc điều trị khác với giá chỉ 1.600 USD.
Vài tháng sau, kết quả kiểm tra cho thấy ông Bigsby đã không còn virus viêm gan C trong cơ thể.
“Ấn Độ cho phép người nước ngoài đến mua thuốc bởi ít ra họ còn có lòng nhân đạo. Các công ty Mỹ thì chỉ quan tâm đến tiền thôi”, ông Bigsby nói.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]